PPP - Rào cản và giải pháp thu hút vốn đầu tư

Mô hình đầu tư công - tư (PPP) là giải pháp hữu hiệu cho bài toán khó về vốn. PPP đã được nghiên cứu và áp dụng thành công trong nhiều lĩnh vực - đặc biệt là phát triển CSHT tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. 
Đầu tư PPP giúp phát triển cơ sở hạ tầng tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Đầu tư PPP giúp phát triển cơ sở hạ tầng tại TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Hiện nay, nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) tại TPHCM chủ yếu là vốn ODA, vốn tài trợ, vốn vay… nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nguồn vốn này có xu hướng ngày càng thu hẹp; trong khi đó, tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao, giảm chi tiêu công để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng tới việc chi ngân sách cho đầu tư CSHT. Để giải quyết vấn đề này, TPHCM đã năng động sáng tạo để tìm và tạo nguồn, trong đó chủ yếu khai thác theo hướng huy động vốn ngoài ngân sách. 
PPP chỉ phù hợp với dự án lớn và phức tạp
Từ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã cho thấy rằng, bất kỳ chính phủ nào cũng không thể và không đủ khả năng nguồn lực để cung cấp hàng hóa công một cách hiệu quả trong điều kiện ngân sách bị giới hạn. Vì thế, mô hình đầu tư công - tư (PPP) xuất hiện là giải pháp hữu hiệu cho bài toán khó về vốn nói trên. PPP đã được nghiên cứu và áp dụng thành công trong nhiều lĩnh vực - đặc biệt là phát triển CSHT tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. 
Việt Nam đang học tập kinh nghiệm các nước để đưa ra hình thức đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân (PPP). Chúng tôi nghiên cứu, phân tích một số dự án đã và đang triển khai (bao gồm cả thành công và không thành công) để hiểu rõ hơn thực trạng và khả năng ứng dụng mô hình PPP này để phát triển CSHT tại TPHCM, như dự án đường Trường Sơn, cầu Cỏ May, An Sương - An Lạc, cầu Ông Thìn, cầu Bình Triệu 2, đường Huỳnh Tấn Phát, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc mới, cầu Sài Gòn 2, xa lộ Hà Nội… và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong việc phát triển CSHT giao thông đô thị tại TPHCM, đó là không phải các dự án đều phù hợp đầu tư theo mô hình PPP vì PPP chỉ phù hợp với những dự án lớn và phức tạp với các đặc điểm: Chi phí đầu tư, bảo trì và các chi phí khác lớn; quá trình lựa chọn tư vấn (khảo sát, thiết kế, lập dự toán, lập dự án tiền khả thi), quản lý điều hành, tổ chức đấu thầu, giám sát thi công dự án phức tạp và tốn kém; thời gian hoạt động của dự án phải kéo dài để thu hồi vốn đầu tư và giảm chi phí vòng đời dự án. 
Đồng thời muốn thực hiện thành công, phía đầu tư phải đảm bảo các nhân tố quyết định của mô hình PPP như khung pháp lý phải đầy đủ và minh bạch, lựa chọn đối tác có năng lực, tối đa hóa lợi ích cho các đối tác, ổn định môi trường vĩ mô và phân bổ rủi ro hiệu quả.
Hiện nay các dự án PPP ở Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng khởi động rất chậm do rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ nhà đầu tư lẫn Chính phủ. Về phía nhà nước là vai trò hỗ trợ chưa thực hiện đầy đủ, làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư; chưa có hệ thống chính sách, hành lang pháp lý, thể chế rõ ràng nên sự hợp tác của tư nhân với khu vực công chưa được đảm bảo chắc chắn và lâu dài cho việc kinh doanh của nhà đầu tư. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là 2 trong số các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho một dự án PPP thành công, nhưng những điều kiện này cũng không đơn giản đối với Việt Nam. Cuối cùng là chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định.
