Rừng phòng hộ bị “tàn sát”

Trên 140ha rừng phòng hộ ở 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát (tỉnh Bình Định) bất ngờ bị phá trắng. Điều đáng nói, khu rừng bị “tàn sát” nằm gần khu dân cư nhưng đơn vị quản lý vẫn không hay biết. Những ngày qua, PV Báo SGGP đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu những khuất tất, hỗ trợ đơn vị chức năng sớm làm rõ vụ việc.

Phá sạch, đốt sạch

Mới đây, phản ánh đến PV Báo SGGP, người dân ở thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) bức xúc cho biết, cả khu rừng dương khoảng 250ha, bao đời nay giữ chức năng phòng hộ, che chắn thiên tai, bão cát cho trên 500 hộ dân (2.000 nhân khẩu) đã bị phá trắng trên 140ha. Diện tích bị phá nằm ở khu vực đã được tỉnh Bình Định giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai đầu tư dự án phong điện Phương Mai 1.

Đưa chúng tôi ra hiện trường khu rừng bị “tàn sát”, ông Nguyễn Văn Năm, Bí thư Chi bộ thôn Huỳnh Giản Bắc, xót xa kể: “Bao đời nay, rừng cây này là lá phổi cho dân làng Huỳnh Giản Bắc và lân cận. Rừng rắn chắc, che chắn bão cát, khắc chế sa mạc cát, chống mưa bão, giữ ẩm, cải tạo môi trường cảnh quan, nuôi dưỡng mạch nước ngầm ngọt mát, cho dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Khu rừng bạt ngàn xanh tươi trước kia giờ bị phá sạch, đốt sạch. Khu rừng bị tàn phá từ tháng 4 và đến tháng 6-2019 thì cơ bản bị phá trắng”.

Rừng phòng hộ bị “tàn sát” ảnh 1 Hàng trăm hécta rừng dương bị tàn sát, người dân lo ngại rồi đây bão cát uy hiếp nhà cửa
Ông Năm kể thêm, rừng được hình thành từ rất lâu. Sau này, theo dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (chương trình trồng rừng BAM-327 của Chính phủ), người dân mới hưởng ứng trồng bổ sung thêm, dần tăng diện tích lên 250ha, thuộc địa phận 2 xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh (huyện Phù Cát). Trong chiến tranh, toàn bộ khu rừng dương là nơi để bộ đội ẩn náu, chiến đấu và mở đường máu giải phóng Quy Nhơn. Rừng được gầy dựng từ nhiều thế hệ dân làng, có những cây dương cổ thụ, đường kính trên 1m, độ che phủ rất lớn…

Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh cho biết: “Khoảng năm 2009, UBND tỉnh đã giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai triển khai dự án phong điện. Riêng địa bàn xã Cát Chánh có 130ha. Tỉnh yêu cầu khi triển khai dự án, DN phải giữ lại rừng dương để chống bão cát cho người dân. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, DN lại thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng cây, môi trường sống cho người dân; trì hoãn triển khai dự án; không hề hợp tác với địa phương. Giờ điện gió chẳng thấy đâu, rừng cây bị cưa phẳng, phá trắng, đốt trắng mà chủ đầu tư không kịp thời báo cáo cho chính quyền, đơn vị chức năng để ngăn chặn thì rất khó hiểu…”.

Phá rừng có tổ chức

Ghi nhận tại hiện trường, cả khu rừng giữ chức năng phòng hộ rộng bạt ngàn giờ bị đốt cháy, ám khói loang lổ giữa hoang mạc cát. Ước tính phải hàng trăm ngàn cây dương cổ thụ, đường kính từ 10cm - 50cm, có cây đường kính trên 1m bị cưa phẳng sát cội. Hiện trường cho thấy, đây là một vụ phá rừng rất quy mô, có tổ chức.

Các đối tượng sử dụng cưa máy và phương tiện cơ giới để mở đường vào phá rừng. Sau khi cưa hạ thì cây lớn được vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ, còn hiện trường được dọn dẹp và đốt cháy nhiều lần để xóa dấu vết, làm cũ vết cưa hạ. Đặc biệt, chỉ có diện tích rừng được giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai là bị phá sạch, đốt sạch.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là một vụ “thủ tiêu” rừng có tổ chức, bài bản, rất chuyên nghiệp và có kế hoạch. Các đối tượng phá rừng đã móc ngoặc với nhau, lên kế hoạch rất kỹ lưỡng từ trước.

Các đối tượng có khả năng đã được “bật đèn xanh” để phá rừng, bán gỗ. Một nguồn tin riêng cho biết, số lượng cây rừng bị cưa hạ khoảng 100.000 cây, ước tính tiền bán gỗ khoảng 5 đến 6 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cho biết, đã nhận được phản ánh của Quân chính thôn Huỳnh Giản Bắc tập hợp từ ý kiến của người dân về việc rừng dương bị chặt phá, đốt cháy. Các phản ứng, lo ngại của người dân là hoàn toàn chính đáng.

Địa phương đã báo cáo Ban Quản lý khu kinh tế Bình Định và ban đã yêu cầu Công ty CP Phong điện Phương Mai phải báo cáo, làm rõ tình hình thực tế; đồng thời phải có biện pháp bảo vệ, trồng lại rừng.

Ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định (đơn vị quản lý nhà nước, được giao quản lý dự án phong điện Phương Mai 1), cho biết: Đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra nguyên nhân rừng bị phá, đốt cháy. Diện tích ở đây chủ yếu được quy hoạch để làm phong điện, phục vụ du lịch và khai thác năng lượng tái tạo. Theo quy hoạch, ở đây chỉ cho phép chặt hạ một số diện tích rừng đủ để trồng trụ điện gió, không được phá trắng.

Hiện Thanh tra tỉnh và Cảnh sát Môi trường tỉnh Bình Định đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng trên. Đại diện Công an tỉnh Bình Định nhận định, vụ phá rừng này rất phức tạp, chưa có tiền lệ, các đối tượng huy động phá rừng rất quy mô ngay sát khu dân cư. Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Phong điện Phương Mai cho đến nay vẫn chưa phản hồi các câu hỏi về trách nhiệm khi để rừng phòng hộ bị phá trắng.

Tin cùng chuyên mục