Quản lý chặt việc nuôi súc vật

Tại các đô thị, việc quản lý chó mèo và nhiều vật nuôi khác là vấn đề cần quan tâm thực hiện, để bảo đảm an toàn cho chính người nuôi, gia đình họ và những người sống xung quanh, sau nữa là để góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn trước các loại dịch bệnh.
Tình trạng thả rong chó ra đường vẫn diễn ra khá phổ biến Ảnh: NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN
Tình trạng thả rong chó ra đường vẫn diễn ra khá phổ biến Ảnh: NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN

Phòng ngừa bệnh dại ở động vật nuôi 

Hiện nay, ngoài chó mèo, nhiều cư dân đô thị còn nuôi một số động vật khác làm thú cưng hoặc nuôi với mục đích thương mại, giết thịt, như thỏ, chuột các loại, heo, gà, vịt, ngỗng, chim, thậm chí có người còn nuôi trăn, rắn, rồng Nam Mỹ… Các loài vật này có khi được nhốt trong nhà, có khi được nuôi thả khá tự do, thậm chí được thả rong hoàn toàn, ít nhiều gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ngay cả khi được nuôi nhốt kỹ lưỡng, không phải không xảy ra những trường hợp sổng chuồng (nhất là với trăn, rắn hoặc một số loài động vật hung dữ), có thể làm mất an toàn cho nhiều người. Trong trường hợp có bệnh dịch, các loài động vật nuôi có thể mang mầm bệnh lây lan cho đồng loại hoặc cho con người, kể cả những mầm bệnh gây chết người.

Tình trạng mất vệ sinh do súc vật phóng uế khá phổ biến. Ở đô thị, phần lớn người nuôi chó mèo vẫn để chúng phóng uế ở bất kỳ đâu, miễn không phải trong nhà mình là được. Nhiều nơi, mật độ nuôi dày, ở khu vực xung quanh dù là đường đi hay bãi cỏ công viên cũng có đầy phân súc vật, rồi người nọ đổ người kia, đã mất vệ sinh mà còn mất hòa khí xóm giềng. Có khi cư dân phải đem chuyện này vào cuộc họp tổ dân phố để tranh cãi, ai cũng nói chó mèo nhà mình không làm mất vệ sinh, mà chỉ có chó mèo nhà hàng xóm! 

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành đề án xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở động vật nuôi trên địa bàn, nhằm khống chế bệnh dại trên đàn chó mèo nuôi và trên người. Theo đó, từ ngày 1-1-2019, chủ nuôi chó mèo phải đăng ký việc nuôi chó mèo với UBND các phường; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Ngoài ra, đề án này còn nêu một số yêu cầu khác, như khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ nuôi phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm chó hoặc xích, giữ chó và có người dắt; con vật phải được tiêm phòng theo quy định; nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường như vô cớ cắn, cào hoặc tấn công động vật khác, phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương. Đà Nẵng là một thành phố du lịch, nên việc quản lý chó mèo là rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho du khách. Mục tiêu của đề án trong năm 2019 là có 100% các phường lập sổ quản lý chó mèo nuôi; tỷ lệ chó mèo nuôi được tiêm phòng đạt trên 90% và đến năm 2020 là trên 95%.

Cần hoàn chỉnh các quy định về nuôi súc vật

Trong khi đó, tại TPHCM, dù đã có quy định về vệ sinh và phòng ngừa bệnh dại ở động vật nuôi, nhưng tình trạng thả rong động vật vẫn diễn ra khá phổ biến và gần như không có dấu hiệu sẽ được khắc phục. Thời gian qua, chính quyền TPHCM đã áp dụng một số quy định về tiêm phòng bắt buộc, bắt và tiêu hủy với động vật thả rông sau một khoảng thời gian nhất định, bắt buộc tiêu hủy nếu có dịch bệnh…, nhưng trên thực tế, việc thực hiện diễn ra không thường xuyên, không đồng bộ và chưa có tác động sâu sắc đến nhận thức và hành vi của người dân. Hạn chế này do công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân; các cơ quan chức năng chưa thực hiện quyết liệt vai trò quản lý của mình trong lĩnh vực này, mà thường chỉ mạnh tay vào một đợt rồi thôi; nguồn lực về nhân sự, về kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật… còn mỏng nên không đáp ứng được yêu cầu. Các quy định điều chỉnh về lĩnh vực này hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và mức độ nghiêm cũng chưa cao.

Do đó, TPHCM cần nghiên cứu kỹ hơn về cách thức quản lý súc vật nuôi ở địa bàn dân cư, để bảo đảm an toàn cho mọi người, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh phòng dịch. Trong đó, cần xây dựng hoàn chỉnh các quy định về việc nuôi súc vật, bảo đảm mọi người trong quá trình nuôi, chăm sóc, chữa bệnh, xử lý xác súc vật sau khi chết hay giết thịt, buôn bán, phải được quản lý chặt chẽ. Cần có biện pháp chế tài đủ mạnh để mọi người tuân thủ, ai không đáp ứng được thì không nuôi hoặc sẽ bị cưỡng chế tiêu hủy. Bên cạnh đó, nhân sự, phương tiện, điều kiện phục vụ cho công tác này cũng cần được tổ chức đầy đủ. Ngoài ra, tiêu chí về quản lý động vật nuôi cũng cần được đưa thành một tiêu chí thi đua trong các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở. Dĩ nhiên, công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện thường xuyên, hợp lý để mọi người cùng đồng thuận và thực hiện.

Tin cùng chuyên mục