Sản phẩm Việt đạt chuẩn quốc tế

Tính cho đến nay, hàng Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 50 quốc gia là thị trường truyền thống và xuất khẩu chủ lực. Điều này cho thấy, chất lượng hàng Việt đã vượt qua được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… khắt khe nhất của các thị trường khó tính trên thế giới. 

Và trong bối cảnh Việt Nam đang không ngừng trở thành thị trường tiềm năng với quy mô dân số gần 100 triệu người, nhiều doanh nghiệp trong nước đã không ngừng cải thiện chất lượng nhằm chinh phục người tiêu dùng Việt. 

Sản phẩm Việt đạt chuẩn quốc tế ảnh 1 Sản phẩm sữa do doanh nghiệp Việt sản xuất có chất lượng tương đương  sữa được sản xuất tại các nước phát triển
 Xóa tâm lý hàng ngoại mới có chất lượng tốt

Mới đây, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op công bố đưa vào siêu thị hàng loạt sản phẩm hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic. 4 nhóm hàng hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic gồm có 2 loại gạo Jasmine, Japonica; dưa leo, bí đao, cà chua…; cải ngọt, cải xanh, rau muống..; cá basa và tôm sú, tôm thẻ sinh thái. Giá các loại rau trung bình là 60.000 đồng/kg, cá basa hữu cơ giá 144.000 đồng/kg, tôm sinh thái 352.000 đồng/kg. Tất cả các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ - USDA (United States Department of Agriculture) và châu Âu - EU.

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Co.op, cho biết để được gắn logo đạt chuẩn USDA - cơ quan chính phủ thực thi các tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản phẩm phải đạt tỷ lệ trên 95% thành phần hữu cơ. Đồng thời, trong quá trình canh tác không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không chất phụ gia và không thành phần biến đổi gien. Những tiêu chuẩn này đã được công nhận của 47 quốc gia trên thế giới. 

Đồng thuận quan điểm trên, đại diện Vinamilk cho biết, về thị trường nước ngoài, từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD (tương đương khoảng 45.520 tỷ đồng). Đến nay, Vinamilk đã được xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Thái Lan… từ những nhà máy sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi năm có khoảng 8 tỷ sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có 2 siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới, với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà máy sữa bột Việt Nam mỗi năm cho ra đời 54.000 tấn sữa bột, nhà máy sữa Việt Nam (Mega factory) đạt công suất 800 triệu lít sữa/năm.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thống kê cho biết thêm, tính chung 7 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường hàng hóa xuất khẩu 7 tháng chủ lực tập trung chủ yếu Mỹ với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường châu Âu đạt 24,2 tỷ USD, tăng 12,9%. Đặc biệt, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 24,7%. Ngoài ra, thị trường ASEAN đạt 14,2 tỷ USD, tăng 16,2%; Nhật Bản đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,2% và Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 31,9%... 

Tăng cung ứng hàng Việt chất lượng ngoại đến người tiêu dùng

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tại nước ta, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được thực hiện gần 20 năm nhưng kết quả còn nhiều hạn chế. Tâm lý chuộng sử dụng hàng ngoại vẫn chiếm đa số trong người dân. Do vậy, thay vì kêu gọi người dân ưu tiên dùng hàng Việt, cần thiết phải có sự chuyển đổi trong hành động của các doanh nghiệp Việt. Cụ thể là doanh nghiệp Việt cần phải quan tâm cải thiện chất lượng, mẫu mã và đa dạng sản phẩm, phù hợp với xu hướng và thói quen tiêu dùng mới của người dân. 

Theo ghi nhận của chúng tôi tại 6 siêu thị Co.opmart (Co.opmart Lý Thường Kiệt, Co.opmart Cống Quỳnh, Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, Co.opmart Nguyễn Kiệm, Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, Co.opmart Phú  Mỹ Hưng) và một siêu thị Co.opXtra nằm trong Trung tâm thương mại SC VivoCity ở quận 7, tại các kệ hàng bày bán sản phẩm organic luôn tấp nập người đến chọn mua. Thậm chí, tại một số siêu thị, chỉ trong buổi sáng là lượng hàng bán đã hết. Tương tự, với sản phẩm sữa organic, lượng hàng sản xuất so với nhu cầu thị trường cũng không đáp ứng đủ. 

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết sau khi cho ra mắt những sản phẩm hữu cơ Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu, Saigon Co.op sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, nhân rộng điểm bán và phát triển phong phú thêm danh mục sản phẩm hữu cơ theo đúng nhu cầu của thị trường, hướng tới trở thành đơn vị dẫn đầu trong chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu dùng sản phẩm organic tại thị trường Việt Nam và hướng đến xuất khẩu. Quan trọng hơn, hoạt động này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải là sản phẩm có giá tốt nhất. Về phía người nông dân cũng từng bước nâng cao thu nhập hơn nhờ không phải qua trung gian như trước đây.

Có thể thấy, thực tế sức tiêu dùng sản phẩm organic trên đã chứng minh chỉ cần sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt, đạt chuẩn quốc tế, doanh nghiệp Việt chắc chắn sẽ chinh phục được người tiêu dùng Việt. Mặt khác, qua đây cũng cho thấy để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng quốc tế không phải là khó. Vấn đề là doanh nghiệp có thực sự đầu tư và chịu làm hay không.

Tin cùng chuyên mục