Sai phạm liên quan đến đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước tại Hải Phòng

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận liên quan đến việc việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng của TP Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010 – 2017.

Theo kết luận thanh tra về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng của TP Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010 – 2017, trong giai đoạn 2010-2016 Hải Phòng được nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ các chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ.

Việc phân bổ vốn được ưu tiên cho các lĩnh vực: giao thông, nông nghiệp, giáo dục, y tế, xây dựng trụ sở, an ninh quốc phòng, với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2016 là 259,5 nghìn tỷ đồng.

TTCP cho rằng, qua thanh tra ở một số lĩnh vực (Quy hoạch và chủ trương đầu tư; phân bổ vốn đầu tư và nợ đọng xây dựng; khảo sát, lập, thẩm định dự án; phê duyệt thiết kết bản vẽ thi công; đấu thầu; quản lý chất lượng công trình; hợp đồng xây dựng; nghiệm thu, thanh toán và giải phóng mặt bằng), công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản giao đoạn 2010-2017 của Hải Phòng vẫn có những thiếu sót, tồn tại.

Trong đó, việc phân bổ vốn đầu tư giai đoạn 2010-2015 chưa tập trung, còn dàn trải, dẫn đến nhiều dự án không bố trí được kế hoạch, kéo dài thời gian thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư thấp, lãng phí vốn đầu tư, các dự án chậm như: dự án Đê biển Bạch Đằng phải dừng thực hiện; dự án Đê tả Lạch Tray; dự án nâng cấp đường 356...

TTPC xác định trách nhiệm này thuộc về UBND TP Hải Phòng; Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng.

Đặc biệt, TTCP nhận thấy, tại một số dự án, năng lực nhà thầu và tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán chưa đáp ứng được yêu cầu, mang tính hình thức. Xác định trách nhiệm này thuộc về tư vấn giám sát, thiết kế kỹ thuật; các đơn vị là chủ đầu tư như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông Vận tải; UBND quận Hải An; Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng.

Quá trình thanh tra nhận thấy công tác giải phóng mặt bằng còn chậm ở tất cả các dự án, trong khi đó khi triển khai dự án lại chưa đủ điều kiện mặt bằng thi công, chưa có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến thực hiện vướng mắc.

Đáng chú ý trong lĩnh vực tài chính đã để xảy ra sai phạm lên tới hơn 59 tỷ đồng. Trong đó sai phạm xảy ra ở dự án cải tạo, nâng cấp đường 356 đoạn 2A Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ; dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Bỉnh Khiêm... Trong các dự án gây thất thoát lớn, có dự án đường trục chính Tây Nam Khu công nghiệp Đình Vũ (hơn 12,2 tỷ đồng).

Từ những thiết sót, sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với Bộ Xây dựng. Theo đó, đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại định mức xây dựng đối với định mức chuyên ngành đặc thù do các Bộ, ngành khác ban hành mà không có sự thống nhất với định mức của Bộ Xây dựng.

Từ sự việc này, cần thiết có quy định áp dụng trong công tác thẩm định giá đối với một số chủng loại vật liệu không phổ biến thông thường trong báo giá của địa phương.

Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng cần có biện pháp chấn chỉnh lại những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu, xây dựng trên địa bàn. Cần có kiểm điểm trách nhiệm với lãnh đạo UBND TP Hải Phòng phụ trách đầu tư xây dựng.

Trước đó, ngày 1-10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng của TP Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010 – 2017.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý với kết luận thanh tra và giao Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và Bộ Xây dựng phối hợp thực hiện theo kiến nghị của TTCP.

Tin cùng chuyên mục