Phim truyền hình tết: Tôn vinh giá trị truyền thống

Không có quá nhiều đơn vị tham gia vào “mâm cỗ” phim truyền hình ngày xuân nhưng với các dự án đã công bố cho thấy, giá trị truyền thống được đặt ở vị trí trang trọng.
Cô Thắm về làng 4 mang sắc xuân miền Tây đến với khán giả
Cô Thắm về làng 4 mang sắc xuân miền Tây đến với khán giả

Sắc xuân từ các miền quê

Trong số 4 dự án phim truyền hình tết đã công bố đến thời điểm này, có thể thấy sự đa dạng về mặt nội dung khi đề cập đến rất nhiều vấn đề cuộc sống ở các vùng quê khác nhau. 

Đầu tiên, phải kể đến Cô Thắm về làng 4 - bộ phim như một món ăn quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ mỗi dịp tết đến, xuân về. Theo đạo diễn Võ Thạch Thảo: “Ngay từ mùa đầu tiên, nhà sản xuất đã xác định Cô Thắm về làng được làm với mục đích mang lại cho khán giả những câu chuyện về gia đình, làng xóm dịp đầu năm bằng phong cách vui vẻ, hài hước nhưng cũng đầy tình cảm, ấm áp”. Phim dự kiến dài 8 tập, sẽ phát sóng trên HTV2-Vie Channel lúc 20 giờ thứ hai đến thứ tư hàng tuần, bắt đầu từ 15-1. Bộ phim vẫn quy tụ các diễn viên đã gắn bó với chuỗi phim này: Tường Vi (Thắm), Sam (Út Đượm), Jun (Út Kiệm), Hoàng Anh, Long Đẹp Trai, Puka, NSƯT Lê Thiện, Hoàng Sơn, Thanh Thủy... Đặc biệt, năm nay phim đánh dấu sự trở lại của Nhan Phúc Vinh và sự góp mặt của Minh Thảo (Tháng năm rực rỡ), hứa hẹn là nhân tố mới sẽ gây “sóng gió” cho làng của Thắm. 

Chính thức lên sóng lúc 20 giờ 30 thứ tư và thứ sáu hàng tuần trên HTV7 (bắt đầu từ ngày 30-1) là Ngũ hợi tấn hỷ (đạo diễn Dũng Nghệ). Phim xoay quanh gia đình ông Dương, người muốn gìn giữ và phát huy nghề làm nước mắm truyền thống trước “cơn bão” công nghiệp đang bành trướng. Trớ trêu, hai cô con gái của ông tuy tài giỏi nhưng lại không hào hứng chuyện kế nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, ông đành đi tìm người để ngồi vào vị trí đó và “biến” họ thành con rể tương lai. Phim có sự tham gia của NSƯT Thanh Nam, Lương Thế Thành, Dương Cẩm Linh, Dương Hoàng Anh, Đàm Phương Linh, Minh Tuyền…  

Dự án thứ 3, tràn ngập sắc xuân miền Tây sông nước - Tân xuân đón tân lang (đạo diễn Hoàng Thơ), dự kiến sẽ lên sóng trên HTV từ mùng 1 đến mùng 5 Tết Nguyên đán. Phim là câu chuyện về cô gái xuất thân từ miệt vườn sông nước lên thành phố lập nghiệp. Bị cha mẹ giục chuyện cưới hỏi nhưng có đến 3 chàng trai cùng “cưa cẩm”, trải qua nhiều sóng gió, cô gái mới tìm thấy được tấm chân tình thực sự của đời mình. Phim có sự tham gia của Hồng Kim Hạnh, Kyo York, Việt Anh… 

Dự án thứ 4 mang sắc xuân miền Bắc - Vương tơ (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), dự kiến sẽ lên sóng trên kênh truyền hình VOV. Phim là câu chuyện về những người dân làng nghề lụa truyền thống, có những người tâm huyết, trăn trở với nghề, có những người vì chạy theo lợi nhuận mà bị người khác lừa lọc... Phim với sự tham gia của các diễn viên: Vĩnh Xương, Phú Đôn, Thu Hiền, Thu Hường…  

Khó nhưng vẫn kiên trì

Dù không sôi động như phim điện ảnh tết, lại phải cạnh tranh với nhiều chương trình giải trí khác, nhưng có thể thấy nỗ lực duy trì phim truyền hình tết của các đơn vị sản xuất. Bằng chứng là, mỗi ê kíp luôn cố gắng mang đến những câu chuyện gần gũi, quen thuộc, chăm chút kỹ lưỡng.  

Theo đạo diễn Dũng Nghệ, Chủ đề nổi bật của Ngũ hợi tấn hỷ hướng đến chính là những giá trị cốt lõi trong tình yêu, sự nghiệp, khát vọng thể hiện giá trị bản thân, dám nghĩ dám làm và dám từ bỏ tiền tài vật chất để sống với những đam mê bình dị trong cuộc sống đời thường. Đại diện nhà sản xuất Tân xuân đón tân lang chia sẻ, câu chuyện về người miền Tây trong phim sẽ được tái hiện chân thật với nhiều phong tục, tập quán khi xem phim. Khán giả sẽ thấy phần nào mình ở trong đó.  

Còn với đạo diễn Võ Thạch Thảo, sự khác biệt của Cô Thắm về làng năm nay, trước hết có thể nói tới là yếu tố ông Táo - bà Táo, mang âm hưởng chuyện dân gian Việt sẽ xuất hiện lần đầu tiên. Thứ hai là yếu tố ca nhạc, tập trung chủ yếu vào các điệu lý, hò, hò quảng, trong đó có nhiều bài được viết lại lời mới, phù hợp với tình huống diễn ra trong phim. Điểm thứ ba là phục trang, có sự thay đổi về sắc độ màu sắc, tạo cảm giác cổ điển, gợi hơi hướng tết xưa.  

Khó khăn của các nhà làm phim truyền hình nói chung, làm phim truyền hình tết nói riêng, là kinh phí thường khá cao, do phải đầu tư nhiều vào bối cảnh, phục trang, đạo cụ và một số phần chế tác đặc biệt. Với đặc thù khó thu hồi vốn nên các đơn vị sản xuất khá dè dặt trong việc làm phim tết. Tuy nhiên, đạo diễn Dũng Nghệ tỏ ra lạc quan vì thị trường đang có những dấu hiệu nóng trở lại, số lượng bắt đầu tăng: “Chắc chắn khán giả sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn, có thêm nhiều món ăn tinh thần trong những ngày đầu xuân ấm áp”.

Tin cùng chuyên mục