Sau cuộc đối thoại, Cục Bảo vệ thực vật lùi lệnh tái xuất lúa mì lẫn hạt cỏ

Trưa nay 17-10, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung đã đồng ý với tiếng nói của doanh nghiệp về việc lùi thời hạn bắt buộc các lô lúa mì nhập về Việt Nam có cỏ kế đồng phải tái xuất kể từ ngày 1-11 sắp tới. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời. 
Sau khi dư luận cũng như hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì về Việt Nam lên tiếng cho rằng lệnh buộc các lô lúa mì nhập về Việt Nam có nhiễm hạt cỏ kế đồng, từ ngày 1-11, nếu phát hiện sẽ phải tái xuất là quá đột ngột, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. 

Sáng nay 17-10, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức cuộc gặp với các doanh nghiệp để trao đổi và “nói cho rõ”. 

Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì thông báo từ tháng 5-2018 đến nay đã phát hiện tới 1,6 triệu tấn lúa mì nhập về Việt Nam có hạt kế đồng. Đây là sinh vật ngoại lai nguy hiểm, lây lan nhanh trên thế giới, nếu vào Việt Nam sẽ đe dọa sản xuất nông nghiệp, cánh cửa xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ bị các nước đóng lại. Vì vậy, từ ngày 1-11 sắp tới, Cục Bảo vệ thực vật bắt buộc tái xuất các lô hàng có cỏ kế đồng. 

Cục Bảo vệ thực vật đối thoại với doanh nghiệp sáng nay 17-10-2018

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung đã chủ trì cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp. Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đều đề nghị xem lại cơ sở khoa học của lệnh cấm hoặc tái xuất và lùi thời hạn bắt buộc tái xuất như đã thông báo vào ngày 1-11-2018. 

Ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc Nhà máy Bột mì Thiết Lập thông tin, theo các tài liệu mà các nước đã công bố thì loài cỏ dại kế đồng này chỉ mọc được ở các nước có vĩ độ từ 30 trở lên, cụ thể là tại khu vực ôn đới, ít ngập nước còn tại khu vực cận xích đạo và nhiệt đới như Việt Nam thì không thể sống được.

Còn bà Huỳnh Kim Chi, Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ Bột mì cho biết, doanh nghiệp của bà đã có 20 năm nhập khẩu-chế biến lúa mì nhưng chỉ mới nghe có lệnh bắt phải tái xuất nếu có hạt cỏ còn chưa nhận được văn bản nào. Và nếu có lệnh tái xuất thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất nặng nề.

“Tại các nước xuất khẩu, họ đã cấp chứng thư cho lô hàng lúa mì của chúng tôi và họ nói cỏ kế đồng là một loại cỏ thông thường”, bà Huỳnh Kim Chi nói. 

Đồng tình với việc cần siết kiểm soát sinh vật ngoại lai, nhưng ông Trần Đăng Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Bình Dương cho rằng, lệnh tái xuất lúa mì sẽ gây hàng loạt hệ quả, hàng loạt nhà máy chế biến bột mì ở nước ta sẽ phải đóng cửa, hàng loạt công nhân sẽ bị mất việc. 

Ông Tiến cho rằng, có thể áp dụng giải pháp thay thế là nhập bột mì thay cho lúa mì nhưng như vậy thì sẽ tốn thêm hàng tỷ USD để nhập bột mì về, sẽ đẩy giá thành chăn nuôi và thực phẩm lên cao. Chưa kể, lệnh cấm có thể bị các nước có múa mì “trả đũa” bằng cách không nhập khẩu nông sản từ Việt Nam hoặc không xuất sang Việt Nam các nông sản khác. 

Dẫn bằng chứng Việt Nam đã nhập khẩu lúa mì từ hàng chục năm nay nhưng hiện tại trên đồng ruộng vẫn không có loại cỏ này, ông Tiến đề nghị cần chờ các nhà khoa học làm rõ loại cỏ này có thực sự gây tác hại cho nông nghiệp Việt Nam như Cục Bảo vệ thực vật nêu ra hay không và đề nghị lùi thời hạn lệnh tái xuất. 

Ông Lê Văn Vu, Phó Giám đốc Công ty Bột mì Bình Đông nói rằng, nhà máy của ông đã có lịch sử nhập khẩu - chế biến lúa mì mấy chục năm nay nhưng hiện tại đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động vì tháng 10 và 11 là thời điểm nhập lúa mì về để chuẩn bị cho cả 6 tháng sau đó.

Trong khi một cân bột mì chế biến chẳng lãi được bao nhiêu thì hiện 1 tấn lúa mì tại Úc đã tăng từ 250-260USD lên hơn 300USD và đối tác xuất khẩu trả lời rằng “nếu anh cần thì tôi bán còn đưa điều kiện này kia thì tôi không bán”. Giá ngày càng tăng nhưng công ty ông cũng không dám nhập hàng về vì rủi ro rất lớn nếu từ ngày 1-11-2018 lệnh bắt phải tái xuất khi phát hiện có hạt cỏ kế đồng có hiệu lực. 

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói rằng, đến giờ phút này, Cục Bảo vệ thực vật và Bộ NN-PTNT chưa có văn bản nào cấm nhập lúa mì mà chỉ thông báo cho doanh nghiệp. 

Ở đây có sự hiểu lầm, không phải là cấm hoàn toàn mà chỉ bắt buộc tái xuất những lô hàng có phát hiện hạt cỏ kế đồng. Trong 9 tháng năm 2018 có khoảng 5 triệu tấn lúa mì nhập về thì chỉ có 1,6 triệu tấn có hạt cỏ, còn các lô khác không có thì vẫn nhập khẩu bình thường. 

Lẽ ra phải tái xuất ngay nhưng cho 6 tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị, chưa có nước nào làm như thế.

“Như tại EU, chỉ cần phát hiện 5 lô là họ đóng sập lại rồi, còn chúng ta có cả lộ trình 6 tháng", ông Trung nói. 

Khẳng định trước sau gì cũng phải tái xuất và nếu không có thay đổi thì phải báo cáo Bộ NN-PTNT để cấm. Tuy nhiên, sau cuộc họp, cuối cùng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đồng tình việc lùi thời hạn áp dụng lệnh bắt tái xuất lúa mì nhập khẩu có nhiễm hạt cỏ kế đồng.

“Tạm thời chưa áp dụng thời hạn là từ ngày 1-11 còn thời điểm nào thì sẽ trình Bộ NN-PTNT”, ông Hoàng Trung nói. 

Tin cùng chuyên mục