Sáng tạo giúp dân tránh ngập

LTS: Theo kế hoạch, dịp 30-4 tới đây, TPHCM lần đầu tiên trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM. Đây là giải thưởng quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt của TPHCM, tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm tôn vinh những cá nhân, tổ chức người Việt Nam (kể cả đang ở nước ngoài) có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển TPHCM.

Giải thưởng bao quát hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, truyền thông sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, khoa học cơ bản, các sáng tác của văn nghệ sĩ và cả giải pháp, mô hình thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bất cứ người dân, đơn vị, tổ chức nào có giải pháp sáng kiến mang giá trị thiết thực đều có thể tham gia giải thưởng. Công trình sáng kiến gửi đến Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM (86 Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM) tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019 (lần 1).

Báo SGGP cũng mong nhận được ý kiến góp ý của bạn đọc về các công trình tham gia giải thưởng được đăng tải, giới thiệu trên mặt báo. Mọi góp ý xin gửi về: toasoan@sggp.org.vn (báo giấy) hoặc sggponline@sggp.org.vn.

Các kỹ sư thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM không chỉ có giải pháp công trình (hố ga thu nước, ngăn mùi hôi) mà còn xây dựng ứng dụng cung cấp thông tin đường ngập kịp thời, giúp người dân chọn đường về nhà không bị ngập nước.

Cải tiến giải quyết gốc rễ mùi hôi, thoát nước

“Trước đây, người dân chúng tôi thường phải bịt miệng cống để ngăn mùi hôi thối bốc lên từ hố ga. Tuy nhiên, từ khi hố ga thoát nước kiểu mới được lắp đặt, chúng tôi không còn chịu đựng mùi hôi thối nữa”, bà Thanh An, ngụ đường Vĩnh Khánh, quận 4, TPHCM, chia sẻ. Đây cũng là ý kiến được nhiều người dân trên các tuyến đường Trương Định (quận 1, quận 3), đường Vĩnh Khánh (quận 4), đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) và một tuyến hẻm 385 Lê Văn Thọ - những nơi được thí điểm lắp đặt hố ga thông minh - bày tỏ phấn khởi.

Sáng tạo giúp dân tránh ngập ảnh 1 Một hố ga thoát nước ngăn mùi thông minh tại đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp). Ảnh: KIỀU PHONG
Các địa phương được lắp đặt thí điểm cũng đánh giá cao hiệu quả của hố ga thông minh. Đặc biệt, mới đây UBND quận 4 còn có văn bản đề nghị cho lắp đặt, thay thế các hố ga còn lại trên toàn địa bàn quận. Theo UBND quận 4, qua một năm thí điểm lắp đặt hố ga thông minh trên đường Vĩnh Khánh đã rất hiệu quả trong thu nước, ngăn mùi hôi và bảo đảm mỹ quan đô thị.

“Hố ga mới thoát nước rất tốt, chặn được rác, đất đá chảy vào lòng cống, ngăn chuột gián từ cống bò ra đường. Lưới chắn rác được thiết kế mái dốc, đảm bảo an toàn cho người dân”, UBND quận 4 nhận xét. Cũng từ các hiệu quả như đã nêu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Sở GTVT phối hợp với Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP tiếp tục chọn một số tuyến đường có cửa thu nước xuống cấp, thiếu an toàn, khả năng thoát nước kém, gây ngập nước và mất mỹ quan đô thị để tiếp tục thí điểm lắp đặt hố ga thông minh.

Là người nghiên cứu, chế tạo ra hố ga thoát nước thông minh, ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa - Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TPHCM (UDC), nhận xét các hố ga hiện hữu có chung một cơ chế thu gom nước và ngăn mùi hôi bằng nước. Tuy nhiên, khả năng ngăn mùi còn nhiều hạn chế, nhất là mùa khô.

Mặt khác, khoang chứa của miệng thu nước bị ô nhiễm phát sinh mùi hôi, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi gây hại đến người dân. Đây cũng là lý do khiến nhiều người dân bịt các hố ga lại. Trong khi đó, hố ga thu nước ngăn mùi có tiết diện thu nước lớn hơn miệng thu nước của các hố ga hiện hữu. Miệng hố ga có độ dốc để nước thoát hết vào cống, không gây tù đọng. Hố ga kiểu mới còn có van kín một chiều chỉ cho nước chảy vô mà không tràn ra ngoài và giúp ngăn mùi hôi.

“Những cải tiến mang tính sáng tạo của hố ga mới đã giải quyết được gốc rễ việc người dân thường xuyên xả rác, dùng gỗ ván, vải bạt che lấp miệng thu nước, ảnh hưởng đến nước thoát”, ông Bùi Văn Trường khẳng định.

