Rốt ráo xử lý hàng gian lận thương mại

Những ngày qua, lực lượng chức năng TPHCM (quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế…) liên tiếp kiểm tra, phát hiện hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến hàng lậu, hàng cấm, hàng đã qua sử dụng, với tổng trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Trong số đó, nhiều vụ việc phải đeo bám kỳ công, tiếp cận thông tin từ người dân… Điều này thể hiện sự nỗ lực, kiên quyết của các cơ quan chuyên trách trong việc đẩy lùi tình trạng gian lận thương mại, gây tổn hại cho nền kinh tế nói chung, quyền lợi của người tiêu dùng nói riêng.
 
“Hô biến” hàng lậu thành xách tay xịn

Sau thời gian dài theo dõi, đêm 9-4, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã phối hợp với Đội chống buôn lậu (Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TPHCM) ra quân kiểm tra, tạm giữ hàng trăm chiếc iPhone, iPad nhập lậu về Việt Nam với tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng… Tại thời điểm kiểm tra, số hàng này hoàn toàn không có hóa đơn, chứng từ. Trước đó, QLTT huyện Củ Chi cũng phát hiện, tạm giữ hàng ngàn lon nước ngọt có gas không ghi ngày sản xuất. Cục QLTT TPHCM cũng mới tạm giữ lô máy lạnh, đồ điện tử các loại đã qua sử dụng xuất xứ Nhật Bản… 

Thống kê của Cục Hải quan TPHCM, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 262 vụ vi phạm, có tổng trị giá hơn 271 tỷ đồng. Trong số đó có một vụ buôn lậu, 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, 18 vụ ma túy, 240 vụ vi phạm hành chính. Hải quan TPHCM đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM 11 vụ để đơn vị này điều tra theo thẩm quyền. Thời gian gần đây, tình trạng hàng hóa nhập lậu vào TPHCM có nhiều hình thức khác nhau và được hợp thức hóa bằng nhiều kiểu.

Chị Nguyễn Mai Trang, chủ một fanpage chuyên về hàng xách tay của Nhật Bản, Đức, Pháp (ngụ tại Nguyễn Văn Quá, quận 12), bật mí rằng, để có lợi nhuận, nhiều người bán hàng không ngại trà trộn hàng trôi nổi với hàng thật. Bởi chỉ có người mua mới nhầm, còn người bán thường biết rõ xuất xứ, nguồn gốc thật của món hàng mình đang bán. Anh Mai Văn Nguyên, phụ trách nhập khẩu hàng mỹ phẩm, túi xách các loại cho một số thương hiệu tại TPHCM, chia sẻ rằng việc kinh doanh nhỏ lẻ có rất nhiều kiểu. Thông thường có những bạn trẻ tập tành kinh doanh, làm ăn uy tín để nuôi thương hiệu, nhưng cũng có những người chỉ đơn giản kiếm tiền thật nhanh.

“Nhìn chung, với các thương hiệu túi xách, mỹ phẩm nổi tiếng thế giới bày bán tràn lan trên các trang mạng, tôi có thể khẳng định phần lớn là hàng nhái loại 1 hoặc loại 2. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có điều kiện kinh tế nhưng bạn mua hàng trôi nổi thì chắc chắn sẽ mua trúng hàng dỏm. Ngược lại, bạn mua hàng ở những điểm bán có uy tín, khả năng mua trúng hàng dỏm sẽ giảm rất nhiều”, anh Mai Văn Nguyên khuyến cáo.

Siết chặt kiểm tra, xử phạt

Kiểu kinh doanh chụp giựt của các kênh bán hàng trực tuyến không quá xa lạ đối với người tiêu dùng. Thế nhưng, vì ham rẻ nên không ít khách hàng vẫn thờ ơ với xuất xứ, chất lượng cũng như giá trị thực của sản phẩm. Theo một số cán bộ chuyên trách thuộc lực lượng QLTT TPHCM, chính thực tế trên đã dẫn đến cảnh kinh doanh nở rộ rồi sớm lụi tàn. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là cơ quan chức năng tập trung quản lý các điểm kinh doanh thực tế, trong khi buông lỏng các điểm buôn bán online. 

Thông tin từ ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nhiều chuyên án về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đang được Cục Hải quan TPHCM triển khai. Năm 2019, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại của đơn vị đã có những bước tiến triển rõ rệt. Hiện tại, Cục Hải quan TPHCM sắp thí điểm thành lập trung tâm phân tích thông tin rủi ro và điều hành tập trung, tăng cường kỹ thuật kiểm tra không xâm nhập, sử dụng soi chiếu container vào quy trình kiểm tra hải quan; chuyển từ thế bị động sang chủ động đấu tranh, phòng ngừa từ xa các hoạt động phạm tội thông qua khai thác có hiệu quả các hệ thống công nghệ thông tin, trao đổi thông tin với các lực lượng khác để vừa rút ngắn thời gian kiểm tra, kiểm soát vừa hỗ trợ hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Song song đó, Cục QLTT TPHCM cũng đang phối hợp với Công an TPHCM, Hải quan TPHCM trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại qua tất cả các kênh bán hàng, gồm cả trực tiếp và trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục