Rào cản chuyên ngành gây khó ngành chế biến thực phẩm

Đó là bức xúc của hàng trăm doanh nghiệp đã đặt ra tại cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó để phát triển doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Các doanh nghiệp cho rằng, chỉ cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ngoại tại thị trường nội địa và xuất khẩu, doanh nghiệp nội đã phải rất chật vật. Nếu lại có thêm những quy định chuyên ngành vô lý từ phía cơ quan chức năng liên quan như cách làm của Bộ Y tế vừa qua sẽ khiến doanh nghiệp nội càng điêu đứng hơn.
Kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Ảnh: CAO THĂNG
Kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Ảnh: CAO THĂNG
Đối mặt nguy cơ mất thị phần 
Mở đầu cuộc họp, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, ngay khi Nghị định 09/2016 do Bộ Y tế ban hành, buộc doanh nghiệp sản xuất chế biến lương thực thực phẩm phải bổ sung vi chất dinh dưỡng là i-ốt, kẽm, sắt… có rất nhiều ý kiến, kiến nghị đã được gửi đến Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp cũng như chuyên gia khẳng định, quy định trên là phản khoa học và không có nước nào trên thế giới đưa ra quy định trên.

Vẫn có thể bị kiểm tra

Theo Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, bản thân i-ốt có tính thăng hoa, dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và biến đổi khi gặp nhiệt, điều này càng làm gia tăng chi phí, giá thành của sản phẩm. Hiện nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu vì các nước xuất khẩu bột mì không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột mì nên khi doanh nghiệp Việt nhập khẩu đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm thì không được nhà cung cấp chấp thuận. Trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm từ bột mì có bổ sung sắt và kẽm, thành phẩm sẽ bị biến màu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, trên thị trường có sản phẩm nhập khẩu không có hàm lượng i-ốt, sắt và kẽm vẫn lưu thông nhưng không có cơ quan chức năng nào chế tài được.
Tuy Bộ Y tế đã có văn tạm ngưng kiểm tra các vi chất bổ sung vào thực phẩm nhưng Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương vẫn có thể kiểm tra nên nhiều doanh nghiệp phải bổ sung vi chất vào. Bởi theo quy định hiện nay, doanh nghiệp phải tự công bố thông tin, chất lượng sản phẩm và nếu cơ quan quản lý kiểm tra không có hàm lượng vi chất in trên bao bì thì sẽ bị phạt...
Thậm chí, Hoa Kỳ, Canada... yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu không được bổ sung chất sắt, kẽm. Tại Nhật Bản, sản phẩm nhập khẩu chỉ cho phép bổ sung chất sắt chứ không có kẽm. Hay như Australia yêu cầu bổ sung vi chất i-ốt vào thực phẩm nhưng chỉ duy nhất sản phẩm bánh mì. Riêng trong nước, rất nhiều doanh nghiệp ngoại yêu cầu cung cấp sản phẩm không bổ sung chất sắt, kẽm vì ảnh hưởng đến chất lượng.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc yêu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng trên đã gây ra những khó khăn cho hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp còn lâm vào cảnh có nguy cơ bị giảm thị phần kinh doanh. Đại diện Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ bột mì bức xúc, khi bị buộc bỏ thêm chất sắt, kẽm vào bột mì thì sản phẩm bị nổi đốm, màu sắc thành phẩm bị biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng… Mặt khác, có nhiều thị trường xuất khẩu không tiếp nhận sản phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng trên nên công ty buộc phải tổ chức sản xuất riêng theo từng thị trường. Tình trạng này khiến công ty tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất lao động, giảm năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nội địa cũng như xuất khẩu.
Tương tự, theo Công ty CP Acecook Việt Nam, sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp chủ yếu là cọng mì được làm từ 4 loại bột mì trộn vào. Tuy nhiên, hiện các nhà cung cấp bột mì đều bỏ thêm chất sắt, kẽm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng. Cụ thể, theo cảm quan thì cọng mì có màu đen hơn, về thực cảm thì không ngon bằng cọng mì không có thêm sắt, kẽm. Hiện với quy định trên, công ty đã tốn khá nhiều chi phí nghiên cứu để cọng mì khi có chất sắt, kẽm không bị ngả màu nhưng vẫn không được. Nhiều nước nhập khẩu sản phẩm công ty đã yêu cầu cọng mì không có chất sắt, kẽm. Nếu đầu tư thêm hệ thống tự động hóa làm cọng mì thì tốn khá nhiều chi phí.
Chính phủ chỉ đạo sửa gấp, Bộ Y tế không vội!
Đại diện VASEP cho biết, khi Nghị định 09/2016 ban hành, doanh nghiệp trong VASEP đã có 2 văn bản kiến nghị gửi Chính phủ. Trong đó, nêu rõ một số sản phẩm nếu có thêm i-ốt sẽ làm biến màu, biến mùi, mất khả năng chống ôxy hóa. Sản phẩm không đảm bảo chất lượng như công bố, tiêu chuẩn thành phẩm. Nhiều thủy hải sản đã chứa sẵn i-ốt tự nhiên, nay thêm i-ốt vô tình làm tăng chi phí sản xuất, giới hạn thị phần xuất khẩu, gây thiệt hại nặng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay sau đó, Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định trên theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế bến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường sắt, kẽm”. Tuy nhiên đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 
Gần nhất là vào tháng 10- 2017, Bộ Y tế đã có văn bản tạm thời ngưng kiểm tra các vi chất bổ sung vào thực phẩm, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn bị kiểm tra và đình đốn sản xuất do bị các bộ ngành liên đới kiểm tra và quy kết vào lỗi không thực hiện đúng quy định. Đối với những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất thì gần như bị đình đốn sản xuất do nguyên liệu nhập khẩu không có hàm lượng i-ốt, sắt và kẽm, không đúng quy định nên không được đưa vào sản xuất. 
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, để tháo gỡ rào cản, thực hiện chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Y tế cần sớm khẩn trương sửa đổi, thay thế Nghị định 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ ban hành. Từ đó, nhanh chóng giảm thiểu những thiệt hại không đáng có cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng đối với vấn đề bổ sung vi lượng chất dinh dưỡng, tốt nhất là dừng ở mức khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, thay vì bắt buộc như hiện nay.
Như vậy, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân vừa không gây khó cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về lâu dài, Chính phủ cần có cơ chế xử phạt phù hợp đối với những bộ, ngành ra những quy định sai hoặc không chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, gây thiệt hại kinh tế, xã hội. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng ra quy định thiếu thẩm định khoa học, tùy tiện, không tính đến những thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.

