Sang Cuba gặp Việt Nam

Với những người thuộc thế hệ 7X như chúng tôi, được biết Cuba qua nhiều thước phim ảnh, sách vở, nhưng khi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này, cảm xúc đã vỡ òa trước tình cảm đặc biệt mà nhân dân Cuba dành cho Việt Nam. Anh Esteban Braulio Gonzalez Hernández đã từng công tác 12 năm tại Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam cho biết, người dân Cuba vô cùng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn xem Việt Nam là người bạn lớn. Họ yêu Việt Nam vô điều kiện!

Từ Trường Bác Hồ

Tháng 6-2018, tôi có dịp tháp tùng đoàn lãnh đạo cấp cao của TPHCM đi thăm và làm việc tại Cộng hòa Cuba. Một trong những điểm đến thăm của đoàn chính là Trường Bác Hồ, ở trung tâm thủ đô La Habana của Cuba. Ngôi trường gồm 2 cơ sở nằm trải dài trên 2 con phố bình yên với 250 em học sinh theo học.

Ngay cửa chính của ngôi trường là tấm ảnh chân dung Bác Hồ cỡ lớn đang mỉm cười thân thương. Các em học sinh vai đeo khăn quàng đỏ múa và hát vang các bài hát của Việt Nam - Cuba chào đón chúng tôi. 

Năm 1976, nhân kỷ niệm 1 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, gắn liền non sông Việt Nam thành một dải, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đã quyết định thành lập ngôi trường mang tên Bác Hồ để tiếp tục bày tỏ tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Tại đây, hàng tuần các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đều có những tiết học tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, từ đó vun bồi tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Cuba anh em.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cuba Nguyễn Thành Trung, tại quận Playgia, thủ đô La Habana còn có một ngôi trường tiểu học khác mang tên nữ anh hùng Võ Thị Thắng. Trường được thành lập năm 1968, là bằng chứng về tình cảm của dân tộc Cuba dành cho dân tộc Việt Nam, là cách để Cuba lưu giữ lại những di sản tinh thần sâu sắc về mối quan hệ ngoại giao giữa hai đất nước.

Tương tự Trường Bác Hồ, trong một không gian trang trọng của Trường Võ Thị Thắng, nhiều hình ảnh, hiện vật về Việt Nam được trưng bày, đặc biệt là bức ảnh chị Võ Thị Thắng với “nụ cười chiến thắng”. Một phần lịch sử Việt Nam đã được nhà trường đưa vào chương trình giáo dục nhằm khắc sâu hơn những bài học lịch sử sâu sắc của hai dân tộc và giáo dục tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, do không đủ thời gian nên đoàn công tác của TPHCM chưa đến thăm ngôi trường này.

Đến Làng Bến Tre thân thương

Tại tỉnh miền Tây Artemisa, có làng quê yên bình được đặt tên là Làng Bến Tre. Từ thủ đô La Habana chừng 30 phút đi ô tô, chúng tôi đến trước cổng Làng Bến Tre, xúc động ngắm nhìn cụm tượng nam, nữ du kích Việt Nam với khẩu súng và con trâu đặt ngay ở cổng làng, một biểu tượng đặc biệt tại một quốc gia ở châu Mỹ Latinh.

Sang Cuba gặp Việt Nam ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ghi sổ lưu niệm tại Nhà Việt Nam, Làng Bến Tre (Cuba)
 Theo nhiều tài liệu, năm 1969 có một nhóm sinh viên Việt Nam học tập tại Cuba đi lao động hè ở nông trường bò giống Hinba Bonita (nông trường này vẫn hoạt động, rộng 13.000ha, hiện nuôi hơn 30.000 con bò sữa) đã ở tại ngôi làng thuộc nông trường này. Cũng như nông trường Hinba Bonita, cộng đồng này được chính lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro thành lập và đích thân ông đặt tên là Làng Bến Tre để tôn vinh tỉnh đầu tiên được giải phóng tại miền Nam 

Việt Nam và lấy ngày ra đời chính thức là 20-12-1969 để kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam.

Làng Bến Tre tại Cuba có đường trục bê tông khá lớn, với nhiều chung cư cao tầng nằm dọc lối vào làng, sâu bên trong là những căn nhà lợp bằng mái lá. Trong làng có trường học, một trung tâm thương mại, phòng khám đa khoa… Hiện Làng Bến Tre quy tụ khoảng 200 gia đình với xấp xỉ 1.000 người dân.

Điểm đầu tiên mà đoàn TPHCM cũng như hầu hết các đoàn công tác của Việt Nam đến thăm khi sang Cuba chính là tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, được làm bằng đồng, đặt tại Công viên Hòa Bình, cạnh Đại lộ 26. Đây là một trong những công viên đẹp nhất ở trung tâm thủ đô La Habana, do kiến trúc sư Joel Diaz, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba  - Việt Nam, thiết kế, khánh thành vào năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Người. Chị Magalys DelRio, Chủ tịch Chi nhánh Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam tại địa phương, nơi đặt tượng đài Bác, cho biết, hàng ngày chị và những người bạn hưu trí vẫn thường qua lại nơi đây để ngắm nhìn vị Chủ tịch kính yêu của Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Cuba. Cuba có 15 tỉnh, thành thì cũng có tương ứng 15 Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam trải dài trên đất nước.

“Trái tim” của Làng Bến Tre chính là ngôi nhà sàn rất độc đáo, có biển đề “CASA VIETNAMITA” (Nhà Việt Nam), được xây dựng từ năm 1975 theo sáng kiến của nữ anh hùng Cuba Melba Hernandez - khi đó là Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Ngôi nhà sàn làm hoàn toàn bằng gỗ và tre, mái lợp lá, bên trong trưng bày rất nhiều hình ảnh về tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước và rất nhiều vật lưu niệm từ Việt Nam như ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Fidel Castro, Che Guevara, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Anh hùng Nguyễn Thị Định cùng nhiều hình ảnh về chiếc nón lá, áo dài, áo bà ba… Không chỉ là điểm đến quen thuộc của các đoàn Việt Nam sang công tác và làm việc tại Cuba, Làng Bến Tre đã trở thành điểm sáng trong sinh hoạt văn hóa của cả địa phương.

Đến Cuba, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên vì bắt gặp khá nhiều người mang tên Việt Nam như anh Nguyên Giáp, anh Trung Thành, chị Linh, chị Định… Vì sao họ lại mang tên Việt Nam? Câu trả lời chung là thế hệ cha mẹ của họ thần tượng về đất nước, con người Việt Nam nên đã chọn đặt tên cho con mình.

Mỗi con người, mỗi đất nước đều chứa đựng những lịch sử vô giá của riêng mình. Cuba luôn có nhiều nỗ lực để đổi mới, nâng cao đời sống cho người dân. Cuba là một trong những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Tôi đã nhìn thấy điều này qua những lời ca, điệu nhảy say mê trên đường phố Malezcon, qua ánh mắt của nhiều người dân Cuba, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và ngoại thành thủ đô. Điều quý giá nhất mà nhiều người trong đoàn công tác có cùng cảm nhận, đó chính là tình yêu vô bờ mà Cuba đã và đang dành cho Việt Nam! 

Tin cùng chuyên mục