Quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%

Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém 
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo Quốc hội về kinh tế - xã hội
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo Quốc hội về kinh tế - xã hội
Ngày 22-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã báo cáo Quốc hội về đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017 và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong những tháng tiếp theo. 

Có kịch bản cụ thể cho tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP quý 1-2017 đạt 5,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. “Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh. 

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội hàng loạt giải pháp để đạt tới mục tiêu này, trong đó có việc theo dõi sát diễn biến giá dầu để điều tiết sản xuất kinh doanh dầu khí phù hợp; có giải pháp xử lý hiệu quả đối với khoáng sản tồn kho, trong đó có việc xem xét cho phép xuất khẩu. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từng ngành dịch vụ, phấn đấu tăng trưởng khu vực này đạt khoảng 7,2%. Phấn đấu cả năm thu hút khách quốc tế tăng trên 30%... Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. 

Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3%-6,5%. Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng tăng trưởng, bảo đảm bền vững. Chính phủ cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác, như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc kỹ giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, có ý kiến đề nghị cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp, để giảm thiểu nguy cơ “bong bóng bất động sản” như thời gian trước đây.

Triệt để xử lý nợ xấu, mạnh tay với các dự án thua lỗ


Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội về vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 610.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm trên 56%), còn lại là bán nợ chiếm gần 44%. Tính đến 31-3-2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống các tổ chức tín dụng trên 160.000 tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường.  

Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa; đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Đến nay, một số dự án bước đầu đã có chuyển biến. Báo cáo cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.600 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31-12-2016 là 16.100 tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57.700 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55.000 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.600 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, đối với những dự án thất thoát, thua lỗ lớn, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài. Đối với các dự án phục hồi được, phải đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Có cơ chế chính sách phù hợp đối với từng trường hợp. Đồng thời, xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Thực hiện nghiêm quy định kỷ luật cán bộ, kể cả người đã nghỉ hưu

Về kỷ luật kỷ cương, công tác cán bộ và tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, Chính phủ thừa nhận dù đã tập trung chỉ đạo nhưng kỷ luật, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt. Tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác cán bộ vẫn còn những yếu kém; một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó, 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ. Sở NN-PTNT Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở TN-MT Bình Định có 6 Phó giám đốc. Sở LĐTB-XH Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức; Sở NN-PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo… 

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên; tăng cường thanh tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, sẽ hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã trở lại bình thường, sản xuất kinh doanh, khai thác thủy sản phục hồi, đã thu hút được lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982, chủ động, tích cực cùng ASEAN và các bên liên quan thực hiện đầy đủ DOC, phấn đấu sớm hoàn tất COC.

Tin cùng chuyên mục