Phương pháp phòng chống một số bệnh dịch truyền nhiễm

Hiện nay nhiều loại bệnh dịch truyền nhiễm như bệnh cúm, đặc biệt là virut cúm A/H5N6; viêm não Nhật Bản, tay-chân-miệng, sởi, thủy đậu, tiêu chảy... vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát tại các địa phương. Làm thế nào để phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm đang đe dọa cuộc sống của chúng ta
Vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm
Vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm

Mầm bệnh và đường lây bệnh
Bệnh dịch truyền nhiễm là các bệnh có mầm bệnh là virut, vi khuẩn, vi nấm, các loại giun sán, ký sinh đơn bào (sau đây gọi chung là mầm bệnh) gây ra, có thể lây lan nhanh chóng ra cộng đồng. Nguồn lây của các bệnh truyền nhiễm có thể là người hoặc động vật nhiễm bệnh, môi trường: nước, đất, thức ăn, côn trùng trung gian như muỗi, ve, mò...

Tiêm chủng đầy đủ để phòng các bệnh nguy hiểm cho trẻ.
Đường lây truyền là cách mà mầm bệnh xâm nhập cơ thể người để gây bệnh. Mỗi mầm bệnh có những cách riêng để lây lan từ người bệnh hoặc người nhiễm sang người lành, có những mầm bệnh có nhiều cách lây bệnh.
Những đường lây bệnh thường gặp là: Lây qua đường hô hấp, khi người chưa nhiễm bệnh hít phải các giọt dịch hô hấp từ người bệnh khi ho, hắt hơi như: virut cúm, sởi, quai bị, một số vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, viêm màng não... Lây qua đường tiêu hóa: do nuốt phải các mầm bệnh gây bệnh trong thức ăn và nước uống như vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ, các virut đường ruột như virut gây bệnh tay-chân-miệng, virut bại liệt... Lây qua các vết đốt của côn trùng như: sốt mò, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... Lây qua đường tình dục, tiêm chích, truyền máu như HIV, giang mai, lậu, viêm gan B, C... Lây qua vết cắn của động vật như chó mèo, chuột cắn: virut dại, bệnh chuột cắn... Lây truyền từ mẹ sang con như HIV, virut viêm gan B, xoắn khuẩn giang mai...
Phương pháp phòng chống một số bệnh dịch truyền nhiễm ảnh 1 Tiên ngừa giúp trẻ phòng tránh được một số bệnh truyền nhiễm
 Biện pháp phòng chống bệnh dịch
Các bệnh truyền nhiễm có thể phòng chống được rất hiệu quả bằng những biện pháp đơn giản. Đó là các biện pháp sau đây:
Tiêm vaccin: là biện pháp chủ động tạo miễn dịch cho người có khả năng bị lây nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh. Việc tiêm phòng phải được thực hiện khi người còn khỏe mạnh và theo lịch tiêm phòng chung. Chẳng hạn tiêm phòng lao và viêm gan B được thực hiện từ ngay sau khi sinh; tiêm phòng sởi lúc trẻ được 9 tháng tuổi... Tỷ lệ người tiêm phòng càng cao thì số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn, càng có khả năng phòng chống bệnh.
Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta nhằm khống chế 6 bệnh nguy hiểm nhất là: sởi, lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt. Từ năm 1997, Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam được bổ sung thêm 4 loại vaccin: tả uống, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và thương hàn. Đối tượng tiêm chủng ưu tiên cho trẻ từ 1 - 2 tháng đến 5 tuổi, nay mở rộng hơn cho phụ nữ mang thai vaccin uốn ván và trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi vaccin viêm gan B. Nhờ tiêm phòng, nhiều bệnh truyền nhiễm trẻ em đã giảm hẳn về số người mắc và tử vong như bạch hầu, ho gà, uốn ván; nhiều bệnh đã được loại trừ và thanh toán như đậu mùa, bại liệt. Ngoài ra, tiêm phòng còn được thực hiện cho những trường hợp sau phơi nhiễm với mầm bệnh như tiêm phòng dại. Trách nhiệm của các bậc phụ huynh là đưa con em đi tiêm đầy đủ, đúng lịch.
Giữ vệ sinh cá nhân: hàng ngày cần thực hiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật. Luôn luôn ngủ trong màn, tránh muỗi đốt. Giữ vệ sinh răng miệng. Tắm rửa thường xuyên phòng bệnh viêm nhiễm trên da. Quan hệ tình dục an toàn. Rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang; ăn chín uống sôi; phòng tránh muỗi và côn trùng đốt là các biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại phòng bệnh hiệu quả với hầu như tất cả các bệnh truyền nhiễm.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa. Mọi người cần nghiêm chỉnh thực hiện ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, nước đã được lọc hoặc xử lý vô khuẩn. Bảo quản thức ăn đã chế biến hợp vệ sinh. Chống ruồi nhặng đậu vào thức ăn. Không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín.
Vệ sinh môi trường nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của các bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua vết đốt côn trùng. Cần loại bỏ chỗ sinh sản của muỗi truyền sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác. Cung cấp nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Cần thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người và động vật hợp vệ sinh.
Diệt côn trùng: nuôi cá để diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, ruồi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn để hạn chế nơi sinh sản của muỗi...
Phòng chống dịch bệnh: mọi người cần hiểu biết về bệnh dịch đang xảy ra và các biện pháp phòng tránh. Phát hiện sớm người bị bệnh, điều trị kịp thời để cứu sống người bệnh, cách ly và giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh sang người khác. Tiêm phòng vaccin và uống thuốc dự phòng bằng kháng sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Với bệnh tay chân miệng: thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người giữ trẻ bằng nước và xà phòng; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, bỏ khăn giấy vào thùng rác, rửa tay ngay sau khi thực hiện các thao tác trên; vệ sinh đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước và xà phòng, sử dụng dung dịch khử khuẩn (chloramin B, nước javel) ngâm rửa đồ chơi của trẻ hàng tuần.

