Quốc hội thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi): Tăng vị thế, tính độc lập và chuyên trách của lực lượng phòng, chống tham nhũng

Chiều 2-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật để phù hợp với yêu cầu thực tiễn khi tình trạng tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp.
Quốc hội thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi): Tăng vị thế, tính độc lập và chuyên trách của lực lượng phòng, chống tham nhũng

Chiều 2-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi luật để phù hợp với yêu cầu thực tiễn khi tình trạng tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu thảo luận tại tổ.

Theo tờ trình của Chính phủ, mô hình của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng với 3 phương án sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ thống nhất không đề cập đến trong luật. Quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng trung ương cũng đã được bỏ. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, trước tình hình hiện nay cần phải có một cơ quan có tính độc lập cao chuyên trách về Phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng nên giao cho Viện Kiểm sát thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng giống như mô hình Viện Công tố khá thành công ở một số nước. Bên cạnh đó, để tăng vị thế của cơ quan này, theo ông Đương, người đứng đầu nên là một ủy viên Bộ Chính trị. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả trong công tác đấu tranh Phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội; đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng đề nghị thành lập Ủy ban độc lập về Phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) với lập luận rằng: “Rất vô lý khi ở cấp nào cũng có cơ quan Phòng, chống tham nhũng, trong khi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất lại không có thiết chế này!”.

Kê khai tài sản: không làm hình thức

Một vấn đề quan trọng khác được nhiều đại biểu Quốc hội là việc sửa đổi, bổ sung quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... Theo đại biểu Lê Đông Phong (TPHCM), việc mở rộng diện kê khai tài sản là cần thiết vì trên thực tế bất cứ vị trí nào trong xã hội cũng có thể phát sinh hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, những bản kê khai đó được công khai tới đâu thì cần tính toán thêm, bởi “nếu làm quá tả, bản kê khai tài sản cá nhân lại đi dán khắp nơi thì có thể phát sinh ra những tiêu cực khác”. Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng cảnh báo rằng dù thế nào khi làm luật cũng phải tôn trọng quyền con người: “Quy định không khéo sẽ dẫn đến phức tạp tình hình, kê khai tài sản mà đưa lên mạng là không được”.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lại lo ngại mở rộng diện kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là đảng viên sẽ dẫn đến hình thức. Theo ông, vấn đề là phải xác minh được mức độ trung thực khi kê khai, phải ban hành được đề án quản lý thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn, tiến tới xóa bỏ cơ chế tiền mặt, phong bì. Từ thực tế tiếp xúc cử tri, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói, dân rất băn khoăn, nhiều đồng chí lãnh đạo rất giàu, nhưng khi kê khai thì tài sản chẳng có gì, chứng tỏ việc kê khai tài sản còn hình thức. Thực tế, việc kê khai này không có tác dụng lớn đối với Phòng, chống tham nhũng.

Theo một số đại biểu, vấn đề đặt ra là nghĩa vụ giải trình tài sản chưa được làm rõ. Người giải trình là ai, đối tượng giải trình, quy trình giải trình như thế nào... đều chưa được quy định cụ thể. Cán bộ lương chỉ 10 triệu đồng/tháng nhưng thường xuyên đi chơi golf, spa... thì có phải giải trình không? “Bạn tôi nhiều người giàu lắm, cho con đi du học, sống xa hoa, trong khi lương họ cũng như tôi. Vậy họ có phải giải trình không? Dân hỏi quan chức lấy ở đâu ra mà lắm tiền thế. Kể cả nhiều doanh nghiệp, dân họ nghi ngờ làm giàu bất chính, vậy có phải giải trình không?” - đại biểu Bùi Thị An đặt vấn đề.

