Qua rồi điệp khúc “cuối nguồn thiếu nước sạch”

Vài năm trước đây, mỗi khi vào mùa khô, khu vực các quận 4, 7 và đặc biệt là huyện Nhà Bè TPHCM, người dân lâm vào cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng. 
Niềm vui của người dân huyện Nhà Bè vừa được gắn đồng hồ nước
Niềm vui của người dân huyện Nhà Bè vừa được gắn đồng hồ nước
Nhưng giờ đây, mạng lưới nước sạch cung cấp cho người dân tại các địa bàn trên đã được phủ kín.  
Phủ kín 
Trong ký ức của nhiều người dân TP, có lẽ khó có thể quên được hình ảnh những chiếc xe bồn, xe ba gác liên tục vận hành đưa nước sạch về cho người dân khu vực huyện Nhà Bè mỗi khi bước vào mùa khô của 5 - 7 năm trước. Người dân đón chờ nước tại các điểm cấp nước tập trung trong sự mệt mỏi. Xót xa và nghịch lý hơn khi thời điểm đó, ở những vùng sâu, vùng xa của quận 7, huyện Nhà Bè, người dân đã nghèo nhưng lại phải mua nước sạch do tư nhân cấp bằng xe bồn với giá bán trên 50.000 đồng/m3 để chắt chiu xài mỗi ngày. Ở vùng đất nhiễm phèn nặng như huyện Nhà Bè, mùa mưa người dân có thể tích trữ nước mưa để ăn uống, nhưng mùa khô thì không có nguồn nào khác để thay thế nên phải chấp nhận mua nước sạch do tư nhân bán với giá mỗi mét khối cao hơn cả ký gạo, cân thịt heo ở thời điểm đó. Nước sạch với người dân hồi ấy trở thành món hàng xa xỉ và chỉ dám sử dụng để ăn uống, chứ sinh hoạt tắm rửa vẫn bằng nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn. Khu vực cuối nguồn gồm các quận 4, 7, huyện Nhà Bè thiếu nước vào mùa khô như một “điệp khúc buồn” cứ ca đi hát lại trong nhiều năm. Không chỉ người dân mà lãnh đạo TP, ngành cấp nước đều bức xúc. Và cứ vào thời điểm trước mùa khô là ngành cấp nước TP lại lên phương án cấp nước mùa khô bằng nhiều giải pháp linh động để đưa nước về cho người dân ở khu vực này.
Qua rồi điệp khúc “cuối nguồn thiếu nước sạch” ảnh 1 Cán bộ, công nhân Công ty CP Cấp  nước Nhà Bè tặng quà, chung vui với người dân vừa được cấp nước sạch
Tuy nhiên, chuyện cuối nguồn thiếu nước sạch tại các quận 4, 7 và nhất là huyện Nhà Bè giờ đây chỉ là hoài niệm. Ở các địa phương trên, mạng lưới cấp nước sạch đã được phủ kín. Thống kê của Công ty CP Cấp  nước Nhà Bè cho biết, đến cuối năm 2016, toàn bộ 51.667 hộ dân trên địa bàn quận 4 đều được sử dụng nguồn nước sạch. Tương tự, tất cả 81.409 hộ dân quận 7 và 35.587 hộ dân huyện Nhà Bè hiện đã được sử dụng nguồn nước thủy cục do Sawaco cung cấp. Ông Nguyễn Doãn Xã, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công  ty CP Cấp nước Nhà Bè, thông tin đơn vị này hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu 100% hộ dân được cấp nước sạch so với chỉ tiêu Nghị quyết 35 của HĐND TPHCM đề ra. Vào thời điểm ban đầu, 100% hộ dân các quận huyện nói trên được cấp nước bằng nhiều hình thức; nhưng vào thời điểm này, có đến 97% - 98% hộ dân được cấp đồng hồ nước trực tiếp qua hệ thống mạng cấp nước, tức mỗi hộ dân đã sở hữu 1 đồng hồ nước - đây là hình thức cấp nước căn cơ, bền vững. Còn lại từ 2% - 3% hộ dân cấp nước qua đồng hồ tổng rơi vào các trường hợp nhà dân trong khu quy hoạch trong hẻm sâu, đường không rõ lộ giới, người dân sống khu vực ven bờ đê, ruộng ở vùng sâu vùng xa của huyện Nhà Bè nên đường ống chưa thể phát triển được.          
Đảm bảo cấp nước an toàn 
Đại diện lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Nhà Bè nhớ lại: Giai đoạn trước năm 2010 vẫn còn tình trạng thiếu nước trầm trọng khu vực cuối nguồn, đặc biệt là huyện Nhà Bè. “Nguyên nhân chính là chúng tôi thiếu nguồn nước”, ông Nguyễn Doãn Xã nói, đồng thời thông tin thêm vào tháng 8-2010, Nhà máy BOO nước Thủ Đức phát nước giai đoạn 2, nguồn nước này được đưa về khu vực cuối nguồn ở các quận 4, 7, huyện Nhà Bè. Có nguồn nước này, cùng với Công ty CP Cấp nước huyện Nhà Bè, năm 2011 huyện Nhà Bè đề ra Chỉ thị 05 phấn đấu chỉ tiêu 100% hộ dân trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn nước máy. Với sự phối hợp tích cực của các địa phương, trong khoảng thời gian 2011-2014, có năm Công ty CP Cấp nước Nhà Bè đầu tư đến hơn 30 tỷ đồng phát triển mạng cấp nước để đưa nước sạch đến cho dân. Ông Dương Văn Hòa, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty CP Cấp nước Nhà Bè, khẳng định nước sạch do đơn vị cấp nước Nhà Bè cung cấp cho dân luôn đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế và thế giới.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Nhà Bè đề ra 3 mục tiêu lớn, tương ứng với 3 chương trình để tập trung thực hiện, đó là:  nâng cao hiệu quả cấp nước; huy động nguồn lực xã hội hợp tác phát triển ngành cấp nước, đảm bảo mục tiêu cấp nước sạch; đẩy mạnh cải cách hành chính. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục phát triển mạng cấp nước, đầu tư mới đồng hồ để duy trì tỷ lệ 100% hộ dân các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè được sử dụng nước sạch theo Nghị quyết 35 của HĐND TP. Giải pháp cụ thể cho từng chương trình này, đơn vị cấp nước Nhà Bè sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo cấp nước an toàn. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho công tác kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước theo mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn giảm còn 10%.
                         Phát triển thương hiệu nước đóng chai Sawanew
Tính đến cuối năm 2016, sản lượng nước tiêu thụ của đơn vị đạt gần 61.000.000m3, tăng 3.332.758m3 so cùng kỳ năm 2015. Doanh thu tiền nước tăng hơn 9% so cùng kỳ năm 2015. Chỉ tính riêng năm 2016, công ty đã thay mới hơn 20.000 đồng hồ. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình trên hệ thống mạng cấp 1, 2,  3 là 18,72%. 
Phát huy lợi thế nguồn nước thủy cục đảm bảo chất lượng, từ năm 2010, Công ty CP Cấp nước Nhà Bè đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước đóng chai theo công nghệ hiện đại của Mỹ. Sản phẩm nước sạch mang thương hiệu Sawanew sau 7 năm có mặt trên thị trường đã từng bước khẳng định thương hiệu với doanh thu tăng đều khoảng 10% mỗi năm. Lợi thế cạnh tranh của Sawanew là nguồn nước đầu vào đảm bảo chất lượng (sử dụng từ nguồn nước thủy cục của Sawaco) nhưng giá thành bán ra hiện nay chỉ bằng phân nửa các sản phẩm thương hiệu nổi tiếng khác. Mục tiêu của Công ty CP Cấp nước Nhà Bè là phát triển thương hiệu Sawanew thành thương hiệu có uy tín của ngành cấp nước TP. 
Công ty CP Cấp nước Nhà Bè được đánh giá là một trong những đơn vị thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã có những bước đi vững chắc sau cổ phần hóa. 
Đưa nước sạch về Long An 
Không chỉ hoàn thành chỉ tiêu đưa nước sạch đến tất cả hộ dân trên địa bàn các quận 4, 7, huyện Nhà Bè, Công ty CP Cấp nước Nhà Bè còn mạnh dạn mở rộng thị trường tiềm năng, cấp nước cho vùng giáp ranh TPHCM. Cụ thể, đơn vị đang đầu tư dự án cấp nước sạch cho các xã Long Hậu, Phước Lại và một phần xã Phước Vĩnh Tây (thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng, được khởi công xây dựng vào tháng 3-2017 và dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 6 này. Phương thức hợp tác giữa Công ty CP Cấp nước Nhà Bè và tỉnh Long An theo hướng lâu dài; nước sạch bán sỉ cho phía Long An (đến các trạm cấp nước tập trung) với giá được hai bên thỏa thuận 3 năm đầu là 7.000 đồng/m3 (điều chỉnh theo lộ trình các năm). Các xã vùng hạ thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An giáp ranh với huyện Nhà Bè TPHCM có khoảng 8.300 hộ dân với hơn 31.000 nhân khẩu đang sử dụng nước của một số trạm cấp nước tư nhân cấp từ giếng khoan. Với quá trình xử lý đơn giản nên chất lượng nước không đảm bảo an toàn, về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt vào mùa nắng nóng, tình trạng thiếu nước sạch gia tăng; giá nước sinh hoạt hiện nay người dân mua lại của tư nhân khá cao, từ 50.000 - 100.000 đồng/m3

Tin cùng chuyên mục