Nếu trẻ có triệu chứng sốt cao, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, miệng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, không cho trẻ đến trường, nơi đông người cho tới khi hoàn toàn hết bệnh. Trẻ mắc tay chân miệng nếu có dấu hiệu giật mình, đi đứng loạng choạng, li bì, mê sảng… là những biểu hiện nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

Với bệnh sởi: Ngoài những biện pháp rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, che miệng mũi khi hắt hơi… nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám. Bệnh sởi đã có vắc xin chủng ngừa, phụ huynh cần chủ động đưa con em đi tiêm từ khi 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa được tiêm sởi, tiêm chưa đầy đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa cần liên hệ với phường xã nơi cư ngụ để được tư vấn.

Với bệnh sốt xuất huyết: cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường quanh khu vực sinh sống, trút bỏ nước, đậy kín hoặc lật úp các vật chứa để triệt tiêu môi trường sinh sản của muỗi gây bệnh. Mỗi gia đình cần sử dụng bình xịt côn trùng, kem chống muỗi, ngủ mùng thường xuyên để không bị muỗi chích.

Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng đầu tháng 10- 2018 cho thấy, sau khi dịch bệnh có mức tăng “nóng” trong những tuần trước thì tuần qua nhiều loại bệnh tiếp tục “leo thang”. Theo đó, thống giám sát các loại bệnh truyền nhiễm của thành phố ghi nhận 587 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 16% so với trung bình của 4 tuần trước nhưng bệnh vẫn ở mức cao. Tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng “nóng” của bệnh tay chân miệng với 347 ca mắc bệnh (tăng 49%) so với trung bình của 4 tuần trước. Bệnh sởi cũng tăng vọt từ 17 ca lên 32 ca, số ca bệnh tích lũy từ đầu năm đến nay là 111 trường hợp. Nếu thời điểm đầu năm, số ca bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở các quận huyện thì đến đầu tháng 10/2018, bệnh sởi đã bao phủ toàn bộ 24 quận huyện của thành phố.

Tin cùng chuyên mục