Bảo vệ người tố cáo tham nhũng và nguồn tin báo chí

Theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), đại đa số vụ việc phát hiện tham nhũng là do báo chí, người dân, còn lại các cơ quan đoàn thể, cấp ủy phát hiện rất ít: “Vậy người phát hiện tham nhũng phải được bảo vệ thế nào, vì hiện nay cơ chế này chưa rõ ràng khiến người dân e ngại. Thực tế, chỉ khi tin cán bộ người dân mới nói ra sự phát hiện của mình vì họ cho rằng cách tiếp nhận thông tin hiện nay chưa minh bạch. Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần rõ ràng hơn”. Bà An cũng thể hiện nỗi lo về cái gọi là “thế giới ngầm”, bởi “thế giới ngầm hiện có trong tất cả các lĩnh vực từ buôn lậu, tiền tệ, khai thác khoáng sản, chạy chức chạy quyền, vì thế chứng cứ để chống tham nhũng là rất khó khăn. Nếu không xóa được thế giới ngầm thì không thể chống tham nhũng được”.

Một vấn đề quan trọng khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là vai trò, trách nhiệm của báo chí trong Phòng, chống tham nhũng. Theo dự thảo ban đầu, “cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Tuy nhiên, quy định này gây ra nhiều phản ứng vì cho rằng như vậy sẽ “trói tay” báo chí. Vì thế, tại dự thảo trình Quốc hội, quy định này được sửa thành: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định như vậy là một “bước lùi”, bởi theo luật cũ báo chí chỉ phải cung cấp nguồn tin để phục vụ điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng chứ không phải là trong mọi trường hợp. Hơn nữa, nếu quy định như dự luật sẽ xung đột với Điều 7 Luật Báo chí hiện hành: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Chính vì thế, ông Nghĩa cho rằng quy định này cần giữ nguyên như luật hiện hành là báo chí chỉ cung cấp nguồn tin để phục vụ điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng: “Bảo vệ nguồn tin là yếu tố cực kỳ quan trọng để báo chí phát huy vai trò tích cực của mình trong Phòng, chống tham nhũng”

 

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình: Thành lập Tòa án trẻ vị thành niên

Với câu hỏi báo chí đặt ra có nên tăng hình phạt đối với trẻ em phạm pháp vị thành niên? Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Chúng ta đã tham gia vào Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em nên giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên là không phải bằng tăng hình phạt, mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, trước đây khi có những vụ án gây bức xúc dư luận, báo chí đăng tải nhiều thì lại tăng hình phạt, nhưng sau đó trẻ em phạm pháp vẫn không giảm, vì nó có nguyên nhân xã hội. Nên về mặt pháp lý quốc tế cũng như là đạo lý và đánh giá về nguồn gốc phát sinh tội phạm, chúng tôi thấy rằng bằng những giải pháp khác chứ không phải bằng giải pháp là tăng hình phạt đối với tội phạm trẻ em. Trong số nhiều giải pháp về quản lý xã hội, về giáo dục, về chính sách... có việc thành lập Tòa án trẻ vị thành niên. Đấy là kinh nghiệm của thế giới. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có đề án xây dựng Tòa án hôn nhân, gia đình và trẻ em, hiện đang trong quá trình để trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào mô hình tổ chức của tòa án sắp tới đây.

NHÓM PV

Phòng, chống tham nhũng: Nhiều quy định thiếu khả thi

Sáng 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường. Một lần nữa, những vấn đề liên quan đến tử hình bằng thuốc độc và giải pháp nào để phòng, chống tham nhũng hiệu quả lại được nêu ra.

Thiếu thuốc, tử tù chưa... được chết

Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực từ 1-7-2011) cho phép thay đổi từ xử bắn tử tù sang tiêm thuốc độc và Nghị định 82 về thi hành án tử hình có hiệu lực từ tháng 11-2011 thế nhưng do những vướng mắc hiện nay về nguồn cung ứng thuốc khiến cho 500 tử tù chưa được thi hành án.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), khi thuyết phục để Quốc hội đồng ý với hình thức tiêm thuốc độc, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt điểm ưu việt. Nghị định ban hành sau đó cũng chỉ rõ tên 3 loại thuốc độc sẽ dùng và trách nhiệm của Bộ Y tế là phải cung cấp thuốc. Tuy nhiên, đến bây giờ khi cần thực thi thì lại không được vì không có thuốc. Tại sao Chính phủ đã dành bao nhiêu thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chắc chắn là đi tham quan nước ngoài để biết rõ các loại thuốc cũng như quy trình thực hiện mà không tìm hiểu tiếp có ai bán các loại thuốc đó hay không. Bộ Y tế phải trả lời dứt khoát liệu có mua được thuốc hay nguyên liệu sản xuất thuốc hay không, hoặc có thể bào chế ngay trong nước.

Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ và báo cáo Quốc hội về trách nhiệm của các bộ đối với việc thực hiện luật thi hành án nêu trên. Mặt khác cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc trình dự án luật để Quốc hội thông qua, tránh tình trạng bế tắc như Luật Thi hành án hình sự.

Phản hồi về các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, mọi công việc chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến trang thiết bị, đào tạo nhưng hiện chỉ thiếu thuốc. Theo ông Cường, nguyên nhân là do là trong nghị định của Chính phủ lại ghi rõ tên thuốc trong khi đây là những loại trong nước chưa sản xuất được, phải nhập. Tuy nhiên, khi phía đối tác nước ngoài biết việc nhập thuốc về để xử án tử hình thì họ dừng việc nhập thuốc lại. Giải pháp cho thời gian sắp tới là hội đồng chuyên môn tối cao của Bộ Y tế nghiên cứu và xác định loại thuốc nào Việt Nam có thể sản xuất và thời gian thực hiện sẽ cố gắng sớm nhất.

Nhiều hạn chế trong phòng, chống tham nhũng

Đề cập đến ý kiến của các đại biểu về nguyên nhân công tác phòng, chống tham nhũng chưa giải trình đối với những ý kiến của các đại biểu xung quanh công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận, công tác phòng ngừa còn chưa hiệu quả dù việc tuyên truyền, tập huấn đã được làm rộng rãi. Trong các giải pháp về phòng ngừa, ông Huỳnh Phong Tranh cũng nhìn nhận các giải pháp về cải cách hành chính, công khai, xây dựng định mức tiêu chuẩn… hai giải pháp được đánh giá ở mức trung bình là chuyển công tác, trách nhiệm đứng đầu; giải pháp về hình thức kê khai, trả tiền qua tài khoản được nhìn nhận là yếu.

Việc xử lý trách nhiệm đứng đầu, ông Huỳnh Phong Tranh lý giải vừa qua thấp là do quy định xử lý trách nhiệm có những điểm không rõ ràng nên khó xử lý. Bên cạnh đó là tình trạng tránh né, nể nang, sợ vi phạm, thành tích đơn vị nên một số cơ quan xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tham nhũng ít. Mặt khác cũng có nguyên nhân là chính người đứng đầu tham nhũng. Chính vì vậy, để làm tốt công tác phòng ngừa tốt hơn thời gian tới, Luật Phòng, chống tham nhũng đang được sửa đổi trong đó đề cập cụ thể hơn các quy định về việc phòng ngừa và mong đại biểu Quốc hội ủng hộ

 Ngày 2-11, hội thảo trước đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11, khu vực các tỉnh thành phía Nam do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phối hợp với Bộ Phát triển Vương quốc Anh tổ chức tại Cần Thơ bước vào phiên cuối cùng, tập trung trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng, những kiến nghị, đề xuất, giải pháp.

Phát biểu kết thúc 2 ngày làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhấn mạnh: “Phòng, chống tham nhũngthời gian qua chưa như mong muốn nhưng đạt kết quả đáng ghi nhận. Công tác này còn nhiều hạn chế như: việc tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa phong phú; cơ chế chính sách pháp luật còn sơ hở trên một số lĩnh vực; việc công khai thủ tục hành chính trên cổng thông tin chưa phù hợp với một bộ phận người dân; trách nhiệm người đứng đầu nhiều nơi chưa cao; năng lực, ý thức cán bộ công chức nhiều nơi còn yếu kém; hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân về phòng, chống tham nhũng chưa sâu; vai trò của Mặt trận Tổ quốc chưa được phát huy đúng mức… Những kiến nghị, đề xuất tại hội thảo lần này sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện là thông tin đầu vào phục vụ đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 dự kiến diễn ra vào ngày 22-11 tại Hà Nội và phục vụ công tác sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng.

B.ĐẠI

Tin cùng chuyên mục