Phối hợp nhiều giải pháp chống ngập

Nếu như cách nay hơn 10 năm, khi bắt đầu nghiên cứu dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thỉnh thoảng TPHCM mới có những cơn mưa có vũ lượng khoảng 85mm với lượng mưa trải đều trong 3 giờ. Thế nhưng, hiện nay, những cơn mưa tầm này hoặc có vũ lượng lớn hơn đã xuất hiện liên tục và mưa dồn dập trong chỉ khoảng nửa giờ. 
Hồ tích tụ và điều tiết nước tại một khu dân cư quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Hồ tích tụ và điều tiết nước tại một khu dân cư quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Hậu quả là ngay với những hệ thống cống thoát nước vừa mới được triển khai xây dựng trong vòng 10 năm trở lại đây như hệ thống thoát nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… đã trở nên quá tải so với diễn biến của thời tiết. Và đây được coi là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc chống ngập chưa đạt được kết quả như mong muốn, dẫu rằng TPHCM đã bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình chống ngập. 

Theo ông Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, nguyên Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, việc này là một minh chứng điển hình cho khả năng hữu hạn trong chống ngập của các giải pháp công trình. Khả năng của các công trình cống thoát nước hoặc ngay cả đê, kè ngăn nước phụ thuộc hoàn toàn vào công suất thiết kế của chúng. Quá mức này, hiệu quả của các công trình giảm xuống đáng kể. Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã phải trả giá cho việc xây đê bao quanh bằng trận ngập kéo dài hàng tháng trời cách nay mấy năm khi nước dâng vượt quá chiều cao của đê.

Từ thực tế ấy, bên cạnh các giải pháp công trình mà các nhà khoa học thường gọi là các giải pháp “cứng”, các nhà khoa học đã nghiên cứu và kêu gọi thực hiện thêm các giải pháp phi công trình, thường gọi là giải pháp “mềm” để ứng phó với tình trạng ngập. “Con người không thể tiên đoán một cách chắc chắn rằng tự nhiên sẽ thay đổi như thế nào. Trong bối cảnh ấy mà chỉ dùng các giải pháp bất biến là xây dựng công trình để đối phó với cái khả biến của tự nhiên là không khả thi”, tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, người đã trực tiếp xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho TPHCM, nhận định như vậy.

Các giải pháp “mềm” thường được các nhà khoa học đưa ra là xây hồ điều tiết nước, chống bê tông hóa đô thị - tạo điều kiện cho nước thẩm thấu vào đất, trồng thêm cây xanh… Hồ điều tiết có thể được xây nổi hoặc ngầm. Hồ điều tiết nổi là những hồ được đào trên mặt đất vừa làm nơi trữ nước, vừa tạo cảnh quan. Hồ điều tiết ngầm được xây ngầm trong lòng đất, dưới các công viên, sân bóng đá… Vào mùa mưa, hầm này có thể dùng làm nơi chứa nước. Ngược lại, vào mùa nắng có thể dùng làm chỗ đậu xe, vui chơi… Nhật Bản và mới đây nhất là Thái Lan đang triển khai xây dựng hàng loạt hồ điều tiết ngầm để góp phần chống ngập. Tại TPHCM cũng đang có triển khai xây dựng hồ điều tiết nước tại Thủ Đức, quận 4… Đó là ở góc độ chung của thành phố, với người dân, nhiều thành phố trên thế giới cũng vận động người dân làm bể chứa nước tại nhà. Bể vừa giúp chứa nước mưa, góp phần chống ngập vừa cung cấp nước mưa cho một số sinh hoạt trong gia đình như tưới cây, rửa xe...

Trước diễn biến bất thường của khí hậu, nhiều nhà khoa học đã đánh giá rất cao vai trò của các giải pháp mềm này và thậm chí còn cho rằng phải phối hợp cả 2 nhóm giải pháp “mềm” và “cứng” để có được hướng giải quyết ngập một cách tốt nhất. Những gì đang diễn biến ở TPHCM trong công tác chống ngập, cho thấy thành phố chắc chắn cũng không ngoại lệ. Để chống ngập hiệu quả, đòi hỏi TPHCM phải phối hợp hiệu quả cả 2 nhóm giải pháp “mềm” và “cứng”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, “mềm dẻo” linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu, với tình trạng ngập nước là quan điểm mới nhất, tiên tiến nhất hiện nay trong việc ứng phó với thiên nhiên. TPHCM nên cho nghiên cứu, xây dựng và vận động người dân trong khả năng của mình cùng tham gia chống ngập với thành phố.

Chỉ có một việc nên “cứng” hoàn toàn, đó là TPHCM phải “thật cứng rắn” xử lý các hành vi san lấp trái phép kênh rạch, xây công trình chặn hướng thoát nước… 

Tin cùng chuyên mục