Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án thi

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã khép lại. Nhìn lại 3 ngày thi, có thể thấy kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm trên cả nước. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời. 
Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Đó có lẽ là thành công rõ nhất! Nhưng kỳ thi lớn nhất quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề cần phân tích, mổ xẻ.
Sau kỳ thi THPT quốc gia 2018: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án thi ảnh 1 Thí sinh trao đổi sau giờ thi Toán tại điểm thi Trường THCS Long Thới (huyện Nhà Bè, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Kỳ thi thành công, xã hội vẫn phản ứng 
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, trong kỳ thi vừa qua, bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, nhất là công tác chuẩn bị thi và coi thi; thành lập 5 đoàn công tác của lãnh đạo bộ, thường trực chỉ đạo công tác tổ chức thi tại 5 vùng trên cả nước nhằm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra bất ngờ; huy động hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt ở 2.144 điểm thi trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, thanh tra bộ đã thành lập 11 đoàn thanh tra thi lưu động, nhằm tăng cường giám sát công tác tổ chức thi. Nhờ chuẩn bị chu đáo, kỳ thi đã diễn ra an toàn, trừ trường hợp mưa lũ ở các tỉnh Tây Bắc khiến hơn chục thí sinh không thể dự thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, đề thi được đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các điểm thi. Đây là rõ ràng là thành công của kỳ thi mà cả xã hội ghi nhận.
Bên cạnh đó, xã hội cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho kỳ thi, nhất là đề thi. “Đề thi bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa cao, đáp ứng được 2 mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Nội dung đề thi không vượt quá chương trình học sinh được học”, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), khẳng định.
Dù Bộ GD-ĐT đánh giá như vậy, nhưng xã hội thì phản ứng khác. Đã có những giọt nước mắt của thí sinh rơi xuống vì đề quá khó. Trong đó, với môn Toán, nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả những thầy cô dẫu giỏi, có năng lực, nhưng trong vòng 90 phút cũng không đủ thời gian để làm 50 câu một cách hoàn hảo. Có những giáo sư toán học phát biểu rằng bản thân cũng không thể giải hết đề thi quá dài, quá khó như vậy trong thời gian làm bài. Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ: năm 2017, đề thi trắc nghiệm bị cho là dễ, phù hợp với xét tốt nghiệp, nhiều điểm 10, xã hội phê phán. Năm nay, liệu có không việc Bộ GD-ĐT chạy theo dư luận, muốn hạn chế điểm 10 nên yêu cầu ban đề ra đề khó hơn! 
Nên giao quyền xét tốt nghiệp cho địa phương
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), với một kỳ thi mà dư luận quá nhiều ý kiến khác nhau về đề thi như vậy, Bộ GD-ĐT nên lắng nghe ý kiến của các nhà giáo, của thí sinh, của các chuyên gia… để từ đó, huy động các chuyên gia nghiên cứu, tìm ra lời giải hợp lý cho kỳ thi. Chẳng hạn, năm 2017 có nhiều bài thi đạt điểm 10, vậy bộ đã nghiên cứu sâu hơn các nguyên nhân khác ngoài đề thi chưa? Hay những bài đạt điểm cao có tập trung ở một phòng thi, một trường, một vùng hay không? Nếu có chuyện đó thì phải đặt vấn đề coi thi dễ dãi hoặc có việc lọt đề.
“Hay những thí sinh được điểm cao thì cần phân tích tương quan xem học lực ở THPT và kết quả thi trắc nghiệm, cũng như quan hệ với các môn thi khác. Khó có chuyện thí sinh được 10 điểm môn Toán nhưng Vật lý chỉ đạt 1 - 2 điểm. Nếu học yếu mà kết quả thi cao thì hoàn toàn phải nghi ngờ. Tương tự, năm 2018 này, nếu dư luận đặt vấn đề đề thi quá khó, quá dài thì Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu, phân tích thật sâu kết quả thi để có lời giải thích thỏa đáng”, ông Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề. 
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi; huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên cùng sự phối hợp các các trường đại học, học viện. Thủ tướng Chính phủ không phải ra một chỉ thị riêng về kỳ thi THPT quốc gia. Điều đó có thể hiểu, qua 3 năm thực hiện đổi mới, kỳ thi THPT quốc gia tương đối ổn định và theo hướng ngày càng nhẹ nhàng với xã hội, với phụ huynh, học sinh, nhưng vẫn bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn. 
Nhiều ý kiến cũng đặt ra sự hoài nghi về cách thức ra đề thi, bởi 1 câu khó phải suy nghĩ 5 - 7 phút mới phát hiện ra cách giải, phải mất 1 - 2 phút mới tìm ra kết quả đúng. Chỉ cần 10 - 12 câu loại này thì đã ngốn hết thời gian làm bài của thí sinh. Vậy mà, bài thi môn Toán, thậm chí Vật lý, Hóa học trong kỳ thi năm nay có tới 20 câu thuộc diện khó, hoặc phải tính toán trong nửa trang giấy nháp mới tìm được kết quả đúng. Có hay không việc để thực hiện tham vọng muốn gộp 2 kỳ thi làm 1 (vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh) nên Bộ GD-ĐT đã chạy theo dư luận, nhảy từ thái cực này sang thái cực khác?
Một lần nữa, sau kỳ thi năm nay, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu lại hình thức thi trắc nghiệm tất cả các môn, trừ môn Văn như hiện nay. Hình thức thi này có thể đang làm méo mó cách dạy cũng như cách học tại Việt Nam. Cùng với đó, nên giao việc xét tốt nghiệp cho các địa phương, còn tuyển sinh thì hoàn toàn để các trường đại học tự chủ.

Tin cùng chuyên mục