Quản lý sơ sài, cổ vật bị trộm

Hiện vật cổ xưa ngày càng có giá, trong khi công tác quản lý còn sơ sài nên thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp ở các di tích như đình, đền, miếu mạo ở TPHCM.

Mới đây, sau 2 lần mất trộm liên tiếp ở đình Khánh Hội (quận 4, TPHCM) với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng, UBND TPHCM đã giao công an điều tra, xử lý đối tượng trộm cắp. Đồng thời giao Công an TPHCM và UBND các quận huyện chỉ đạo tăng cường công tác an ninh, an toàn tại di tích và các công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quản lý.

Quản lý sơ sài, cổ vật bị trộm ảnh 1 Tượng ông Nhật, bà Nguyệt trên mái đình Khánh Hội trước khi bị lấy trộm. Ảnh tư liệu lưu giữ tại đình
Đình, miếu liên tiếp mất trộm

Trở lại đình Khánh Hội sau hai vụ bị trộm đột nhập, ông Phan Anh Tuấn (67 tuổi, bảo vệ đình) cho biết, hai tượng bị đánh cắp và một tượng bị bẻ gãy đã đặt trên mái đình hơn 80 năm qua. Ngày 10-10-2018, kẻ trộm lấy đi tượng bà Nguyệt; đến ngày 23-3-2019, tiếp tục bị trộm tượng ông Nhật cùng tượng cá hóa long và bẻ gãy tượng cá hóa long còn lại. Các tượng này đều có niên đại vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chất liệu gốm Cây Mai (gốm Sài Gòn xưa) và là cổ vật có giá trị khoảng 300 triệu đồng mỗi hiện vật. Cho đến nay vẫn chưa điều tra được đối tượng trộm cắp.

Đình thần Xuân Hiệp, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, gần bên chợ Linh Xuân nên hầu như lúc nào cũng có người qua lại mua bán tấp nập. Vậy nhưng cuối năm 2018, kẻ trộm ngang nhiên lái ô tô vào sát cổng đình, cắt khóa, lấy đi nhiều đồ vật quý, trong đó có lư hương bằng gốm (cổ vật trong di tích) để trên bàn thờ chánh điện. Lần theo manh mối, Công an quận Thủ Đức bắt giữ 3 đối tượng. Cả ba thừa nhận lấy trộm cổ vật trong đình thần Xuân Hiệp, bán với giá 10 triệu đồng và khai thêm đã từng trộm 2 tượng con cóc tại một ngôi miếu ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1), 2 tượng con cóc tại ngôi miếu ở phường 14, quận 8… Khám xét nơi ở các đối tượng, công an thu giữ rất nhiều tang vật gồm khoảng 40 chiếc đĩa tròn nhiều kích cỡ bằng gốm sứ Lái Thiêu, nhiều loại tài sản khác như công, lân, phượng, tô, tượng, bình hoa bằng sứ...

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, từ năm 2017 tới nay đã xảy ra tình trạng mất cắp hiện vật ở miếu bà Thiên Hậu (quận 1), đình Bình Tây (quận 6), đình Bình Đông (quận 8), đình Trường Thọ (quận Thủ Đức), đình Minh Hương Gia Thạnh (quận 5)…

Mất bò mới lo làm chuồng

Đình thần Xuân Hiệp là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, được xây dựng từ khoảng năm 1818, đến năm 1928 được tôn tạo khang trang như ngày nay. Đình được vua Bảo Đại ban sắc phong năm 1934, được xếp hạng di tích năm 2004. Rất may là những hiện vật bị trộm vào cuối năm ngoái đã được công an tìm thấy. Từ đó đến nay, những hiện vật này được cất kỹ trong kho, không còn được trưng bày như trước nữa.

Ở đình Khánh Hội, ông Phan Anh Tuấn cho biết sau vụ trộm, có người đã tài trợ lắp camera quan sát cả bên trong lẫn bên ngoài đình. “Đúng là mất bò mới lo làm chuồng, nhưng có còn hơn không. Có ý kiến xây tường rào cao lên, thậm chí lắp thêm dây kẽm gai để tránh bên ngoài leo vào. Nhưng tôi thấy ở đình mà làm vậy thì kỳ lắm”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM) thông tin hiện trên địa bàn TPHCM có 172 di tích được xếp hạng; trong đó phần lớn di tích do cộng đồng dân cư, cá nhân quản lý. Từ năm 2011, UBND TPHCM đã hỗ trợ hoạt động của các di tích được xếp hạng, với mức chi hàng tháng là 2 lần lương tối thiểu. Việc chi hỗ trợ thường xuyên nhằm giúp các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc trực tiếp quản lý di tích trang trải các chi phí điện, nước, nhang đèn, vệ sinh; đón tiếp khách tham quan và bồi dưỡng cho người chăm sóc di tích.

Về công tác an ninh, đại diện Phòng Quản lý di sản văn hóa nhận xét: “Tình trạng mất cắp xảy ra chủ yếu với các hiện vật thờ cúng và trang trí trên mái. Cổ vật thì ngày càng có giá trị, trong khi công tác quản lý, bảo vệ thực tế còn sơ sài. Ở TPHCM có đặc thù đô thị, ban quý tế hầu hết là người lớn tuổi. Dân cư đông và đến từ nhiều địa phương nên tính gắn kết cộng đồng không chặt chẽ”.

Để xảy ra việc mất hiện vật tại các di tích, Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di tích và UBND các địa phương nơi có di tích. Tuy nhiên, sở này cũng nhận trách nhiệm trước UBND TPHCM và cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo an ninh, an toàn tại các di tích.

Tin cùng chuyên mục