Giao lưu trực tuyến

Phòng chống dịch bệnh giao mùa

Hiện TPHCM đã ghi nhận 11 ca tử vong do dịch bệnh tay chân miệng (TCM), hơn 300 ca mắc bệnh này mỗi tuần và hàng trăm trẻ nhỏ bị tiêu chảy, sốt xuất huyết. Trước diễn biến phức tạp, bùng phát của các dịch bệnh trên, ngày 25-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về phòng ngừa, điều trị.
Phòng chống dịch bệnh giao mùa

Hiện TPHCM đã ghi nhận 11 ca tử vong do dịch bệnh tay chân miệng (TCM), hơn 300 ca mắc bệnh này mỗi tuần và hàng trăm trẻ nhỏ bị tiêu chảy, sốt xuất huyết. Trước diễn biến phức tạp, bùng phát của các dịch bệnh trên, ngày 25-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về phòng ngừa, điều trị.

  • Phụ huynh lo lắng

Buổi giao lưu bắt đầu lúc 8 giờ 30 phút nhưng trước đó đã có cả trăm email gửi về. Trong tâm trạng lo lắng cho sức khỏe của con mình, chị Mai Kiều Lan (quận 3, TPHCM) nói có biết dịch bệnh TCM nhưng không rõ biến chứng thế nào, có nguy hiểm tính mạng không. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết rất nguy hiểm nhưng tỷ lệ biến chứng không cao (chỉ khoảng 5%). Khi biến chứng trẻ có thể suy tim, suy hô hấp và tử vong rất nhanh trong vòng 24 giờ. Về đối tượng mắc bệnh TCM, bác sĩ Khanh nhấn mạnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, người lớn hiếm gặp hơn…

Phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THANH TÂM

Phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THANH TÂM

Có con nhỏ 2 tuổi, mấy hôm nay cháu biếng ăn và ho về đêm, chị Nguyễn Thị Mỹ Lan (Bình Chánh, TPHCM) tưởng rằng con bị cảm sốt nên cho uống nước cây tần dày lá nhưng không khỏi. “Đọc báo tôi thấy dịch bệnh TCM nguy hiểm quá, liệu con tôi có bị mắc bệnh đó không và có nên cho uống thuốc kháng sinh hạ sốt không”, chị Lan phân vân. Bác sĩ Trương Hữu Khanh vừa trấn an tâm lý cho phụ huynh vừa giải thích rằng, khi nghi con mình bị TCM thì phải quan sát lòng bàn tay, bàn chân, mông, lòng gối xem có bóng nước không. Nếu không phân biệt được thì đi bác sĩ khám.

Bên cạnh dịch bệnh TCM, buổi giao lưu trực tuyến cũng nhận nhiều câu hỏi về dịch bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, về dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Chị Nguyễn Thị Diệu (quận 12, TPHCM) hỏi từ 2 hôm nay con chị (5 tuổi) lên cơn sốt, hôm qua sốt 38°C, bỏ ăn và quấy khóc, bữa trước đó cháu có đi tiêu phân đen. “Có phải con tôi mắc bệnh sốt xuất huyết?”, chị Diệu lo lắng.

ThS-BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, giải thích bệnh sốt xuất huyết do siêu vi Dengue gây ra, bệnh diễn tiến trong 7 ngày. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao vào mùa mưa. Tất cả trẻ em sốt liên tục 3 ngày đều phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Bệnh biểu hiện gồm sốt và xuất huyết da, niêm mạc. Nếu trẻ sốt 2 ngày và có tiêu phân đen, cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn kịp thời. Người bệnh cần uống nhiều nước. Bác sĩ Việt cho biết thêm nếu trẻ sốt cao khó hạ sau 2 ngày thì có thể mắc sốt xuất huyết. Khi trẻ đau bụng vùng gan (dưới sườn bên phải) nhiều, tay chân lạnh, ói ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu ra máu thì nên đưa trẻ đi bệnh viện.

  • Tăng cường vệ sinh, dinh dưỡng cho trẻ

Trước diễn biến nguy hiểm của các bệnh dịch, rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về cách phòng tránh. Bạn đọc Nguyễn Hà Phương (quận 1, TPHCM) băn khoăn: Mấy người bạn bảo để ngừa dịch bệnh TCM phải lấy hóa chất diệt trùng Chloramin B lau chùi nhà cửa, đồ chơi cho trẻ nhưng không biết mua ở đâu và sử dụng thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ không?

BS Trương Hữu Khanh cho biết có thể xin chất này tại trạm y tế phường, xã và tại đây có hướng dẫn cách pha, cách dùng. Nếu pha đúng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn chị Nguyễn Thị Tâm ở tỉnh Quảng Nam muốn được tư vấn làm sao để các bé không bị mắc các bệnh trong thời tiết như hiện nay? Bác sĩ Khanh đề nghị cho các bé uống nhiều nước, hạn chế chơi đùa ngoài nắng, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đặc biệt là phải bảo đảm vệ sinh sát trùng hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần để ngừa bệnh TCM.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: THANH TÂM

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: THANH TÂM

Sợ con mình bị lây lan bệnh, anh Nguyễn Ngọc Nam (quận 9, TPHCM) nói gần nhà anh có một cháu bé vừa mới nhập viện vì mắc bệnh TCM, con anh lại thường sang nhà đó chơi với cháu bé này. Hiện anh rất lo lắng vì không biết cháu có bị lây nhiễm không? Bác sĩ Khanh trả lời nên khử khuẩn ngay tại nhà mình, nơi trẻ sinh hoạt, đồ chơi của trẻ, sàn nhà. Và nên cho trẻ đi khám, cố gắng theo dõi phát hiện bệnh sớm trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ kế bên mắc bệnh.

Về chế độ dinh dưỡng mùa dịch bệnh, BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết để giúp bé tăng khả năng đề kháng với bệnh dịch và mau hồi phục, các bé phải được cung cấp đầy đủ nhu cầu chất dinh dưỡng hàng ngày, tăng cường vitamin và vi lượng để hệ miễn dịch hoạt động tốt (vitamin C, A, D, B... từ rau quả tươi, ngũ cốc). Nên hạn chế uống nước đá, nước ngọt, các thức ăn dễ gây tổn thương niêm mạc tiêu hóa như snack, thức ăn chiên xào...

Theo TS-BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tính đến thời điểm giữa tháng 5, số ca mắc dịch bệnh TCM đã tăng lên trên 300 ca/mỗi tuần, cao hơn 100 ca so mỗi tuần của tháng trước. Nếu so sánh với cùng kỳ của năm 2010, số ca mắc TCM tăng hơn gấp 3 lần. Hiện Việt Nam đã xuất hiện biến chủng của virus EV71 gây dịch bệnh TCM có độc lực cao hơn. Hiện dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa. Biện pháp chính đến thời điểm này được xác định là vệ sinh khử khuẩn môi trường.

TƯỜNG LÂM – NGỌC HƯƠNG

>> Toàn bộ nội dung câu hỏi buổi giao lưu

Tin cùng chuyên mục