Quản lý phim phát hành trên internet

Mảng quản lý, khai thác, phổ biến phim trên internet là vấn đề hoàn toàn mới, chưa từng được đề cập trong Luật Điện ảnh hiện hành và đó cũng là một trong những vấn đề lớn được đưa ra bàn thảo trong lần sửa đổi này. 

Có thể thấy, kẽ hở của việc chưa luật hóa quản lý việc khai thác, phổ biến phim trên internet đã tạo điều kiện cho nhiều phim không được cấp phép ra rạp, nhưng vẫn phổ biến trên mạng. Hiện nay xu hướng phim sản xuất chỉ phát hành trên internet ngày càng phát triển, mỗi năm xuất hiện hàng trăm phim.

Phân tích kỹ hơn về hình thức phổ biến phim trên mạng khác biệt với ở rạp, ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin Điện tử (Bộ TT-TT), cho rằng cần phải có cơ chế, chính sách quản lý mới phù hợp hơn. Luật Điện ảnh cần tính tới xu thế nhiều phim phát hành vượt biên giới, nhưng việc dán nhãn mới dừng lại ở cảnh báo chứ chưa có công cụ kiểm soát độ tuổi chặt chẽ trên mạng. Theo ông Nguyễn Thành Chung, mỗi năm có khoảng 300 - 400 bộ phim được trình chiếu và khoảng 6.000 - 7.000 tập phim, bộ phim được phát trên truyền hình. “Nếu đáp ứng được việc chiếu trên mạng, mỗi năm sẽ có hàng chục ngàn tập phim, bộ phim được chiếu. Điều này là một áp lực với cơ quan quản lý trong công tác hậu kiểm. Bởi ngay như việc kiểm soát độ tuổi người xem trên mạng cũng khó khăn hơn so với ngoài rạp chiếu”, ông Nguyễn Thành Chung nói. 

Tuy nhiên, vẫn theo ông Chung, cần phải nhìn nhận việc chiếu phim trên mạng không còn là xu thế nữa mà đang là thực tế. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận kinh doanh phim chiếu trên mạng đang mang lại nguồn lợi kinh tế lớn và không thể tách rời khỏi ngành công nghiệp điện ảnh. Do đó, việc quản lý không phải đơn thuần là kiểm soát, thắt chặt mà chính là tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để các nhà sản xuất, đơn vị phát hành có thể đầu tư và khai thác tốt lãnh địa này.

Liên quan tới nội dung này, bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, có ý kiến trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đổ hết trách nhiệm thẩm định phim phổ biến trên mạng cho Bộ TT-TT là chưa hợp lý. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cũng thừa nhận, không chỉ phim mà nhiều sản phẩm của nghệ thuật biểu diễn đưa lên mạng như âm nhạc chẳng hạn, cũng đang làm khó nhà quản lý. “Những quy định phải đưa ra chi tiết, phù hợp với thực tế và cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý”, ông Tạ Quang Đông đề nghị.

Rõ ràng, khi xu thế đã thành thực tế thì việc tạo ra hành lang pháp lý trong việc quản lý, khai thác, phổ biến phim trên internet là điều cần thiết và cấp bách.

Tin cùng chuyên mục