San sẻ cùng nhau

Quan niệm chung nhất là ở châu Á thường cho rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, với ý tứ rằng đàn ông thì lo chuyện xã hội còn phụ nữ lo chuyện trong nhà. Thế nhưng, theo một nghiên cứu mới nhất tại Đại học Alberta (Canada) thì các gia đình có chồng biết chia sẻ việc nhà với vợ có đời sống hôn nhân hạnh phúc hơn các cặp đôi còn lại.
Chia sẻ việc nhà góp phần đem lại hạnh phúc gia đình
Chia sẻ việc nhà góp phần đem lại hạnh phúc gia đình

Chuyện nhỏ khó như chuyện to

Anh H.Đ.Quang, biên tập viên tại một NXB lớn kể lại, nhiều lần trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, thấy nhà cửa lộn xộn, bữa cơm vẫn chưa xong, con cái thì đứa gây đứa khóc, anh vô cùng bực mình, tức giận với vợ. Theo anh, vợ về sớm, chỉ có chuyện đặt nồi cơm, nấu vào món, kêu con đi tắm đi học bài thì có gì khó khăn đâu mà cũng không làm xong. Những lúc như vậy, nhà cửa xáo xào, vợ giận, mấy đứa con cũng sợ mà tránh bố, không khí gia đình căng thẳng. Một ngày nọ, bố vợ anh bị ốm, vợ anh phải chạy về quê lo chuyện gia đình, trước khi đi chị lo lắng dặn dò bố con chuyện nhà, anh phẩy tay bảo chị cứ yên tâm lo cho bố, chuyện nhà chỉ là chuyện nhỏ! Thế nhưng, đến khi bắt tay vào việc mới thấy mọi chuyện không như anh nghĩ. Con mỗi đứa học một trường, đứa 16 giờ 30 tan học, đứa 17 giờ. Trước anh cứ nghĩ đi đón con dễ thôi, cứ xong đứa này đón đứa nọ nhưng mọi việc lại không như anh tưởng. Bảo 16 giờ 30 nhưng phải đến 17 giờ mới đón được bởi phụ huynh đón đông quá, đứa về 17 giờ thì đến 17 giờ 30 mới ra bởi phải trực nhật, dọn dẹp lớp. Đưa con về được đến nhà, lăn vào nấu ăn thì thấy rau vợ mua sẵn nhưng lại thiếu hành, ngò, cà chua, lại phải chạy đi mua, rồi vừa bắt tay vào nấu thì đứa nhỏ kiện đứa lớn bắt nạt, đứa lớn thì la hét bảo đứa nhỏ phá đồ riêng… Chưa xử xong, nhìn lên đồng hồ đã hơn 19 giờ, thở dài ngao ngán anh đành lôi cả 2 đứa con đi ra ngoài ăn, vừa ăn vừa nghĩ làm thế nào mà vợ ngày nào cũng có thể giải quyết ổn thỏa mọi chuyện như thế. 

Sau đó, vợ anh đã rất kinh ngạc khi thấy chồng mình thay đổi, không còn cáu gắt giận dữ mà đi làm về anh cũng chung tay giúp vợ những việc lặt vặt như dọn bàn ăn, xua con đi tắm rửa, kiểm tra bài tập…

Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ luôn bị cho là người gặp nhiều áp lực nhất. Họ cũng như đàn ông, cũng phải gánh chịu những áp lực công việc ngoài cuộc sống với đủ mọi hỷ nộ ái ố, thế nhưng nếu đàn ông khi về nhà có thể xả nhẹ gánh nặng thì họ lại tiếp tục bị cuốn vào hàng tá công việc nhà, những công việc không tên nhưng đầy mệt mỏi, vắt kiệt sức. Chính vì vậy, nếu được chồng thông cảm, chia sẻ công việc nhà, họ sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều. Rất nhiều ý kiến đều cho rằng khi đàn ông làm việc nhà cùng vợ, tình cảm vợ chồng sẽ gắn kết hơn, có nhiều thời gian chia sẻ và bên nhau hơn.

Nhận xét về việc chia sẻ công chuyện nhà, một chuyên gia tâm lý nổi tiếng từng đúc kết rằng người chồng, nếu yêu thương vợ thật lòng, họ sẽ cảm thấy xót khi vợ phải làm quá nhiều việc. Cũng vì thế, nếu người chồng nói thương vợ mà việc nhà không làm thì rất khó để xem những lời yêu thương đó là thật.

Cùng nhau làm việc nhà

Chia sẻ việc nhà được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp gắn kết gia đình. Tuy nhiên, một trong những quan điểm sai lầm lớn nhất của cả đàn ông và phụ nữ trong vấn đề này là việc xem sự chia sẻ đó là “giúp đỡ”. Nhiều phụ nữ thường “khoe” với mọi người rằng, họ cảm thấy bất ngờ và yêu thương hơn khi thấy chồng “giúp” mình làm việc nhà. Nhưng họ quên mất rằng, việc nhà không phải là việc của riêng họ, đó là trách nhiệm sẻ chia những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống chung.

Một chuyện gia tâm lý người Úc, đồng thời là một người chồng kể lại rằng khi nghe thấy những người bạn mình hay kể rằng “tôi giúp vợ cái này, giúp vợ cái kia…” đã đáp lại rằng “Tôi chẳng giúp vợ tôi cái gì cả”. Và trước sự ngạc nhiên của mọi người, anh giải thích: Tôi không giúp vợ nấu ăn vì tôi cũng muốn ăn và tôi cũng cần phải nấu; Tôi không giúp vợ rửa bát sau khi ăn vì tôi cũng dùng những chiếc bát đó; Tôi không giúp vợ chăm con vì chúng cũng là con của tôi và tôi là cha chúng; Tôi không giúp vợ giặt hay gấp quần áo vì đó cũng là quần áo của tôi và con tôi; Tôi không phải đang giúp vợ, mà tôi là một phần của ngôi nhà này. Theo ông, không giúp vợ mà là cùng nhau làm việc nhà, đó là một phần trách nhiệm của người chồng chứ không phải trách nhiệm làm việc nhà là của người vợ, chồng nếu tốt thì “giúp đỡ”.

Trong cuộc sống hiện đại, con người bị cuốn theo những áp lực, khi có gia đình, con cái, những áp lực càng tăng thêm và dần dần thời gian dành cho nhau của vợ chồng càng ít hơn. Một điều rất đơn giản để giữ gìn hạnh phúc là hiểu được nhau, và ngoài những phút hiếm hoi nghỉ ngơi, vui chơi thì việc nhà chính là quãng thời gian nhiều nhất để vợ chồng chia sẻ với nhau. Chưa kể, khi áp lực được chia sẻ, người phụ nữ sẽ có thời gian để làm đẹp, chăm sóc cho bản thân, giảm stress đáng kể sau những áp lực xã hội hàng ngày. Tất nhiên, do đặc thù khác nhau về bản tính, vợ chồng có thể chia nhau những công việc phù hợp như những việc cần nhiều đến sự tỉ mỉ, cẩn thận, cần mẫn hàng ngày, người phụ nữ thường làm tốt hơn và ngược lại, những việc đòi hỏi sức khỏe, hoạt động nhiều phù hợp hơn với đàn ông.

Hạnh phúc với nhiều người là một sự tìm kiếm xa xôi trong khi nó có thể được hình thành, xây đắp từ những điều giản dị, nhỏ bé nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Tin cùng chuyên mục