Phòng chống cháy nổ trong sinh hoạt

Không ai mong muốn sự cố hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra vì một thường để lại hậu quả rất nặng nề cả về tài sản và tính mạng con người. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến cháy nổ? Và cần có những biện pháp gì để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi có hỏa hoạn? 

Các nguyên nhân gây cháy nổ 

- Hàn cắt kim loại:
Trong quá trình hàn cắt kim loại, nhiệt độ của ngọn lửa có thể lên đến 3.000°C, nhiệt độ mối hàn từ 1.700°C - 1.800°C. Quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các xỉ hàn (nhiệt độ trên 1.000°C) bắn ra xung quanh và rất dễ gây hỏa hoạn khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy.
Đa phần cơ sở hàn cắt kim loại hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, việc huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) gần như không được các chủ sơ sở quan tâm. Thợ (công nhân) ít được trang bị kiến thức cơ bản về PCCC, không nhận ra đặc tính nguy hiểm cháy nổ nên việc sử dụng các thiết bị hàn cắt không đảm bảo an toàn. Điều này dẫn đến khi có hỏa hoạn sẽ lúng túng, mất bình tĩnh xử lý tình huống, không kịp thời dập tắt đám cháy ngay khi vừa phát sinh, để đám cháy lan nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi hàn cắt, thường không có người cách ly, di chuyển các vật liệu, hàng hóa dễ bắt lửa ra khu vực an toàn. Là môi trường nguy hiểm, dễ xảy ra cháy nổ, nhưng các cơ sở này lại không trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết.
- Vấn đề sử dụng điện:
Việc tự ý câu, móc thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác với thiết kế ban đầu hay làm đầu nối dây dẫn điện tùy tiện, không đảm bảo kỹ thuật; không thường xuyên kiểm tra, sửa chữa kịp thời các đoạn dây dẫn đã cũ… đều dẫn đến tình trạng mất an toàn PCCC.
Sử dụng các thiết bị điện vượt quá công suất cho phép gây nóng dây dẫn, làm dây nóng chảy dẫn đến chập điện, chập mạch. Việc thắp hương, đốt đèn, đốt vàng mã tràn lan; sử dụng, vận chuyển gas không đúng quy định; bố trí các vật dụng sinh hoạt bừa bãi trên các lối thoát hiểm như cửa đi, cầu thang bộ hay nâng cấp thiết bị xe máy, ô tô không đúng kỹ thuật… cũng dễ gây cháy nổ.