Buộc doanh nghiệp bổ sung vi chất dinh dưỡng là bất hợp lý

Dư hay thiếu vi chất dinh dưỡng ở người đều không tốt và gây ra những tổn hại sức khỏe nhất định. Do vậy, tuỳ theo thể trạng cơ thể từng người, giới tính, độ tuổi và phụ nữ mang thai mà nhu cầu bổ sung vi chất dinh dưỡng luôn có sự khác nhau. Thậm chí, ngay khi cần bổ sung vi chất dinh dưỡng cũng không thể bổ sung bằng cách sử dụng sản phẩm thực phẩm chế biến có vi chất dinh dưỡng mà cần phải bổ sung qua sơ đồ thực phẩm tự nhiên như cá, hải sản, rau củ quả, gan heo… 
Còn với cách đánh đồng của Bộ Y tế theo hướng buộc các sản phẩm thực phẩm chế biến phải bổ sung vi chất dinh dưỡng với liều lượng nhất định, sẽ tạo nguy cơ dư thừa vi chất dinh dưỡng trong người dùng, gây nguy hại sức khỏe. Nếu có quy định thì nên theo hình thức khuyến khích doanh nghiệp thực hiện và phải ghi rõ trên nhãn thông tin của sản phẩm để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nếu có nhu cầu. Nhất thiết không được bổ sung vi chất dinh dưỡng một cách phổ biến cho tất cả sản phẩm chế biến.
Ông Võ Thế Thanh, thành viên Hội đồng Tư vấn khoa học (thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM)

Vi chất dinh dưỡng sẽ bốc hơi khi chế biến ở nhiệt độ cao

 Sau 1 năm triển khai bổ sung vi chất dinh dưỡng theo quy định của Bộ Y tế, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình sản xuất và tự công bố chất lượng sản phẩm ra thị trường. Thực tế, khi đưa i-ốt vào chế biến thực phẩm, công ty phải tốn chi phí thiết kế, thay đổi nhãn với nội dung trong thành phần sản phẩm thay muối bằng muối i-ốt và thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.
Qua kiểm tra chất lượng các sản phẩm không thay đổi về cấu trúc màu sắc và mùi vị. Tuy nhiên, những sản phẩm chế biến hoặc phải xử lý bằng công nghệ nhiệt độ cao (tiệt trùng) đã làm mất tác dụng và không còn tồn dư i-ốt trong sản phẩm thành phẩm. Kết quả xét nghiệm thực tế cũng chứng minh những sản phẩm này không còn tồn dư lượng i-ốt, dù đã có bổ sung ban đầu. Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ việc bổ sung vi chất dinh dưỡng nói chung là cần thiết nhằm giảm thiểu các bệnh về thiếu vi chất dinh dưỡng, nhưng chỉ nên quy định tăng cường vào muối ăn trực tiếp. Ngược lại, đối với muối dùng trong chế biến thực phẩm không nên bắt buộc sử dụng để tránh lãng phí cho doanh nghiệp.
Ông Lâm Bá Nhĩ, Giám đốc quản lý chất lượng Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan)

Tin cùng chuyên mục