Phát triển nền y học tự cường của dân tộc

Báo SGGP số ra từ ngày 3 đến 7-12 có loạt bài Bảo tồn và phát huy giá trị của cây thuốc Việt, phản ánh những thực trạng và ghi nhận một số điểm sáng trong bảo tồn cây thuốc quý...

Phản hồi về loạt bài này, các ý kiến chuyên gia khẳng định, hướng đi đúng đắn và phù hợp cho ngành dược Việt Nam chính là dựa vào nguồn cây thuốc trong nước. Đây cũng sẽ là con đường thuận lợi và nhanh chóng đưa ngành dược Việt Nam đón đầu hội nhập quốc tế.

TS TRƯƠNG QUỐC CƯỜNG - Thứ trưởng Bộ Y tế: Tập trung các giải pháp đưa dược liệu thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam

Để có thể đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành dược Việt Nam, chúng ta cần quy hoạch nhiều vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu; phù hợp với nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới; dựa vào lợi thế các vùng truyền thống của các cộng đồng miền núi của Việt Nam và các nghiên cứu của các nhà khoa học.

Bên cạnh việc nuôi trồng, chúng ta cần đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển nguồn gien dược liệu. Cần chứng minh, xác định được nguồn gien nào là tốt nhất, từ đó triển khai các biện pháp phục tráng giống, thuần hóa giống, nhập nội giống. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để tạo ra các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất dược liệu.  

Để đảm bảo nguồn dược liệu chất lượng cao, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt trồng trọt và thu hái (GACP). GACP bao gồm 2 nội dung chính là thực hành tốt trồng cây dược liệu (GAP) và thực hành tốt thu hái cây dược liệu hoang dã (GCP).

Phát triển nền y học tự cường của dân tộc ảnh 1 Bệnh nhân điều trị kết hợp Đông - Tây y tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM . Ảnh: THÀNH AN
GACP có vai trò rất quan trọng để tiêu chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào sử dụng trong quá trình sản xuất thuốc, giúp giải quyết được 2 vấn đề bất cập nhất hiện nay liên quan đến chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu.

Đó là tình trạng không kiểm soát được tính đúng (dược liệu vốn rất khó khăn trong kiểm soát chất lượng, chủ yếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm); không có khả năng truy nguyên nguồn gốc xuất xứ (do thực trạng việc thu mua dược liệu hiện nay chủ yếu thông qua lái buôn làm trung gian, nên không biết rõ được nguồn gốc chính xác). 

TS TRƯƠNG THỊ NGỌC LAN - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM: Kết hợp Tây y để phát huy tối đa hiệu quả của y học cổ truyền

Hầu hết bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh tại Viện Y dược học dân tộc trước tiên sẽ được chẩn đoán theo Tây y bằng các thiết bị y học hiện đại như X-quang, siêu âm, thử máu… để xác định bệnh. Sau đó, một số bệnh sẽ được điều trị đơn thuần bằng y học cổ truyền (YHCT), một số bệnh sẽ được dùng phác đồ Đông - Tây y phối hợp. Ví dụ một bệnh nhân mắc bệnh đau lưng kèm cao huyết áp, các bác sĩ sẽ kê đơn điều trị cao huyết áp bằng Tây y, còn đau lưng sẽ điều trị hoàn toàn bằng YHCT.

Cả Đông y và Tây y đều có sở trường riêng, kết hợp sở trường của từng lĩnh vực sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn trong điều trị bệnh. Tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, việc kết hợp các liệu pháp Đông - Tây y cho bệnh nhân ung thư cho kết quả tốt, khi có 92,3% bệnh nhân cảm thấy hết mệt mỏi; 90% hết táo bón; 85% có cảm giác thèm ăn, bớt đắng miệng, ăn ngon hơn và mau tiêu; 87% ngủ tốt, giảm suy nhược thần kinh; 84% bớt cảm giác đau, đa số tăng cân... Đây là hướng đi đúng đắn, hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhằm phát huy tối đa hiệu quả của YHCT. 

Ông PHÙNG MINH DŨNG -Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược trung ương Mediplantex: Tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa dược liệu và thuốc YHCT

 Việc sử dụng dược liệu và thuốc Đông dược có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng có xu hướng phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng dược liệu và vị thuốc YHCT còn một số tồn tại, khó khăn. Bởi lẽ, hiện nay dược liệu thu hái và trồng trong nước chủ yếu là thuốc nam quy mô nhỏ lẻ, năng suất không cao và chất lượng dược liệu chưa được đảm bảo.

Trong khi dược liệu nhập khẩu, phần lớn từ Trung Quốc (chiếm hơn 80%), có nguồn gốc không rõ ràng, dễ nhầm lẫn về loài. Một số tư nhân mua bán trao đổi trực tiếp với các thương nhân Trung Quốc qua con đường biên mậu không chính thức, nên dược liệu trôi nổi không xác định nguồn gốc và chất lượng không đảm bảo. 

Để phát triển và bảo đảm nguồn dược liệu phục vụ cho việc sản xuất thuốc, cũng như nâng cao hiệu quả điều trị, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát của Nhà nước, trong đó vai trò của Bộ Y tế cần đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng dược liệu và thuốc YHCT, cũng như giám sát các cơ sở sản xuất và buôn bán dược liệu.

Có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị đã đầu tư và có đủ điều kiện chế biến, kiểm nghiệm, bảo quản dược liệu theo nguyên tắc GMP, GSP, GLP.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển nguồn gien dược liệu. Tăng cường công tác tiêu chuẩn hóa dược liệu và thuốc YHCT, thường xuyên bổ sung thêm các tiêu chí, tiêu chuẩn để công tác kiểm tra chất lượng dược liệu, Đông dược được chặt chẽ hơn.

Cử các đơn vị đạt tiêu chuẩn GMP, GSP, GLP làm đầu mối nhập khẩu các dược liệu thuốc bắc từ Trung Quốc và phân phối lại cho các cơ sở có nhu cầu trong nước, nhằm tăng cường công tác quản lý tận gốc nguồn cung cấp dược liệu và thuốc YHCT. Điều chỉnh các cơ chế đấu thầu cung ứng dược liệu, vị thuốc YHCT vào các cơ sở điều trị bằng YHCT công lập, sao cho phù hợp giữa chất lượng và giá cả.

Tin cùng chuyên mục