Qua một mùa thi…

Sau một mùa thi... cha mẹ nên chăm sóc cho con thấy, gia đình là chỗ dựa vững chắc, là bóng mát yên bình để con bớt buồn, vui trở lại, lấy niềm tin mà tiếp tục học tập. Chỉ cần làm ngần ấy thôi! 
Ngày 13-6, Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm thi vào lớp 10 công lập. Điểm công bố khiến nhiều phụ huynh học sinh hoang mang: gần 50% bài thi môn Toán, môn Anh dưới trung bình, môn Văn có khoảng 14% bài dưới trung bình và có gần 300 bài thi bị điểm 0. Nhiều người thảng thốt khi thấy cộng điểm con mình so với điểm chuẩn năm trước đều không đạt.
Đến ngày 10-7, các trường THPT mới công bố danh sách trúng tuyển, lúc ấy PHHS và HS sẽ biết đậu rớt vào nguyện vọng nào, học trường nào. Thời gian từ khi biết điểm thi đến khi biết trúng nguyện vọng nào là 27 ngày đau khổ, chờ mong trong khắc khoải của nhiều bậc cha mẹ. 
Đau khổ vì cứ ngỡ con mình là học sinh giỏi sao điểm toán lại thấp. Đau khổ vì sao, con bị điểm liệt, dù thầy cô bảo rằng hiểu đề, viết vài câu cũng có điểm? Chờ mong, khắc khoải là vì không biết trong 3 nguyện vọng, con mình sẽ trúng nguyện vọng nào?
Tình cờ đến nhà anh bạn, hai vợ chồng đang cãi nhau kịch liệt về chuyện con gái thi vào lớp 10 bị điểm thấp. Gần nhà, nên tôi hiểu việc chăm con khá căng thẳng của gia đình anh. Ngoài học ở trường, anh còn cho con học ở nhà thầy cô môn ấy, xong lại cho đi học thêm nơi nào anh nghe có thầy cô giỏi. Một ngày của cháu từ sáng sớm đến tối mịt mới về, vì tính ra, một môn cháu học tới, học lui đến 3 lần. Còn người đưa rước là anh chị và cả bác xe ôm. Ba người phục vụ một cô “công chúa” đi học. Cuối năm lớp 9, tổng kết học tập khá mà “công chúa” thi điểm thấp mới… đau. 
Khi tôi đến chơi, anh bạn vội vã cầu cứu: Có cách nào giúp con gái anh năm nay vào lớp 10 công lập, dù có chạy tốn chi phí cũng chịu. Anh tâm sự: Đã cộng điểm rồi, nếu so với 3 điểm chuẩn vào trường năm ngoái thì con tôi điểm thấp chẳng trúng nguyện vọng nào. Đau nhất là con tôi được xếp loại khá môn Toán, nhưng thi lại chỉ vỏn vẹn 2 điểm.
Từ khi biết được điểm thi, cả nhà không khí lạnh tanh. Con gái buồn suốt ngày đóng cửa phòng riêng. Anh chị đi làm về cũng khéo léo không la mắng cháu, chỉ lo cháu mới lớn, lại nghĩ quẩn. Tuy vậy, lòng họ vẫn buồn rười rượi. Nhân hôm nay, không có con ở nhà, nỗi niềm lo lắng đã bùng phát thành chuyện cãi vã. Anh chị không dám trách nhà trường, thầy cô giáo, chỉ tự trách nhau… không biết nuôi dạy con.
Cả hai đều thấu hiểu nguyên nhân chủ quan lộ rõ là đã cho con đi học thêm quá nhiều, khiến thể lực cháu suy giảm, vào học không tập trung và cái chính là tạo cho con tính ỷ lại, không suy nghĩ sáng tạo. Vào lớp làm bài kiểm tra toàn là bài thầy cô đã dạy ở giờ học thêm, nên đâu cần vận động trí óc, mà cứ được điểm 10. Cứ vậy, 4 năm cấp 2 đã biến học sinh thành cái máy tự động, không biết giải một bài toán, hay viết một bài văn nếu gặp bài thi dạng đề lạ một chút. Anh tâm sự, qua sự việc này mới hiểu, không phải cứ có tiền giao con cho cô thầy là xong; không phải học thêm nhiều là giỏi… 
Động viên anh, không phải rớt lớp 10 công lập là mất tất cả. Nếu cháu rớt cả 3 nguyện vọng, nên cho cháu học trường tư hay học trường nghề. Đường học tập còn dài, đường đời còn rộng mở. Thua keo này, ta bày keo khác, không nên tự ti, buồn quá sinh ra hại sức khỏe. Những lúc này, cha mẹ nên chăm sóc cho con thấy, gia đình là chỗ dựa vững chắc, là bóng mát yên bình để con bớt buồn, vui trở lại, lấy niềm tin mà tiếp tục học tập. Chỉ cần làm ngần ấy thôi! 

Tin cùng chuyên mục