Giải pháp ứng dụng PPP
Trước hết, cần gia tăng vai trò của Chính phủ bởi thành công của các dự án PPP phụ thuộc rất lớn vào vai trò của Chính phủ, vì đây là hành lang chung của một quốc gia, sự ổn định trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô sẽ là yếu tố thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án PPP, cùng với đó là hoàn thiện hành lang pháp lý về nhà đầu tư tư nhân.  Riêng với TPHCM, cần kiến nghị về tài chính cho dự án theo mô hình PPP. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, một chiến lược tài chính, cụ thể là thiết lập cấu trúc vốn cho dự án PPP một cách hợp lý sẽ quyết định sự thành công của mô hình này. Vì vậy, TP cần xây dựng một cấu trúc tài trợ tiêu chuẩn gồm vốn khởi tạo, vốn chủ sở hữu và nợ. 
Thứ hai, về vốn khởi tạo từ ngân sách TPHCM. Đây là phần vốn góp ban đầu của ngân sách TP khi tham gia PPP nhằm giảm áp lực về vốn cho tư nhân trong giai đoạn xây dựng, đồng thời tăng tính hấp dẫn của dự án PPP. 
Thứ ba, để tăng sức hấp dẫn cho các dự án PPP, ngân sách TP cần cung cấp các hỗ trợ riêng biệt hoặc thực hiện bảo lãnh. Trong đó, cần có nhiều hình thức hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thứ tư, về tính tự chịu trách nhiệm của bộ máy quản lý TP. Mối quan hệ hợp tác PPP yêu cầu bộ máy quản lý TP thực hiện vai trò với cách thức cải tiến, đó là nâng cao tính tự chịu trách nhiệm. 
Thứ năm, kiến nghị về xử lý hành lang được khai thác xung quanh dự án. Theo đó, chủ đầu tư tư nhân được quyền khai thác không gian và các công trình lân cận, xung quanh dự án, giúp họ tăng lợi nhuận đủ bù chi phí, hạn chế tình trạng sau khi dự án đi vào vận hành bị lỗ và gia tăng gánh nặng bù lỗ cho ngân sách. Để thực hiện điều này, chính quyền TP cần công khai các quy hoạch và công bố rõ ràng quyền khai thác hành lang không gian song hành với dự án thuộc về nhà đầu tư CSHT. Không cấp giấy phép riêng cho các nhà đầu tư không tham gia dự án CSHT.
Thứ sáu, kiến nghị về phân bổ rủi ro hợp lý giữa khu vực công và tư. Từ thực tiễn một số dự án thí điểm PPP cho thấy, nếu có một hành lang pháp lý đủ lực thì mới chỉ là điều kiện đủ, ngoài ra cần phân chia lợi ích tương xứng với chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia.
Tháo gỡ rủi ro 
Được kỳ vọng như một trong những mô hình hiệu quả để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước, nhưng mô hình PPP cho đến nay vẫn chưa được triển khai hiệu quả. Một trong những lý do của tình trạng này là tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc mang tính xung đột pháp lý trong việc thực hiện dự án PPP, nên nhà đầu tư nhiều khi còn ngại ngần. 
Dự thảo Luật Đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư (PPP) đang được cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu xây dựng. Theo kỳ vọng của nhiều chuyên gia, đây sẽ là cú hích cho sự phát triển của mô hình PPP trong tương lai ở Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về định hướng xây dựng luật. Trong đó, một trong những đề nghị quan trọng là đóng góp ý kiến về nội dung còn chồng chéo giữa các quy định khi triển khai dự án PPP, cũng như đề xuất, kiến nghị định hướng chính sách cần thiết để khắc phục các vướng mắc khi xây dựng Luật Đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư (PPP). Các nội dung cần góp ý liên quan tới hiệu quả đầu tư của dự án PPP; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP; trình tự, thủ tục đầu tư, các biện pháp thu hút đầu tư… Cùng với việc xây dựng luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo cơ chế PPP. Bởi thực tế triển khai 2 năm qua cho thấy tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, khiến gần như không có dự án lớn nào được đấu thầu thành công.
Ngọc Lan (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục