Phối hợp giữa các môi trường giáo dục đạo đức

Giáo dục không chỉ khép kín trong nhà trường mà phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. 3 môi trường giáo dục nói trên tuy có khác nhau nhưng lại không có giới hạn riêng biệt, nó quyện chặt vào nhau để hình thành tính cách con người, nên cần phải có cơ chế phối hợp thật tích cực và hiệu quả. 
Phối hợp giữa các môi trường giáo dục đạo đức ảnh 1  Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tuổi trẻ TPHCM thắp nến tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP
Xác định giá trị cốt lõi của con người mới trong xã hội mới
Trước hết, với giáo dục học đường, trong thời gian qua nhà trường đã làm rất nhiều việc có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Nhưng ở khía cạnh đạo đức, hệ thống giáo dục chúng ta vẫn còn những hạn chế, bất cập, cần phải nhanh chóng khắc phục, nhất là đang thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Về nội dung giáo dục, nhà trường đã đề cập nhiều phẩm chất cho con người mới, nhưng hầu như chưa xác định được giá trị cốt lõi của con người trong xã hội đang có nhiều thay đổi ngày nay. Nhà trường chưa có sự chuẩn bị rõ ràng và đầy đủ cho con người mới trong xã hội mới ấy. Trong khi chúng ta dạy nhiều về tính chiến đấu thì sự tôn trọng hầu như chưa được đề cập. Sự tôn trọng sẽ đem lại cho cuộc sống những con người biết tôn trọng lẽ phải, tôn trọng pháp luật, tôn trọng người khác, tôn trọng của công, tôn trọng những giá trị lao động - là những giá trị cốt lõi cho một xã hội văn minh. Chúng ta dạy quá nhiều về tinh thần tập thể mà quên đi lòng tự trọng của mỗi con người trong cộng đồng. Không có một cơ quan hay tổ chức nào có thể quản lý con người tốt hơn chính họ.
Một khi con người ý thức rõ được sự tự trọng, họ sẽ tự thấy nhân phẩm mình bị tổn thương khi làm điều sai trái, giá trị xã hội sẽ được tôn trọng, con người sẽ có niềm tin vào cuộc sống.
Phương pháp giáo dục đạo đức còn quá xưa cũ, phổ biến là áp dụng phương pháp dạy học từ chương, áp đặt, thiếu sự vận dụng cụ thể và trải nghiệm trong cuộc sống thực tế, dẫn đến tình trạng mơ hồ trong nhận thức, thiếu niềm tin trong cuộc sống và thiếu bản lĩnh trước những trở ngại, khó khăn, cám dỗ. Nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến khía cạnh tâm lý của lứa tuổi. Những chuyện ngụ ngôn thời thơ ấu hay những ca dao tục ngữ về đạo lý ở đời đã trở thành hệ thống giá trị sâu sắc trong xã hội chưa được nhà trường vận dụng đến nơi đến chốn trong quá trình xây dựng tâm hồn, hình thành nhân cách cho học sinh.
Vai trò quyết định của giáo dục gia đình
Giáo dục gia đình đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách con người thông qua huyết thống, văn hóa và hoạt động kinh tế qua các thế hệ, ông bà, cha mẹ, anh chị em. Trong xu thế phát triển của đất nước, xã hội chuyển sang cơ chế thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới, dân trí ngày càng phát triển, những gia đình có điều kiện đã chăm lo con trẻ tốt hơn không những về trình độ học vấn mà cả nhân cách.
Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong một bộ phận chưa quan tâm, chưa có đủ năng lực hoặc chưa nhận thức đúng về việc giáo dục con trẻ liên quan mật thiết với việc tổ chức cuộc sống gia đình. Những giá trị mới chưa hình thành chắc chắn, trong khi những giá trị truyền thống sâu sắc lưu truyền từ đời này sang đời khác đã dần mai một.
Mặt khác, mọi sinh hoạt văn hóa và kinh tế của gia đình ảnh hưởng rất sâu sắc trong con trẻ. Các em đến trường hay ra xã hội đem theo cả văn hóa của gia đình, và rất khó để tìm ra những học sinh hoặc những con người chuẩn mực trong một gia đình không hòa thuận, luôn tranh chấp hơn thua; đời sống vật chất không chân chính, hoặc có đời sống tinh thần thiếu lành mạnh. 
Về mặt xã hội, chúng ta có cả một hệ thống chính trị ngày càng phát triển, luật pháp ngày càng hoàn chỉnh, truyền thông ngày càng có sức chi phối mãnh liệt. Chúng ta đã quan tâm rất nhiều đến đạo đức xã hội, đã giới thiệu và nêu được nhiều gương người tốt việc tốt, đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố đời sống tinh thần của xã hội bên cạnh sự phát triển về kinh tế và khoa học kỹ thuật. Tuy vậy, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội vẫn còn, cái ác vẫn tồn tại đã gây nhiều bức xúc, chưa thật sự làm an lòng trong mỗi người dân.
Xã hội phát triển, tội phạm mỗi ngày mỗi tinh vi, hệ thống pháp luật phải không ngừng hoàn thiện và củng cố đủ sức trấn áp hiệu quả và kịp thời. Nhưng quan trọng hơn sự trấn áp là hệ thống giáo dục xã hội phải được tập trung xây dựng và tổ chức đồng bộ hơn, ở đó hoạt động văn hóa cần được quan tâm đặc biệt. Văn hóa không chỉ dừng lại ở lễ hội, phong trào mà những giá trị xã hội phải được khẳng định và tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau, mang tính nghệ thuật cao hơn và sâu sắc hơn, đủ sức thấm đẫm vào tâm khảm từng người thông qua gia đình, trường học và các hoạt động xã hội. Hoạt động văn hóa sẽ thành công khi khơi dậy được tính nhân văn trong mỗi con người thay cho sự đối phó hình thức hoặc thiếu niềm tin vào chân lý, vào hệ thống giá trị của xã hội.
Những câu nói tưởng chừng như rất xưa cũ nhưng lại cần thiết trước những tình huống phải đắn đo trong cuộc sống, như “Một điều nhịn, chín điều lành” đã làm dịu lòng biết bao người còn nóng nảy, hơn thua; “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn” đã động viên được biết bao gia đình con cháu hòa thuận; hoặc “Của ăn thì hết, của cho thì còn” đã giáo dục con em mình sự chia sẻ trong cộng đồng thật hiệu quả…

Tin cùng chuyên mục