Chỉ đường cho người dân tránh ngập

“Vào mùa mưa, các câu hỏi: “Liệu hôm nay có mưa lớn không?”, “Đường về nhà có bị ngập không?”, “Đi đường nào không bị ngập bây giờ?”… cứ quanh quẩn trong đầu chúng tôi”, Thạc sĩ thủy văn học Trương Quốc Bình, Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa - Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TPHCM, bộc bạch.

Theo ông Bình, việc tham gia lưu thông khi trời mưa lớn hoặc những khi triều cường cao là “ác mộng” đối với nhiều người. Nước ngập không những gây tê liệt giao thông mà còn len sâu vào từng con hẻm, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại các vùng ngập. Tuy nhiên, hàng loạt các câu hỏi của người dân về vấn đề này dường như chưa có lời giải đáp. Điều này khiến không ít người hoài nghi, khiến công tác chống ngập của TPHCM thiếu đi sự hỗ trợ từ cộng đồng, là vấn đề cốt lõi để thành công.

Ý thức tầm quan trọng của điều này, ông Trương Quốc Bình cùng đồng nghiệp với các chuyên ngành khác nhau (cử nhân hệ thống thông tin kinh tế, trung cấp máy tính, kỹ sư cấp thoát nước) chia sẻ suy nghĩ về ứng dụng truyền tải thông tin chống ngập.

Bất kể ở cơ quan hay ở các quán cà phê, cả nhóm cùng nhau bàn bạc cách thức chia sẻ thông tin về tình hình mưa, triều cường, giao thông đến người dân một cách nhanh nhất. Sau một thời gian thảo luận, xây dựng, đến giữa tháng 5-2017, “ứng dụng truyền tải thông tin ngập UDI Maps” chính thức ra mắt.

“Các thông tin hiện trạng và cảnh báo sớm về mưa, triều cường, điểm ngập cùng hình ảnh trực quan từ hệ thống camera giám sát 24/24 giờ được cung cấp kịp thời, đầy đủ về tình hình mưa, triều, vị trí đông xe và các điểm ngập. Người dân chỉ cần tải ứng dụng vào điện thoại là có ngay thông tin, để chọn lựa tuyến đường chính xác khi có mưa lớn hay triều cường”, ông Trương Quốc Bình nhấn mạnh.

Mặt khác, từ thông tin cảnh báo sớm, người dân ở vũng trũng thấp cũng sẽ chủ động các phương án bảo vệ tài sản, giảm nhẹ thiệt hại trước khi xảy ra ngập úng. Ứng dụng UDI Maps còn mang tính tương tác 2 chiều khi cho phép người sử dụng gửi thông tin, hình ảnh đến Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.

Đây là những thông tin rất hữu ích, giúp đơn vị này đa dạng hóa nguồn dữ liệu, đồng thời được cập nhập thông tin kịp thời để có các giải pháp ứng cứu, xử lý nhanh, phù hợp với thực tế hơn, góp phần giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra ngập.

“Với trách nhiệm của mình, chúng tôi mang UDI Maps đến cộng đồng như là một giải pháp “cứu cánh” ở thời điểm hiện nay. UDI Maps được cộng đồng đón nhận, góp ý giúp chúng tôi có thêm động lực để cải tiến sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi thật sự mong muốn UDI Maps sẽ nhanh chóng kết thúc sứ mạng để người dân không phải dùng đến mỗi khi mây đen kéo tới”, ông Trương Quốc Bình gửi gắm.

Ông BÙI VĂN TRƯỜNG, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TPHCM: Mong muốn góp phần giảm ngập

Ngập là vấn đề bức xúc của người dân TPHCM. Giảm ngập nước là một trong 7 chương trình đột phá, được TPHCM tập trung thực hiện. Nhiều công trình, dự án quy mô lớn đã được triển khai nhưng việc chống ngập đòi hỏi thời gian và chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi các công trình được đưa vào vận hành một cách đồng bộ.

Để có được kết quả này đòi hỏi một thời gian dài. Chúng tôi bị thôi thúc bởi suy nghĩ về giải pháp công trình (hố ga thoát nước ngăn mùi) lẫn phi công trình (ứng dụng UDI Maps), nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng, hạn chế ảnh hưởng của ngập đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

Đối với sáng kiến về hệ thống hố ga kiểu mới, nhận thấy sự không thích hợp trong nguyên lý ngăn mùi của hố ga cũ, cá nhân tôi nung nấu ý tưởng cải tiến. Từ ý tưởng này, chúng tôi tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến người dân cũng như tìm hiểu các mẫu phù hợp để đề xuất, chế tạo ra sản phẩm phù hợp. Trong đó, sự ủng hộ của lãnh đạo các sở - ngành cũng như UBND TP đã tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị thực tế.

Ở mỗi hố ga kiểu mới chúng tôi cũng có dòng chữ “Đừng bỏ rác ở đây, rác làm tắc cống gây ngập nước” với mong muốn người dân có ý thức hơn, bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ để không làm bít miệng cống dẫn đến gia tăng ngập úng.

Tin cùng chuyên mục