Phát triển nguồn năng lượng tái tạo: “Cứu cánh” nguồn cung tương lai

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiêp tập trung đầu tư mạnh vào mảng năng lượng tái tạo với số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây được xem là cứu cánh khi nguồn cung từ nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ và cạn kiệt.
Sử dụng năng lượng sạch là xu hướng của thế giới
Sử dụng năng lượng sạch là xu hướng của thế giới
Thu hút đầu tư

Đơn cử, Công ty CP SolarESCO - thành viên của Công ty Mặt Trời Bách Khoa - SolarBK vừa ký kết xây dựng hệ thống điện mặt trời cho Trung tâm Logistics của ICD Sóng Thần - Công ty CP ICD Tân Cảng - Sóng Thần tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9-2017, là trung tâm logistics xanh sử dụng điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam. Dự án sẽ cung cấp điện sạch cho khoảng 30% nhu cầu điện năng của toàn trung tâm trong 12 năm, tạo ra tổng lượng điện năng khoảng 784.218kWh/năm, góp phần giảm thải được khối lượng CO2 khoảng 518,5 tấn/năm. Cánh đây không lâu, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã trao quyết định và tiếp nhận cam kết đầu tư của 20 doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa hình thức sản xuất năng lượng. Trong đó, nổi bật là bản cam kết xây dựng 3 nhà máy sản xuất điện gió và điện mặt trời của Tập đoàn Đức Long Gia Lai với tổng vốn đầu tư gần 13.800 tỷ đồng. Riêng dự án lớn nhất với công suất thiết kế 200MW đặt tại TP Phan Thiết ước tính lên đến 6.000 tỷ đồng. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, đây chỉ là bước đầu tiên của chiến lược rót khoảng 30.000 tỷ đồng vào các dự án năng lượng tái tạo kết hợp du lịch, giai đoạn từ nay đến 2020. Trước đó, Tổng Công ty Phát điện 3 cũng đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận đăng ký đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời với công suất lắp đặt phát điện dự kiến 350MW. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 9.576 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ giữa 2018 đến đầu năm 2021.

Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho hai dự án năng lượng mặt trời do Tổng Công ty Điện lực miền Trung và một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh làm chủ đầu tư, ước tính tổng vốn trên 4.300 tỷ đồng. Hay Công ty Fujiwara (Nhật Bản) cũng nhận được giấy phép đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời và điện gió tại Bình Định với tổng vốn tương đương 1.446 tỷ đồng. Theo tiến độ đăng ký đầu tư, dự án sẽ triển khai ngay trong năm nay và dự kiến hoàn thành giai đoạn đầu vào quý 1-2019. Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, đơn vị cũng đang ráo riết thực hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu tập trung ở các đảo xa. Theo Phó Tổng giám đốc EVN SPC Nguyễn Phước Đức, đơn vị đang thực hiện mời thầu Dự án Lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại Côn Đảo giai đoạn 1 có công suất 1,5MW, triển khai trong năm 2017. Tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), EVN SPC đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc doanh nghiệp đua nhau lập kế hoạch, cam kết đầu tư và trực tiếp đầu tư vào năng lượng tái tạo xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết là do nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi nguồn cung từ nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ và cạn kiệt. Bên cạnh đó, công nghệ bước vào giai đoạn chín muồi giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn, đồng thời thu hẹp chênh lệch chi phí năng lượng quy dẫn (LCOE) so với nhiệt điện. Ví dụ, cách đây vài năm, chi phí sản xuất điện gió khoảng 3.500 đồng/kWh thì nay giảm xuống còn 2.200 - 2.500 đồng. Và với xu thế này sẽ tiếp tục xuống thấp, thuận tiện hơn cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm

Trước đó, để tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai, ngày 11-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó quy định giá mua đối với toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy điện mặt trời nối lưới là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương 9,35 cent/kWh. Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời này cũng phần nào tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Chưa kể, dự kiến Chính phủ sẽ cân nhắc việc tăng giá điện gió để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nhằm hoàn thành mục tiêu tổng công suất 6.000MW vào năm 2030 cũng tạo thêm động lực thu hút đầu tư.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) Ngụy Thị Khanh, có một văn bản chính sách khác là “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng phê duyệt tháng 11-2015. Theo đó, vào năm 2030, điện từ mặt trời, gió và sinh khối đã là 88 tỷ kWh và đến năm 2050 lên đến 348 tỷ kWh, nhiều hơn gấp đôi điện từ các nguồn này sản xuất trong năm 2015. Nếu theo văn bản này, Việt Nam có thể giảm các nhà máy điện đốt than nhờ sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo một nghiên cứu do GreenID thực hiện năm 2015, khi đánh giá lại nhu cầu tăng trưởng điện, nếu chọn kịch bản tăng trưởng GPD 7%/năm và xem xét tiềm năng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam vào năm 2030 khoảng 47 tỷ kWh, có thể giảm nhu cầu điện khoảng 30% so với kịch bản quy hoạch của Quy hoạch điện VII. Điều này đồng nghĩa với việc có thể chưa cần thiết phải xây mới khoảng 30.000MW nhiệt điện đốt than, tương đương với vốn đầu tư khoảng 45 tỷ đô la Mỹ và thay vào đó đầu tư vào công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ít tác động xấu tới môi trường. Nhiều nước trên thế giới vẫn tăng trưởng kinh tế trong khi tiêu thụ điện giảm. Vì vậy, cần thiết xem xét các phương án khác, đặt ưu tiên trước hết cho các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng kinh tế sang sử dụng ít năng lượng như khai thác lợi thế của các ngành dịch vụ, du lịch, hạn chế các ngành sử dụng nhiều năng lượng và tạo áp lực lớn cho môi trường như thép, xi măng, khoáng sản, nhiệt điện. Đồng thời, có chính sách phù hợp để khai thông và tạo điều kiện huy động các nguồn lực trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo để bổ sung vào hệ thống điện quốc gia.

Tin cùng chuyên mục