Quá khó!

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VH-TT-DL.

Theo đó một trong những điều kiện được đưa ra mới đối với chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là phải có trình độ đại học chuyên ngành.

Cụ thể, quy định mới yêu cầu chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện như là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và phải có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thì không khác gì so với quy định trước đó. Tuy nhiên, trong quy định về cấp chứng chỉ hành nghề tại nghị định mới đã đưa ra tiêu chí khá “ngặt nghèo” khi yêu cầu đối tượng được cấp chứng chỉ này phải có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.

Khá bất ngờ về quy định này, PGS-TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng xưa nay người sưu tầm cổ vật bao gồm đủ thành phần, đối tượng. Người dân lâu nay vẫn giao dịch cổ vật công khai. Nhiều nhà sưu tầm am hiểu có quá trình trau dồi, đọc và học từ thực tế không nhất thiết phải có bằng đại học.

“Yêu cầu về bằng cấp cũng như các kiến thức chuyên ngành phù hợp hơn với người làm công tác thẩm định, giám định”, PGS-TS Tống Trung Tín nói.

Đúng là rất cần có những quy định chặt chẽ với người làm công tác giám định, thẩm định di vật, cổ vật, những người mà tiếng nói của họ có thể đưa một hiện vật lên tầm quý giá hoặc hạ xuống tầm mức bình dân.

Những người đó, ngoài những kiến thức thu nạp từ chính kinh nghiệm tiếp xúc với cổ vật, họ còn cần phải có kiến thức nền tảng được đào tạo nhưng với các chủ cửa hàng, người làm nghề kinh doanh, thì quy định trên không phải là khó, mà là quá khó!

Trước đây, khi bàn về vấn đề này, GS-TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, từng cho rằng đây là lĩnh vực đặc thù, nhiều người tốt nghiệp đại học chưa chắc thẩm định đúng, trong khi số khác dù không có bằng nhưng khả năng thẩm định tốt, có kinh nghiệm, vì thế cần phải có sự linh hoạt trong quy định.

Chung nhận định này, TS Nguyễn Văn Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho rằng quy định chứng chỉ hành nghề có trình độ đại học “không có ý nghĩa lắm”.

Ông phân tích, chuyện mua bán cổ vật do người có điều kiện kinh tế, ham thích thì bỏ tiền ra mua, sưu tầm. Chỉ có điều mua bán cổ vật phải tuân theo quy định pháp luật - chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, không xuất khẩu ra nước ngoài.

Một chuyên gia giám định tốt chưa hẳn đã có thể kinh doanh tốt và một nhà kinh doanh giỏi thì cũng không nhất thiết phải có kiến thức uyên thâm như một nhà giám định trong lĩnh vực cổ vật. Việc yêu cầu một nhà kinh doanh có đủ bằng cấp, chứng chỉ như một nhà nghiên cứu, một chuyên gia thẩm định có phải là quá ôm đồm?

Nghị định mới có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành là 9-10-2018, song với những quy định mới được siết chặt như vậy, chắc chắn kinh doanh cổ vật sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục