Rác thải nhựa từ đồ ăn trực tuyến

Sự bùng nổ các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đang khiến thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, tràn ngập rác thải vỏ hộp nhựa, túi ni lông.

Rác thải nhựa từ đồ ăn trực tuyến

Báo New York Times mới đây đăng báo cáo của giới khoa học cho biết, ở Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người, ước tính trong năm 2018, dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến ở Trung Quốc đã thải ra hơn 2 triệu tấn rác thải nhựa, tăng gấp 10 lần so với số liệu 2 năm trước đó. Các dịch vụ đặt đồ ăn tiện lợi và giá rẻ kiểu này ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và khiến nhiều người không để ý đến những hậu quả đi cùng với nó, nhất là rác thải nhựa. 

Nếu so sánh, số rác thải nhựa từ dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến ở Trung Quốc nhiều hơn tổng số rác thải sinh hoạt và rác thải kinh doanh xả ra mỗi năm của cả thành phố Philadelphia (Mỹ). Hiện Trung Quốc là nơi xả 1/4 tổng số rác thải nhựa của cả thế giới.

3 ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc là Meituan, Ele Me và Baidu Takeout - thực hiện trung bình 33,9 triệu đơn hàng/ngày. Một đơn hàng thông thường bao gồm 2 hoặc 3 hộp nhựa, được mang trong 1 hoặc 2 túi nhựa, với một loại đũa dùng một lần, thìa nhựa và hộp đựng súp bằng nhựa. Riêng năm 2018, ứng dụng Meituan công bố đã giao được 6,4 tỷ đơn hàng đặt đồ ăn, tăng 60% so với năm 2017, với tổng trị các đơn hàng là 42 tỷ USD, khoảng 6,5 USD/bữa ăn cho người dân ở thành phố lớn của Trung Quốc.

Theo Công ty nghiên cứu iResearch, các ứng dụng gọi đồ ăn tương đối lớn ở Trung Quốc thu được tổng doanh thu khoảng 70 tỷ USD năm 2018. Năm 2017, 3 ứng dụng đồ ăn trên đã bị các tổ chức môi trường nộp đơn kiện vì tội hủy hoại môi trường. Từ năm 2015, lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến được báo cáo là lĩnh vực đóng góp tăng trưởng chất thải nhựa nhanh nhất của Singapore. Trong khi đó, báo The Hindu dẫn báo cáo từ RedSeer Consulting cho biết, lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến ở Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trưởng 15% mỗi quý.

Phần lớn hộp nhựa đựng đồ ăn quá nhẹ nên công việc thu gom bán lại cho các công ty tái chế phải với số lượng lớn nên mất nhiều công sức mà thu nhập chẳng là bao, nên những người gom rác thường vứt chung với rác sinh hoạt thông thường. Từ các thành phố lớn ở các nước Đông Nam Á, rác thải nhựa đựng đồ ăn trực tuyến được xả ra biển.

Trên toàn cầu, khoảng 8 triệu tấn nhựa được đổ vào đại dương mỗi năm, giết chết sinh vật biển và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người - theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc. Với rác thải nhựa xả ra biển, theo các nhà khoa học, sẽ phải mất nhiều thế kỷ cũng chưa chắc đã tự phân hủy hết.

Mặc dù hiện tại chính phủ các nước đang chủ trương đẩy ngành công nghệ tái chế rác thải để giảm ảnh hưởng đến môi trường, nhưng để chuyển đổi sang các công nghệ hiện đại đảm bảo được những yếu tố đó không phải là dễ dàng.

Theo trang Forum for the Future, vấn đề còn nằm ở chỗ nâng cao ý thức người tiêu dùng, bên cạnh sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa ngành sản xuất bao bì và ngành sản xuất thực phẩm trên cả phạm vi toàn cầu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tin cùng chuyên mục