Quảng Ngãi cho phép nhận chìm 62.000m³ chất thải xuống biển

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký giấy phép nhận chìm ở biển, cho phép Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được nhận chìm vật, chất ở biển từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký giấy phép nhận chìm ở biển, cho phép Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được nhận chìm vật, chất ở biển từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017.

Theo Giấy phép nhận chìm ở biển, UBND tỉnh Quảng Ngãi số 68/GP-UBND ngày 27-10, quyết định cho phép Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được nhận chìm vật, chất ở biển.

Theo đó, vật, chất được phép nhận chìm gồm cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò, sét và bùn trầm tích thu được từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ năm 2017. Vật, chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Khối lượng vật, chất được phép nhận chìm là 62.000m³, bao gồm 8,8% là bùn và 91,2 % là cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò.

Địa điểm khu vực nhận chìm thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là 4,97 ha có độ sâu lớn nhất 24,19m (hải đồ).

Phương tiện chuyên chở vật, chất nhận chìm gồm 2 tàu hút bụng tự hành, 6 xà lan chuyên dụng vận chuyển vật liệu nạo vét. Cách thức nhận chìm theo hình thức mở đáy xả. Thời điểm hoạt động nhận chìm chỉ được phép thực hiện từ tháng 10-2017 đến hết tháng 3-2018.

UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Tổng Công ty có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động nạo vét theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái xuang quanh khu vực nạo vét. Thực hiện nhận chìm đúng vị trí, khối lượng, thành phần vật, chất nhận chìm, phương tiện, cách thức theo quy định.

Đồng thời, các phương tiện chuyên chở vật, chất nhận chìm phải đăng ký và gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển. Thực hiện các nghĩa vụ theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tin cùng chuyên mục