Các biện pháp phòng chống cháy nổ

- Đối với các sơ sở hàn cắt kim loại:
Chủ các cơ sở cần nêu cao trách nhiệm về công tác PCCC, phổ biến kiến thức về an toàn cháy nổ tại cơ sở cho công nhân. Trong quá trình hàn cắt kim loại, phải cử người trông coi, tổ chức che chắn cẩn thận bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khu vực an toàn. Chỉ sử dụng dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn. Trang bị các phương tiện PCCC cần thiết để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố.
Thợ hàn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC, nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh.
- Trong sử dụng điện:
Phải đặt Ap-to-mat hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính, phụ, từng thiết bị điện có công suất lớn trong nhà. Dây điện nối vào các thiết bị điện phải đảm bảo độ bền và gọn. Không co, kéo dây điện, treo các vật nặng lên dây điện. Không để đường dây dẫn điện, cầu chì, cầu dao bị rỉ. Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các dụng cụ điện có công suất lớn. Không đặt bất kỳ vật gì trên dây điện, ổ cắm, công tắc, cầu chì, cầu dao điện. Không dùng đinh, dây thép buộc giữ dây điện vì dây dẫn tiếp xúc với kim loại sẽ bị ăn mòn. Không luồn dây điện qua mái nhà, mái hiên làm bằng các chất liệu lá, tôn; không câu mắc tùy tiện nguồn điện, không để hở các mối nối dây điện gây nguy hiểm.
Những thiết bị, đồ dùng điện trong nhà nếu quá cũ cần được thay mới hoặc phải kiểm tra thường xuyên. Khi không sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hoặc đang sử dụng nhưng bị mất điện, phải ngắt ngay thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị, dụng cụ điện.
Sử dụng loại bình đun nước siêu tốc tự ngắt khi đã đun xong. Khi bị hỏng chế độ tự ngắt phải ngưng sử dụng ngay. Không dùng bếp điện đun nấu mà không có người lớn trông coi. Tránh để trẻ nhỏ, người già, người không minh mẫn… tiếp xúc với thiết bị, đồ dùng điện trong nhà. Không đặt ổ cắm điện ở những nơi ẩm ướt, trong nhà vệ sinh, nhà tắm.
Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả thiết bị, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ nên kiểm tra lại thiết bị, đồ dùng  và ngắt điện đối với các thiết bị không cần thiết.
- Việc thắp hương, đốt vàng mã:
Bàn thờ nên bố trí gọn gàng ở một góc. Hạn chế việc thắp hương thờ cúng, hóa vàng đến mức thấp nhất. Trường hợp cần thiết phải thắp hương cúng tế, cần có người trông coi, hóa vàng đúng nơi quy định, tránh nơi có gió, cách xa các vật dụng dễ cháy.
- Vấn đề sử dụng gas:
Thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa để kịp thay mới nếu không đảm bảo yêu cầu. Sử dụng các loại bếp gas, bình gas có kiểm định chất lượng, dây dẫn gas chuyên dùng. Bình gas phải được đặt ở tư thế thẳng đứng, thông thoáng, thấp hơn bếp hoặc cách xa bếp. 
Khi thay bình gas mới phải kiểm tra xem bình có bị hở van và nên trang bị thêm thiết bị báo rò rỉ gas. Khi không đun nấu, phải tắt bếp gas, khóa chặt van đúng cách. Không sang chiết gas trái phép dưới bất kỳ hình thức nào. Không để bừa bãi vật dụng sinh hoạt gia đình trên các lối đi, cửa thoát hiểm, cầu thang bộ… nhằm tạo điều kiện thoát nạn nhanh nhất nếu không may có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Không tự ý nâng cấp các thiết bị trong xe máy, ô tô. Không để các phương tiện này gần nguồn nhiệt, dễ phát sinh cháy nổ. Trang bị đầy đủ thiết bị PCCC cho gia đình và khu vực sinh sống, tập dượt cho mọi người biết cách sử dụng các thiết bị đó trong những tình huống khẩn cấp.
Trường hợp có cháy, cần tìm cách nhanh nhất báo cho mọi người xung quanh biết; gọi cảnh sát PCCC theo số 114; sử dụng các thiết bị thoát hiểm có trong nhà để thoát ra ngoài nhanh chóng.
Phòng chống cháy nổ trong sinh hoạt ảnh 1 Đoàn thanh niên Cảnh sát PCCC TP tặng bình chữa cháy cho một chủ nhà trọ tại phường 16, quận 8

 Các trang thiết bị PCCC cần có trong gia đình

- Bình cứu hỏa
Chất chữa cháy trong bình có tác dụng dập tắt nhanh các đám cháy nhỏ, nơi kín gió, cháy do chập điện… với thao tác dễ sử dụng. Ngoài ra, còn có bình cứu hỏa firebeater - loại bình mini thường được trang bị trong xe ô tô và dùng được cho cả xe máy.
- Mặt nạ chống khói 
Được làm từ vật liệu chống cháy để bảo vệ đầu cho người sử dụng, tránh tổn thương trong quá trình thoát hiểm. Bầu lọc của mặt nạ có tầng lọc khí làm từ than hoạt tính, giúp người sử dụng tránh hít phải các khói độc trong đám cháy. Thời gian phòng hộ của mặt nạ lên đến 30 phút, giúp kéo dài thời gian để người bị nạn kịp thoát ra khỏi nơi xảy ra cháy hoặc chờ lực lượng cứu hộ ứng cứu.
- Chăn cứu hỏa
Là loại chăn chịu được nhiệt cao, có thể dùng dập lửa hay quấn vào người để thoát ra khỏi vùng cháy.
- Búa, cưa, kéo thoát hiểm
Dùng để đập vỡ kính, cưa gỗ, cưa sắt, cắt dây… để thoát nhanh ra ngoài khi gặp sự cố cháy nổ.
- Đèn pin
Đèn pin thoát hiểm hiện được thiết kế có cấu tạo đa năng với búa đập kính, dao cắt dây, đèn nhấp nháy báo động, nam châm ở đế đèn để gắn lên tường… Với kích thước nhỏ gọn, có thể để bất kỳ nơi đâu trong nhà, trên xe, rất thuận tiện cho người sử dụng.
Ngoài ra, đối với những gia đình sống trong nhà cao tầng, chung cư nên trang bị thêm dây thoát hiểm, ròng rọc thoát hiểm để kịp thời thoát hiểm từ trên tầng cao xuống mặt đất khi có hỏa hoạn.

Tin cùng chuyên mục