Rủi ro khi đi làm thêm

Thù lao vốn đã thấp lại bị trừ đầu, trừ cuối bởi những lỗi vụn vặt, thậm chí bị ém lương hoặc có thể trở thành người làm việc không công… là những rủi ro phổ biến khi sinh viên đi làm thêm, nhất là những công việc chỉ thỏa thuận miệng.
Rủi ro khi đi làm thêm

Làm không công

Vũ An Lê (sinh viên năm 2 Đại học Tôn Đức Thắng), qua Facebook biết một nha khoa trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TPHCM) tuyển nhân viên chăm sóc khách hàng, ưu tiên sinh viên nên liên hệ xin việc. Hai bên thỏa thuận thử việc 2 tháng với thù lao 1 triệu đồng/tháng cho ca từ 15 - 20 giờ/ngày, nếu làm được việc thì từ tháng thứ 3, mức lương là 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, bước sang tuần thứ 3 của tháng làm việc chính thức, chủ bắt đầu cư xử khác, hết chê chậm chạp lại bóng gió nói Lê làm mất khách, là “chân trong” của nha khoa đối thủ gần đó… Vì tự ái, Lê tự xin nghỉ ngang và dĩ nhiên không được thanh toán lương. Tính ra, Lê làm việc gần 3 tháng mà chủ nha khoa chỉ phải trả 2 triệu đồng.

“Lúc đầu tôi nghĩ có lẽ mình làm gì khiến họ hiểu lầm. Sau này, thi thoảng vào trang Facebook của nha khoa, tôi thấy họ liên tục tuyển vị trí chăm sóc khách hàng, tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ, họ chuyên tuyển sinh viên làm thêm như chúng tôi và dùng chiêu gây áp lực khiến người làm tự nghỉ ngang với mức lương bèo bọt”, Lê chia sẻ.

Những công việc làm thêm mà sinh viên thường chọn như: phục vụ quán ăn, quán cà phê, bán hàng, phát tờ rơi, gia sư và một số công việc bán thời gian khác, nếu không tỉnh táo đều có thể trở thành người lao động không công. Có người còn bị trừ tiền bởi lần nào đó quản lý phát hiện ly, tách rửa chưa kỹ, nền nhà chưa kịp quét, trên bàn thiếu gia vị… mà bản thân chẳng có bằng chứng nào để phản bác.

“Bị trừ thì ít ra còn vài đồng an ủi, chứ nhiều người còn bị xù lương, ém lương dù mình làm việc hiệu quả”, H.V.L. (sinh viên Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trường Tộ) cay đắng khi nghĩ tới khoản thù lao bị ém suốt nửa năm nay.

Biết một công ty tổ chức sự kiện tại quận Tân Bình tuyển lao động thời vụ gấp phong bì và dán sản phẩm dùng thử, thù lao 100 đồng/sản phẩm, L. và 3 người bạn cùng phòng tới xin việc và nhanh chóng được nhận vào làm, mọi thỏa thuận đều bằng miệng.

“Sau hơn 5 tuần công việc kết thúc, tính ra người làm nhiều được 5 triệu đồng, ít cũng 4,8 triệu đồng, quản lý hứa sẽ thanh toán ngay khi công ty thanh lý hợp đồng với đối tác, vậy nhưng 1 tháng, 2 tháng vẫn không thấy công ty gọi lên nhận thù lao. Chúng tôi hỏi thì họ bảo đối tác chưa thanh toán rồi hẹn tới hẹn lui, đến nay cũng gần 6 tháng rồi, tôi lại chẳng có giấy tờ gì để đi đòi tiền nên đành phải chờ”, L. thất vọng kể. 

Hãy tìm địa chỉ uy tín

Hiện nay, nhiều dịch vụ thường ưu tiên tuyển dụng sinh viên vì đây là đối tượng lao động dồi dào, thù lao khá thấp và không bị chi phối bởi hợp đồng lao động… Trong khi đó, sinh viên lướt mạng nhiều và rất tin tưởng vào các thông tin tìm việc làm được đăng trên Facebook, Zalo nhưng thiếu kinh nghiệm về việc chọn lọc, tìm hiểu công ty cũng như thỏa thuận làm việc chưa rõ ràng nên dễ bị lợi dụng sức lao động.

Vì vậy, để tìm được công việc uy tín, sinh viên cần tìm đến các địa chỉ tin cậy, tại TPHCM hiện có rất nhiều nơi hỗ trợ sinh viên tìm việc, từ công việc thời vụ, việc làm bán thời gian đến công việc toàn thời gian. Có thể kể đến như trung tâm giới thiệu việc làm tại các quận, huyện, Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, phòng công tác sinh viên ở các trường đại học… 

Nhiều năm trở lại đây, mô hình sàn giao dịch việc làm được ứng dụng rộng rãi. Nhiều trường đại học như Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Kỹ thuật công nghệ TPHCM… đứng ra kết nối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực tương ứng với chuyên ngành trường đào tạo để tổ chức sàn giao dịch việc làm nhằm giúp sinh viên tiếp cận được với công việc phù hợp. Sàn giao dịch việc làm cũng thường xuyên được tổ chức tại trung tâm giới thiệu việc làm quận, huyện và thành phố. Nổi bật nhất là Ngày hội phỏng vấn - tuyển dụng do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM tổ chức gần 8 năm nay đã tỏ rõ vai trò của nó trong nhiệm vụ hướng dẫn kỹ năng tìm việc và hỗ trợ việc làm cho hàng ngàn sinh viên tại TPHCM.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên (Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM), cho biết: “Mỗi dịp đặc biệt như đầu năm học mới, ngày lễ, tết, hè hoặc các sự kiện của thành phố, việc làm tại trung tâm luôn dồi dào với nhiều đầu việc và hình thức làm việc để sinh viên lựa chọn. Đặc biệt, với thông tin việc làm đã qua trung tâm thì luôn rõ ràng về giờ giấc và thù lao nên sinh viên không sợ bị bóc lột sức lao động, bị ém lương”.

Tin cùng chuyên mục