Phòng khám nhân đạo ở phường

Gần 50 bệnh nhân lần lượt ra về với cùng vẻ thư thái, hài lòng và nụ cười trên khuôn mặt, là hình ảnh hết sức ấn tượng tại Phòng khám nhân đạo phường 15 quận 10 (TPHCM) vào buổi sáng cuối tuần. 
Các bệnh nhân đến phòng khám của phường để thăm khám sức khỏe
Các bệnh nhân đến phòng khám của phường để thăm khám sức khỏe

Phòng khám nhân đạo phường 15 bắt đầu hình thành vào năm 2013 từ ý tưởng của Đại tá Đinh Văn Huệ (nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường Quân khu 7, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường), với sự cố vấn chuyên môn của bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM).

Với kinh nghiệm thực tế từ các chuyến khám bệnh, phát thuốc cho người nghèo, 2 người bạn già chí cốt cứ đau đáu việc khám bệnh từ thiện thì cả năm, có khi mấy năm mới có một đợt, mỗi đợt chỉ có thể cấp thuốc để sử dụng tối đa trong một tháng. Sau đó, người bệnh khó khăn không biết bấu víu vào đâu, khi mà lo ăn từng bữa còn chưa đủ. Biết là không dễ dàng gì, nhưng với sự hỗ trợ hết sức của chính quyền địa phương, lại bắt nhịp được với mong muốn tiếp tục cống hiến của các bác sĩ, dược sĩ hưu trí trong địa bàn, 2 ông cụ quyết tâm gầy dựng phòng khám nhân đạo ngay tại phường để phục vụ bà con nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thà, gần 80 tuổi, thâm niên 4 năm đến khám tại đây, cho biết: “Gia đình khó khăn, tui đâu có điều kiện đi khám ở bệnh viện. Mà có điều kiện đi nữa cũng già yếu rồi, không xếp hàng, chờ đợi nổi ở bệnh viện. May có phòng khám nhân đạo này, tui đi khám đều đặn, được thắc mắc thoải mái, được giải thích cặn kẽ và hướng dẫn kỹ càng. Về uống thuốc thấy bệnh đỡ hẳn nên tui tin tưởng lắm. Mong làm sao mấy ông bác sĩ duy trì được lâu dài cho tụi tui được nhờ”.

Phòng khám hoạt động định kỳ mỗi tháng một lần vào sáng chủ nhật thứ 2 của tháng. Hội Chữ thập đỏ phường nhận trách nhiệm theo dõi, chọn lọc đối tượng khó khăn, già yếu, neo đơn, trẻ mồ côi, gia đình chính sách đưa vào danh sách mời khám. Trước mỗi kỳ khám sẽ có thư mời được cán bộ phường đưa đến tận nhà.

Dần dà, tiếng lành đồn xa, không chỉ bệnh nhân lân cận tìm đến mà phòng khám còn có sự tham gia tự nguyện của khá nhiều bác sĩ, dược sĩ đang công tác ở các bệnh viện tại TPHCM, ngoài 3 bác sĩ, 4 dược sĩ cơ hữu từ ngày đầu thành lập.

Đại tá Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Giám đốc Bệnh viện 7A) điềm đạm chia sẻ: “Sau những năm tháng làm nhiệm vụ chuyên môn, với khối kiến thức, kinh nghiệm quý báu được tích lũy qua thời gian dài, những bác sĩ như chúng tôi thực sự mong muốn có thể tiếp tục góp sức mình phục vụ nhân dân, đặc biệt là những người khốn khó không có điều kiện quan tâm đến sức khỏe bản thân. Với suy nghĩ đó, nghỉ hưu rồi, tôi vẫn khám bệnh ở phòng khám nhân đạo này và tham gia đoàn bác sĩ tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ thành phố”.

Cảm động nhất là sau khi khám bệnh, nhận thuốc xong, các bệnh nhân ai cũng nhìn ngược nhìn xuôi tìm kiếm chỉ để cúi chào biết ơn ông Đinh Văn Huệ, 92 tuổi - người đã gầy dựng nên phòng khám này. Toàn bộ kinh phí, thuốc men để duy trì phòng khám một tay ông lo liệu.

Ông cười hiền: “Tôi tranh thủ mọi mối quan hệ của mình, gần thì ngay ở phường, xa thì là bạn bè xưa, để đảm bảo  nguồn kinh phí và thuốc men ổn định cho phòng khám. Giúp được bà con nghèo mình tới đâu hay tới đó, ít nhất là giúp họ bảo vệ sức khỏe để lao động, để sống vui, sống tốt”.

Tin cùng chuyên mục