Sắp xếp đơn vị hành chính: Không gượng ép để làm cho xong việc

Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021.
Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tại hội nghị này đã có nhiều vấn đề nóng được đặt ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm như công tác nhân sự nên tổ chức như thế nào sau khi sắp xếp; giải pháp nào để tránh “tâm tư” trong cán bộ, đảng viên tại cơ sở; làm thế nào để tổ chức xin ý kiến nhân dân một cách thực chất về chủ trương này…? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện Đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, huyện theo chủ trương của Chính phủ, ông có quan điểm gì về chủ trương này?

Ông PHẠM VĂN HÒA: Đây là một chủ trương hết sức lớn, vừa là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và 7, Nghị quyết 56 của Quốc hội về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở cấp huyện, xã, các sở, ban, ngành để làm sao cho bộ máy hiệu lực, hiệu quả, tinh giản được những người “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, tìm được những người có trách nhiệm, có trình độ, có tinh thần, đạo đức làm việc. Đây là một vấn đề lớn, nên thời gian qua Bộ Nội vụ có trình Chính phủ đề án hợp nhất xã, huyện không đạt hai tiêu chí về dân số và quy mô diện tích. Tôi cho rằng, vấn đề này cần có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó cần có quyết tâm chính trị cao về tổ chức mới thực hiện được. Vấn đề hợp nhất hay sáp nhập không phải là vấn đề đơn giản, do đó phải làm từng khâu, từng bước, hết sức chặt chẽ, đúng quy trình để làm sao hợp lòng dân, cả nước đồng lòng thực hiện vấn đề này.

* Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến cử tri và đạt trên 50% cử tri đồng ý mới báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Vậy, theo ông làm sao xin được ý kiến cử tri một cách thực chất nhất?

- Việc xin ý kiến của cử tri và phải đạt trên 50% cử tri đồng ý trở lên, đó là quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cho nên muốn xin ý kiến thực chất, đúng quy định của Đảng, của Quốc hội thì phải có sự thông suốt của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên cấp cơ sở, cấp huyện phải thống nhất, lúc đó mới có thể tuyên truyền được người dân. Nếu cán bộ đảng viên cấp huyện, cơ sở có tư tưởng cho rằng việc hợp nhất sáp nhập như vậy mình sẽ mất chức, bị tinh giản biên chế thì khi tuyên truyền chắc rằng người dân không nghe. Thậm chí, chỉ cần một vài đảng viên phản đối trong hội nghị, trong cuộc họp thì cũng không có sự đồng thuận. Cho nên vấn đề này phải thông tư tưởng, có chỉ đạo của Trung ương, có hướng dẫn của Bộ Nội vụ, có nghị quyết của cấp ủy tỉnh, nghị quyết của huyện, của xã.

* Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, huyện sẽ không tránh khỏi tinh giản, sáp nhập và cơ cấu lại cán bộ địa phương, từ đó có thể dẫn đến “tâm tư” trong cán bộ, đảng viên. Theo ông, giải pháp nào để hạn chế được vấn đề này?

- Có “tâm tư” là tất nhiên, nhưng trước đó phải đả thông tư tưởng cán bộ, đảng viên, trước mắt là đội ngũ đảng viên. Có như vậy người dân mới thực hiện. Chúng ta lường trước vấn đề này vì liên quan tới quyền lợi, tới con người. Tôi cho rằng, vấn đề này cần có chủ trương, chính sách tốt từ Đảng và Nhà nước để giải quyết đối với những cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp. Chính sách đó có thể về tiền, chế độ, cơ chế mở. Chính sách này phải khách quan, công tâm, vô tư. Còn nếu không có chính sách tốt, tôi nghĩ khó có sự đồng thuận chung trong nội bộ cán bộ, và như vậy khi đưa ra thì người dân sẽ không nghe.

Chủ trương này của Đảng và Nhà nước cũng cần xem xét tới các yếu tố về con người, về địa lý, về khu dân cư, văn hóa, dân tộc, chứ không theo kiểu sắp xếp cơ học như việc cứ thấy dân số không đủ là nhập. Do vậy, chúng ta phải làm từng bước, có lộ trình.

* Như ông vừa trao đổi, có thể có “tâm tư” trong cán bộ khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, tinh giản cán bộ, đòi hỏi nhân dân lựa chọn được người có đủ đức, tài, trình độ, để đứng đầu một đơn vị hành chính mới. Vậy, làm thế nào để lựa chọn được người tài?

- Vấn đề này rất căn cơ, cốt lõi trong việc sắp xếp lại đơn vị hành chính. Ví dụ hai huyện hợp lại với nhau, hai bí thư gộp làm một, hai chủ tịch nhập lại một. Cho nên người đứng đầu về công tác cán bộ ở địa phương đó phải công tâm, khách quan, vô tư để chọn lựa được những người xứng đáng có đức, có tài, có tâm, có năng lực, có trình độ, thì lúc đó mới tổ chức thực hiện được. Nếu cần thiết chúng ta tổ chức thi tuyển. Tôi ủng hộ chủ trương thi tuyển lãnh đạo, đối với cán bộ công chức, viên chức, thậm chí với cán bộ cơ sở. Lúc đó sẽ tạo ra sự khách quan, minh bạch, ai trúng tuyển thì làm việc, ai không trúng sẽ tinh giản biên chế.

* Câu chuyện sáp nhập hay chia tách dẫn đến quản lý, sử dụng cơ sở hạ tầng hiện tại. Theo ông cần làm gì để tránh lãng phí ở vấn đề này?

- Đúng như vậy. Sắp xếp sẽ dẫn đến dôi dư cơ sở hạ tầng các cơ quan đơn vị. Theo tôi biết quỹ đất công của ta hiện nay ngày một bị hao mòn do địa phương triển khai đô thị hóa, xây dựng khu dân cư. Cho nên có chỗ dôi dư ít, có chỗ không còn, nên việc dôi dư này có thể chúng ta sẽ xây dựng địa điểm phúc lợi, các công trình công cộng cho người dân hưởng thụ. Nếu dôi dư nhiều có thể bán đấu giá nguồn đất, lấy nguồn thu đó để giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư, đồng thời cũng để xây dựng hạ tầng, cơ sở.

* Cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục