Rượu bia đang giết chết chúng ta

Mỗi năm trên cả nước có khoảng 12.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật vì tai nạn giao thông. Trong số đó, hơn 30% có liên quan đến bia rượu. Hệ quả của nó kéo theo không chỉ là tiền bạc bị mất đi mà số phận của hàng chục ngàn gia đình bị thay đổi theo chiều hướng rất xấu.

Ai cũng nhận thấy tác hại của rượu bia lên sức khỏe, nòi giống và hành vi giao thông. Nhưng nhậu nhẹt với người Việt Nam hiện nay trở thành phần tất yếu của cuộc sống. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm dân ta uống khoảng 4 tỷ lít bia, hơn 70 triệu lít rượu có nhãn mác và hơn 200 triệu lít rượu tự nấu. Tính ra, mỗi năm Việt Nam bỏ ra hơn 4 tỷ USD cho rượu bia, được coi là một trong những nước tiêu thụ bia rượu tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Nhìn sang các nước hàng xóm mới thấy họ kiểm soát nước uống có cồn rất hiệu quả, cho nên số lượng người chết vì tai nạn giao thông rất thấp. Không dễ mua được rượu bia ở Singapore hay Nhật Bản. Ở đó, việc bán nước uống có cồn cho ai, liều lượng bao nhiêu, uống ở đâu và khoảng thời gian nào đều được kiểm soát rất kỹ lưỡng. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, nhất là trong khi sử dụng phương tiện giao thông. Cũng vì vậy mà ở Singapore số người chết do tai nạn giao thông vì rượu bia hầu như không có.

Ở nước ta hiện nay, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông tại Nghị định 46/2016 đã nêu rất rõ là nếu người điều khiển giao thông có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị phạt từ 16 - 20 triệu đồng. Kèm theo đó là hình phạt bổ sung treo bằng lái, thậm chí nếu vi phạm nặng gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý hình sự. Song vẫn không hiểu vì sao dân nhậu không ngán và cảnh sát giao thông thì dường như lại… ngán phạt “ma men”.

Trên thực tế, để giảm tai nạn giao thông vì rượu bia thì ngoài việc tăng cường nghiêm minh trong việc xử phạt, tăng cường tuyên truyền thì cần chú ý đến khía cạnh kinh tế. So với các nước xung quanh thì giá bán bia và rượu của Việt Nam hiện nay còn rất rẻ. Đơn cử, một chai bia Heineken bán ở TPHCM dao động chừng 20.000 đồng thì ở Malaysia gần 120.000 đồng, ở Singapore vào khoảng 150.000 đồng. Chính vì giá quá rẻ cho nên một người Việt Nam có thể uống 5-10 chai là chuyện thường. Do đó, nếu tăng giá bia, rượu, thuốc lá như các nước khác thì số người uống và lượng tiêu thụ bia rượu, thuốc lá sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, có một nghịch lý rất khó giải, đó là việc Chính phủ muốn giảm tỷ lệ người chết vì rượu bia, trong đó có người chết, bị thương bởi tai nạn giao thông do say rượu bia, nhưng lại khuyến khích gia tăng nhà sản xuất bia rượu và sản lượng hàng năm. Cho đến nay, hầu như tất cả các nhà sản xuất bia danh tiếng nhất thế giới đều có mặt tại Việt Nam. Dẫu vẫn biết số tiền thuế thu được từ sản xuất bia là rất lớn, nhưng chi phí bỏ ra khắc phục tai nạn giao thông cho những thiệt hại về người, của cải vật chất và hậu quả kéo dài về sau cho con cháu, người thân của người gây ra tai nạn và người bị tai nạn là vô cùng lớn. 

Cho nên, nhiều quốc gia khi thu ngân sách thấy tăng trưởng cao, nhưng khi trừ đi những thiệt hại về xã hội, môi trường thì “tăng trưởng âm”. Trên thế giới, hầu như các nước giàu có là từ năng suất lao động, từ hoạt động dịch vụ, từ sử dụng nguồn chất xám chứ không phải từ bia rượu, thuốc lá. Do vậy, chúng ta cần những giải pháp kỹ thuật để chặn đứng chuyện say xỉn bia rượu khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải quyết phần ngọn.

Vấn đề đặt ra là cần có quan điểm vĩ mô có nên hay không biến Việt Nam thành quốc gia dễ dãi trong việc sản xuất và tiêu thụ bia rượu. Đó chính là giải quyết phần gốc của vấn đề.

Tin cùng chuyên mục