Quảng Nam thu hút nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao

Việc khởi công dự án Khu công nghiệp Nông - Lâm chất lượng cao của Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) vừa diễn ra cuối tuần qua tại Khu kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp mang tầm quy mô không chỉ của Quảng Nam mà của cả khu vực miền Trung.
Vựa rau Bàu Tròn (huyện Đại Lộc) - một trong những dự án nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh
Vựa rau Bàu Tròn (huyện Đại Lộc) - một trong những dự án nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh

Nhiều hứa hẹn 

Theo thiết kế, dự án Khu công nghiệp Nông - Lâm chất lượng cao có diện tích 451ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 8.118 tỷ đồng; tiến độ thực hiện bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2022. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ chỉ chuyên sản xuất nông nghiệp tập trung, trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp, nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng đến công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối nhằm phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia.

Đặc biệt, với việc áp dụng cơ giới hóa và quản trị số hóa, dự án hứa hẹn sẽ trở thành một trong các trung tâm sản xuất nông nghiệp có quy mô khép kín lớn nhất của Việt Nam. Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, dự án hoàn thành sẽ làm tăng giá trị đáng kể trên diện tích đất trồng trong tương lai dựa trên cây ăn trái, cây lâm nghiệp có giá trị cao, thay thế cho phần lớn diện tích đất trồng cây keo có giá trị rất thấp; đồng thời tạo ra một hệ sinh thái công - nông - lâm nghiệp đồng bộ, bổ trợ lẫn nhau trong chuỗi giá trị, gia tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. “Khi hoàn thành, dự án này không chỉ đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm cho 20.000 lao động mà còn có sức lan tỏa rất lớn đến nông dân tỉnh Quảng Nam và miền Trung, Tây Nguyên trong việc thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất nông - lâm - nghiệp”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Tăng chuỗi giá trị

Không phải đến khi dự án này của THACO triển khai tại Khu kinh tế mở Chu Lai, mà trước đó, nhiều dự án về nông nghiệp công nghệ cao cũng đã được chính quyền tỉnh Quảng Nam thống nhất, phê duyệt. Kể cả một số địa phương như huyện Phú Ninh, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn cũng đã xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao. Nổi bật có thể kể đến quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tam Phú (TP Tam Kỳ, tổng diện tích khoảng 130ha). 

Đặc biệt, tháng 1-2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Văn bản số 3929/QĐ-UBND, thống nhất chủ trương triển khai Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam (thuộc xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) của Công ty CP Tập đoàn T&T, tổng diện tích trên 278ha, vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Quy mô dự án bao gồm: Khu dịch vụ hỗ trợ; nhà xưởng sửa chữa máy móc, kho vật liệu; khu tổ hợp thu gom, sơ chế và khu hỗ trợ sản xuất (khu nhà kính vườn ươm; khu trung tâm nghiên cứu R&D và dịch vụ tổng hợp…).

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ, tuy nông nghiệp chỉ còn chiếm 12% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, dù vậy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô vẫn là một trong những mục tiêu mà tỉnh Quảng Nam đang hướng đến. Trong đó, việc đầu tư khu công nghiệp nông - lâm nghiệp tại Khu kinh tế mở Chu Lai có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển ngành nông - lâm nghiệp của tỉnh; góp phần đưa nông nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

Tại buổi lễ khởi công các dự án của THACO ngày 24-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, dù Quảng Nam là tỉnh có diện tích lớn thứ 6 cả nước, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm trên 80% diện tích đất đang sử dụng và có tiềm năng to lớn, nhưng đến nay, sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún, đa phần sản xuất lúa và hoa màu giá trị không cao. 

“Để đầu tư vào nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của đất nước, rất cần những con người, doanh nghiệp có tư duy sáng tạo, quản trị tốt, tinh thần dám nghĩ, dám làm, có tư duy chiến lược, thực tiễn và tâm huyết để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao. Việc áp dụng cơ giới hóa, kết hợp nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao sản xuất cho người nông dân và thu mua - chế biến - phân phối, xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm là việc làm cần thiết. Thực hiện được điều này sẽ tạo ra một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam, giúp nông dân làm giàu ngay trên chính mảnh ruộng của mình; thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục