Quảng cáo bằng cách “nhá máy”

Ngoài việc nhắn tin, gọi điện bất kể giờ giấc để quảng cáo, mời chào tiếp thị sản phẩm, hiện nay nhiều công ty, đơn vị còn sử dụng tổng đài tự động gọi điện nhá máy để người dùng điện thoại phải gọi lại để rồi phải nghe quảng cáo.

Nghe chuông điện thoại reo, nhưng đang chạy xe ngoài đường nên chị Nguyễn Thị Châu (ở quận 3, TPHCM) không bắt máy. Đi một đoạn, lại nghe chuông reo, nghĩ là ai đó có chuyện gì gấp gáp cần liên lạc, nên chị Châu tấp xe vào lề để nghe thì chuông tắt.

Nhìn xung quanh xem có ai khả nghi không, chị mới mở điện thoại lên và thấy tới 2 số khác nhau gọi tới. Chị gọi lại số điện thoại 0932611xxx, một giọng nữ bên kia đầu dây cất lên giới thiệu: “Chào chị! Em gọi đến từ Công ty kỳ nghỉ AA.. Hiện tại bên em đang có rất nhiều tour đặc biệt, hấp dẫn…”.

Nghe tới đây, chị Châu ngắt lời cô gái nói rằng mình không có nhu cầu nhưng bên kia giọng nói vẫn tiếp tục giới thiệu các chùm tour cụ thể. Biết là không phải nhân viên gọi mà là máy tự động phát lời đọc ghi âm sẵn, chị Châu cúp máy. Vẫn thấy còn một số gọi nhỡ khác, chị gọi lại thì tiếp tục là giọng cô gái ban nãy!

Chị Châu bức xúc: “Cứ thấy có cuộc gọi nhỡ thì tôi luôn gọi lại vì e có người cần gặp, nhưng khi gọi lại thì là máy trả lời tự động từ công ty du lịch quảng cáo. Cũng có nhiều lần, tôi và một số người bạn liên tục nhận được những cuộc gọi nhá máy từ số điện thoại 0901300xxx của Trung tâm gia sư L.T.T. giới thiệu dạy kèm. Họ cứ gọi nhỡ để mình gọi lại. Ở đầu dây bên kia, các thông tin về chương trình này, hoạt động kia, dự án nọ cứ tự động được bật, không cần biết người nhấc máy có bận, có quan tâm hoặc có cảm thấy phiền phức hay không”.

Cũng bị làm phiền với hình thức như trên từ số điện thoại 0943798XXX của Trung tâm dạy kèm A.D., anh Hoàng Tâm (ở quận Thủ Đức) phản ánh: “Thấy cuộc gọi nhỡ thì mình gọi lại, nhưng mở lên chỉ toàn nghe máy tự động nói không ngừng. Không ít công ty sử dụng dịch vụ như thế này, họ không sử dụng nhân viên gọi trực tiếp mà sử dụng tổng đài tự động điện thoại theo kiểu “nhá máy” rồi tắt để được gọi lại. Biết là công việc của các đơn vị, trung tâm, công ty phải tiếp thị, quảng cáo, nhưng kiểu cứ chơi “nhá máy” rồi bắt người ta trả tiền cho cuộc gọi lại để nghe quảng cáo thì thật là hết chỗ nói. Chẳng lẽ, bó tay với nạn quảng cáo kiểu này hay sao”.

Câu chuyện tiếp thị qua điện thoại không chỉ dừng lại ở việc gây phiền hà cho người nghe, mà còn gây bực mình vì lối nói chuyện mất lịch sự, áp đặt.

Chị Lê Thị Ánh (ở quận 10) nói: “Tôi đang tham dự hội nghị thì liên tục nhận được cuộc gọi mời dùng sản phẩm sinh trắc vân tay miễn phí cho con. Vốn có người bạn từng tham gia dịch vụ này và phải tốn 4 - 5 triệu đồng, nên khi nghe miễn phí tôi cũng có thắc mắc. Cô nhân viên tư vấn nói huyên thuyên đủ điều về dịch vụ, nhưng khi nghe tôi nói không có nhu cầu thì cô ta chửi tôi một hơi là làm mẹ mà không biết quan tâm con cái, không chịu làm cho con cái này cái kia rồi dập máy cái rụp”.

Cách mời chào mua sản phẩm như thế thật là bất lịch sự, phản cảm và phản tác dụng vì chỉ làm người dùng điện thoại phải bực mình vì bị “khủng bố” qua điện thoại. Quảng cáo bán hàng qua điện thoại thực sự gây phản cảm bởi tần suất cuộc gọi dày đặc, bất kể giờ giấc. Đôi khi đang hội họp, làm việc, ăn cơm, ngủ trưa, chạy xe ngoài đường… điện thoại vẫn rung liên tục.

Theo ý kiến của nhiều người, cách tiếp thị sản phẩm như vậy chỉ khiến khách hàng đánh giá thấp sản phẩm. Thay vì liên tục “khủng bố” người dùng điện thoại bất kể giờ giấc, bất kể nhu cầu như hiện nay, hãy làm sao để khách hàng là người chủ động liên hệ và đồng ý nhận chia sẻ thông tin. Chính chất lượng sản phẩm, uy tín của đơn vị, người tư vấn sản phẩm mới thực sự níu kéo khách hàng.

Tin cùng chuyên mục