Quân đội Mỹ gia tăng sức mạnh ở châu Phi

Kênh truyền hình Pháp France 24 cho biết, dù Mỹ khẳng định muốn giảm số binh lính tại châu Phi nhưng sức mạnh của quân đội Mỹ ở lục địa đen lại đang gia tăng. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Phi dù kín đáo nhưng lại khá mạnh mẽ.
Tập trận United Accord 2018 tại Accra, Ghana
Tập trận United Accord 2018 tại Accra, Ghana

Tăng cường sử dụng máy bay không người lái

France 24 dẫn thông tin trên The Intercept, trang mạng có quyền tiếp cận các báo cáo liên quan tới Africom (Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Phi) cho biết, quân đội Mỹ có 34 cơ sở ở châu lục này gồm 14 căn cứ quân sự và 20 tiền đồn, với tổng cộng khoảng 7.200 quân nhân. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Candice Tresch khẳng định, dấu ấn của Mỹ ở châu Phi 10 năm qua đã tăng rõ rệt, nhằm bảo đảm lợi ích an ninh của Mỹ.

Việc tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ ở châu Phi thể hiện qua hoạt động triển khai các loại máy bay không người lái. Theo Adam Moore, giáo sư tại Trường Đại học California ở TP Los Angeles, việc phân bổ các căn cứ quân sự cho thấy lực lượng Mỹ được triển khai quanh 3 khu vực chống khủng bố ở châu Phi: vùng Sừng châu Phi (Somalia, Djibouti, Kenya), Libya và vùng Sahel (Cameroon, Chad, Niger, Mali, Burkina Faso). Chính nhờ máy bay không người lái mà sức mạnh của quân đội Mỹ gia tăng một cách đáng kể. Trong vòng 5 năm qua, Mỹ đã thiết lập ở Djibouti một khu tổ hợp về máy bay không người lái được xem là lớn nhất trên thế giới. Theo tiết lộ của The Intercept, doanh trại chứa các máy bay không người lái hoạt động ở Yemen và Somalia có thể tiếp nhận tới 4.000 quân nhân của Mỹ và các nước đồng minh.

Niger là quốc gia Mỹ đẩy mạnh mở rộng mặt trận ở vùng Sahel, vùng chiến lược chống khủng bố đang lên ở lục địa này. Hồi tháng 10-2017, 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng vì trúng ổ phục kích ở Niger. Qua vụ việc này, công chúng mới biết lực lượng Mỹ tham gia nhiều thế nào vào cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel. Trong khi đó, ở Niger, nơi Mỹ dù đã có tới 5 căn cứ quân sự nhưng Washington vừa dự kiến xây dựng căn cứ mới dành cho máy bay không người lái ở Agadez với chi phí có thể lên tới 100 triệu USD.

Giảm quân, tăng sức mạnh

Hồi giữa tháng 11-2018, bà Candice Tresch cho biết, số binh lính Mỹ đóng tại châu Phi sẽ giảm khoảng 10% trong những năm tới đây. Geoff D.Porter, lãnh đạo Cơ quan tư vấn North Africa Risk Consulting, nhận định không có mâu thuẫn giữa việc Lầu Năm Góc thông báo giảm quân số ở châu Phi với việc tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở lục địa đen. Bởi nếu việc xây dựng các căn cứ quân sự là để các máy bay không người lái có thể hỗ trợ hoạt động cho các lực lượng và nhằm củng cố cơ sở hạ tầng đã có sẵn trong khu vực, thì nó đồng thời cũng có thể cho phép giảm bớt số lượng binh sĩ đang đóng quân tại châu Phi.

Việc sử dụng máy bay không người lái là một phần của chiến lược chống khủng bố mà Mỹ tiến hành ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel. Washington triển khai hoạt động quân sự thông qua việc hỗ trợ vận chuyển hậu cần (logistics) cho các đồng minh của Mỹ trong những khu vực nói trên. Ngoài ra, các máy bay không người lái còn cho phép cung cấp thông tin tình báo để giúp đỡ các quốc gia đồng minh tìm kiếm và vô hiệu hóa các mục tiêu trong khi Mỹ lại hạn chế được việc phải triển khai các lực lượng mặt đất vốn dễ bị tổn thất. Washington luôn nhấn mạnh là các căn cứ trên chỉ được triển khai tạm thời và có sự bảo trợ của các nước sở tại nhưng The Intercept lại khẳng định sức mạnh của quân đội Mỹ tại khu vực vẫn tiếp tục được nâng cao khi Air Forces Africa, đơn vị không quân của Africom đang tham gia vào gần 30 dự án ở 4 nước châu Phi.

Ông Geoff D.Porter cho rằng, dù Trung Quốc và Nga đều đã tăng cường lực lượng quân sự tại châu Phi, nhưng sự hiện diện của cả hai cường quốc này đều không mạnh bằng Mỹ. Hoạt động của quân đội Mỹ nhằm đối phó với những mối đe dọa nhắm vào các lợi ích an ninh của Mỹ, đặc biệt là ở vùng Sahel và vùng Sừng châu Phi.

Tin cùng chuyên mục