Rèn luyện kỹ năng tư duy toàn diện trong thế kỷ 21

Trong cuốn Tự luyện cách tư duy, G.S Edward De Bono chỉ ra, nhiều người tự xem bản thân là người giỏi tư duy lại chỉ đang sử dụng đúng một phương pháp duy nhất: phân tích, phán đoán và nhận diện – vốn chỉ là một phần của quá trình tư duy – mà bỏ qua toàn bộ khía cạnh sản sinh, tạo lập và sáng tạo.
Rèn luyện kỹ năng tư duy toàn diện trong thế kỷ 21

Nhiều người tự nhận giỏi tư duy nhưng chỉ biết tư duy, phân tích, phán đoán, nhận diện mà bỏ qua 3 khía cạnh quan trọng: sản sinh, tạo lập và sáng tạo. 

Tư duy là kỹ năng cơ bản nhất của con người. Nếu không có năng lực tư duy, con người sẽ giống như một đám lục bình trôi nổi vô định trên dòng nước, hoàn toàn không kiểm soát được cuộc sống của mình. 

Trong cuốn Tự luyện cách tư duy, G.S Edward De Bono chỉ ra, nhiều người tự xem bản thân là người giỏi tư duy lại chỉ đang sử dụng đúng một phương pháp duy nhất: phân tích, phán đoán và nhận diện – vốn chỉ là một phần của quá trình tư duy – mà bỏ qua toàn bộ khía cạnh sản sinh, tạo lập và sáng tạo. 

 “Tôi tin rằng nền văn minh của chúng ta lẽ ra sẽ tiến bộ hơn hiện tại ít nhất 300 thậm chí 400 năm nếu chúng ta không bị vướng vào hệ thống tư duy không có tính xây dựng”, cha đẻ” của nhiều công cụ tư duy nổi tiếng bày tỏ. 

Trên thực tế, có nhiều người không thích tư duy. Bởi họ tin rằng hoạt động tư duy chỉ dừng lại ở việc giải quyết vấn đề - vốn gắn liền với cảm giác mệt mỏi và khó khăn.

Edward De Bono lý giải, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ thói quen xác lập tư duy của phương Tây, thông qua lối tư duy phê phán và chỉ trích điều sai. Ưu điểm của cách thức này là chúng thúc đẩy hoạt động cải tiến nên dần dà chi phối mọi thứ trong đời sống.

“Việc này nguy hiểm ở chỗ khiến con người trở nên ám ảnh với việc giải quyết vấn đề đến mức bỏ quên các khía cạnh sáng tạo và sản sinh của tư duy”, ông cho hay. 

Điều đáng buồn là ngày nay, vẫn còn khá nhiều người quẩn quanh với việc đẽo gọt các kinh nghiệm mới sao cho phù hợp với khuôn mẫu của quá khứ mà không nhận ra cách làm này chỉ đúng trong một thế giới ổn định. Với một thế giới biến động không ngừng như hiện nay, nơi những điều cũ kỹ nhanh chóng bị đào thải thì lối tư duy chú trọng đến mô tả và phân tích là chưa đủ.

Đây cũng là lý do trong Tự luyện cách tư duy, Edward de Bono đã dành nhiều tâm huyết để làm rõ vai trò của tư duy đối với con người cũng như lý giải cách não bộ vận hành trong quá trình tư duy. Ông sử dụng hình ảnh 5 chiếc hộp nối đuôi nhau tạo thành một đường ống xử lý để minh họa cho 5 bước giúp tư duy hiệu quả:

TO: Tôi muốn làm gì?

LO: Tôi có (và cần) những thông tin gì?

PO: Làm sao tôi đến được đó? 

SO: Tôi lựa chọn phương án nào?

GO: Làm sao tôi biến điều đó thành hành động?

Đối với Edward De Bono, tư duy không nhất thiết chỉ liên quan đến các vấn đề hóc búa và phức tạp. “Hãy tận hưởng lợi ích tư duy về cả những điều đơn giản. Như vậy, bạn sẽ xây dựng được kỹ năng tư duy, sự tự tin và thích thú khi sử dụng kỹ năng đó”, ông khuyên. 

Bởi một việc dễ dàng không có nghĩa là nó không đáng làm. Hãy làm việc dễ và hoàn thành nó thật tốt, hơn là chỉ cố gắng làm những việc khó khăn mà không đạt được thành công gì. Đã có quá nhiều người từ bỏ thú vui tư duy chỉ vì họ sống với niềm tin rằng tư duy thì phải khó khăn. Tư duy không nhất thiết phải như thế. 

Edward de Bono là “cha đẻ” của nhiều công cụ tư duy nổi tiếng. Hai trong số đó là mô hình Sáu chiếc nón tư duyChương trình tư duy CoRT được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục, kinh doanh, hành chính…

Ông là giáo sư giảng dạy tại các trường Đại học Oxford, Cambridge, Harvard và là giáo sư thỉnh giảng ở hơn 52 quốc gia khác nhau; từng trực tiếp giảng dạy tại nhiều tập đoàn lớn như: Microsoft, Prudential, IBM… 

Edward De Bono đã viết hơn 70 cuốn sách và dịch ra 38 ngôn ngữ trên toàn thế giới. Ông cũng từng được đề cử giải Nobel Kinh tế năm 2005. Ông từng được vinh danh là một trong 250 người có đóng góp nhiều nhất cho nhân loại trong lĩnh vực tư duy sáng tạo và đào tạo kỹ năng tư duy trực tiếp. 

Tin cùng chuyên mục