Phát triển ngành bán lẻ nội địa

Ngành bán lẻ hiện đang là một trong 6 ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, cùng với việc thu hút mạnh vốn FDI trong lĩnh vực này, doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước cũng đang gặp phải nhiều áp lực cạnh tranh, nhất là tại khu vực TPHCM. 
Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cả nước nhờ chuẩn bị nguồn hàng và dự báo tốt

Dư địa phát triển thị trường bán lẻ quá lớn

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết công tác hỗ trợ mặt bằng cho các DN phân phối được triển khai đã giúp hệ thống phân phối phát triển nhanh, theo xu hướng hiện đại. Số lượng DN khu vực bán lẻ tăng trưởng bình quân 10,87%/năm đã góp phần làm tăng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng thương mại (số lượng chợ chiếm 2,8%, siêu thị chiếm 22%, trung tâm thương mại chiếm 23% cả nước). Đến nay, TP đã phát triển được 239 chợ, 216 siêu thị, 44 trung tâm thương mại và 2.065 cửa hàng tiện lợi. 

Các giải pháp phát triển thị trường bán lẻ thông qua các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường đã giúp DN ngày càng lớn mạnh, có nhiều kinh nghiệm và giải pháp để ổn định thị trường, giúp thị trường phát triển, hạn chế tối đa sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước. Giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu đã được vận hành theo quy luật thị trường, không còn hiện tượng đầu cơ, găm hàng, sốt giá.

Đại diện Saigon Co.op cho rằng, về cơ bản, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Phần lớn các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các TP lớn. Chính vì thế, thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ. Theo dự báo, đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị. Số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 và cửa hàng tiện ích lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn...

Cần giải pháp phát triển bền vững cho DN nội

Bên cạnh việc thu hút vốn FDI trong lĩnh vực này, TP cần tính đến những chính sách hỗ trợ DN bán lẻ nội địa phát triển tương xứng. Bởi, việc phát triển hệ thống phân phối hiện đại nội địa không những chỉ thực hiện vai trò phân phối đơn thuần mà còn tham gia góp phần bình ổn giá cả thị trường. Thông qua vai trò dẫn dắt giá cả thị trường, gắn việc triển khai thực hiện với những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Đơn cử, với Saigon Co.op, việc triển khai chương trình “Xây dựng nông thôn mới”; chương trình thực thi ký kết phát triển giữa TPHCM và các tỉnh thành bạn; chương trình liên kết thu mua, nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng đầu ra… đã và đang kích thích nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong cả nước. Kết quả, hàng trăm ngàn tấn hàng trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng đã được thực hiện trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế các tỉnh, các vùng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. 

Do vậy, để hỗ trợ DN nội mở rộng hệ thống bán lẻ, TP cần phải tập trung hỗ trợ 4 vấn đề quan trọng là phát triển nguồn nhân lực, đầu tư, chính sách thuế và vốn, công tác thông tin tuyên truyền. Cụ thể, với phát triển nguồn nhân lực, cần đưa ra các chương trình hỗ trợ, quy hoạch phát triển thích hợp (ví dụ, chương trình khuyến thương); các nội dung có thể giúp nâng cao năng lực chuyên môn và cạnh tranh của ngành bán lẻ. Còn với giải pháp hỗ trợ đầu tư, cần tập trung vào các khía cạnh liên quan tới quy định pháp luật về mở cửa thị trường, cam kết đầu tư và hỗ trợ trực tiếp cho ngành bán lẻ nội địa để nâng cao năng lực cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài. 

Riêng với chính sách hỗ trợ thuế và vốn, cần chú trọng đến hỗ trợ tài chính liên quan đến các chi phí về mặt bằng, về tiếp cận nguồn vốn giá hợp lý, các vấn đề về thuế, phí... Tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Biện pháp ưu đãi về tài chính (nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay kinh doanh bán lẻ, đặc biệt là các gói vay cho các chủ thể bán lẻ thuộc diện DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hoặc các cơ sở kinh doanh cá thể); tận dụng các cơ chế hỗ trợ tài chính được thiết kế cho DN nhỏ và vừa (trong dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa), hướng dẫn chi tiết cho trường hợp DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực bán lẻ để tạo ra cơ chế bảo lãnh tín dụng, tiếp cận các quỹ tài chính. Tiếp tục các nỗ lực cải cách thuế, phí. Liên quan tới ngành bán lẻ, vấn đề thuế, phí có thể có một số đặc thù, vướng mắc riêng, như trong quá trình kê khai và nộp thuế của các chủ thể kinh doanh bán lẻ, nên có các biện pháp kỹ thuật nhằm xử lý, loại bỏ các vướng mắc này. 

Cuối cùng là hỗ trợ DN đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại. Tuyên truyền, truyền thông đến người dân TP các vấn đề về việc tiêu dùng các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt tiêu chuẩn do cơ quan quản lý chất lượng chứng nhận. Nâng cao nhận thức người tiêu dùng lựa chọn thông minh sản phẩm có lợi cho sức khỏe cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục