Rộng mở thị trường xuất khẩu

Trong diễn biến mới nhất về Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ Công thương cho biết, rất có khả năng Hiệp định CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Tính đến nay, đã có 5 trong 6 nước (số lượng quốc gia cần thiết để hiệp định có hiệu lực) đồng ý thông qua hiệp định. Trước thực tế đó, Sở Công thương TPHCM đã có cuộc họp với 200 doanh nghiệp để phân tích cơ hội cũng như thách thức mà doanh nghiệp nội sẽ phải đối mặt khi thời gian hiệp định có hiệu lực đã rất cận kề.

Mở lối vào thị trường với 500 triệu dân

Bà Phạm Thị Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho biết, về cơ bản Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Về mở cửa thị trường, xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại. Hàng hóa xuất nhập khẩu từ các nước thành viên đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Về biểu thuế, cắt giảm 100% dòng thuế.

Trong đó, có 66% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% trong số dòng thuế còn lại về 0% sau 3 năm. Không áp dụng thuế xuất khẩu ngoại trừ một số mặt hàng như xăng dầu.

Phân tích về lợi thế khi Hiệp định CPTPP được ký kết, bà Mai cho rằng, hiệp định chiếm quy mô thị trường 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Riêng với Việt Nam, hiệp định tạo những thuận lợi về quy tắc xuất xứ, được linh hoạt nguồn cung thiếu hụt, mở cửa các ngành dịch vụ phân phối, viễn thông, logistics… Ngoại trừ các nghĩa vụ được miễn trừ chung, Việt Nam được dành riêng 10 năm chuyển đổi cho thực thi nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật với nông hóa phẩm và có linh hoạt khi thực thi nghĩa vụ lưu hành dược phẩm.

Rộng mở thị trường xuất khẩu ảnh 1 Sản xuất mật ong xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty Hải Vinh Plastic. Ảnh: THÀNH TRÍ
Trên thực tế, nếu CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ có lợi thế mạnh đối với một số ngành hàng chủ lực. Cụ thể, đối với ngành hàng thủy hải sản, nhất là tôm và cua, thường có bệnh hoặc điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, mất mùa khác nhau nên không thể đảm bảo 100% kích thước tôm giống nhau.

Do vậy, quá trình đàm phán cho phép Việt Nam nhập khẩu tôm giống hoặc điều khoản nhập khẩu cũng linh hoạt hơn. Tương tự, đối với nông sản là điều, được nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hạt điều đã bóc vỏ.

Riêng với cà phê đã rang, được nhập khẩu 60% nguyên liệu cà phê chưa rang. Ngoài ra, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tùy vào những ngành hàng nhất định còn được hưởng những điều khoản linh hoạt khác…

Về lĩnh vực dệt may - một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được hưởng lợi thế thuế suất nếu đảm bảo quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng điều khoản linh hoạt đối với nguồn cung thiếu hụt.

Theo đó, hiệp định cho phép doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sợi theo danh mục nguồn cung thiếu hụt từ những nước bên ngoài CPTPP nhưng vẫn được hưởng lợi từ thuế xuất theo CPTPP. Về lĩnh vực da giày cũng đang tận dụng tốt CPTPP.

Thắt chặt kiểm soát, tránh gian lận thương mại

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho rằng, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại. Vấn đề doanh nghiệp lo lắng nhất là sức ép cạnh tranh khi CPTPP thông qua.

Bởi nội lực của doanh nghiệp trong nước chủ yếu là vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp Việt có quy mô lớn, đủ khả năng đầu tư ra nước ngoài để tận dụng lợi thế từ hiệp định chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc, có lượng doanh nghiệp lớn, nội lực mạnh cộng với những lợi thế được hưởng từ hiệp định sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt khi đổ bộ mạnh đầu tư vào nước ta, thậm chí đe dọa khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Một vấn đề rất đáng lo ngại là tình trạng gian lận thương mại từ việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư để tận dụng lợi thế xuất xứ từ Việt Nam, gây rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương cho rằng, bất cứ hiệp định thương mại nào cũng vừa có thách thức vừa là cơ hội. Việc bộ phải đàm phán ký hiệp định thương mại là để mở rộng thị trường, nhất là những thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam không chịu đối kháng cạnh tranh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và tiến tới cân bằng nhập siêu.

Ngược lại với những thuận lợi là thách thức, buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, xét đến cùng thì những lợi thế Việt Nam được hưởng khi tham gia hiệp định thương mại lớn hơn rất nhiều so với các nước thành viên khác. Riêng vấn đề giảm thiểu rủi ro từ gian lận thương mại, hiện Bộ Công thương đã thành lập Vụ Phòng vệ thương mại để kiểm soát thực thi, giám sát việc thực hiện cam kết hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, về phía doanh nghiệp cần chủ động phân tích và nắm bắt lợi thế mà ngành hàng của mình được hưởng. Các doanh nghiệp phải liên kết với nhau; phải đổi mới, cải tổ quy trình sản xuất của mình, chuyển đổi áp dụng công nghệ để chen chân vào chuỗi cung ứng mà Hiệp định  CPTPP sẽ mang lại sau khi có hiệu lực.

Cùng với đó, hiệp hội ngành nghề phát huy vai trò trong việc phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp trong hội gặp phải. Từ đó, kiến nghị kịp thời với Chính phủ cũng như cơ quan chức năng liên quan để có sự hỗ trợ kịp thời.

Tin cùng chuyên mục