Phát triển khu công nghệ thông tin: Cần cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 154/2013/NĐ-CP quy định về khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung và 4 năm triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Chuyên gia nước ngoài tìm hiểu mô hình hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung
Chuyên gia nước ngoài tìm hiểu mô hình hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung

 Tại đây, lần đầu tiên vấn đề quy hoạch và phát triển khu CNTT được mổ xẻ một cách kỹ lưỡng.

Điểm sáng Công viên phần mềm Quang Trung


Đến nay, cả nước đã có 4 khu CNTT tập trung, gồm: Công viên phần mềm (CVPM) Quang Trung (TPHCM), Công viên phần mềm Đà Nẵng; Khu CNTT tập trung Cầu Giấy (Hà Nội), Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm, với sự định hướng đúng đắn trong việc quy hoạch và phát triển các khu CNTT tập trung của Chính phủ, đến nay các khu CNTT tập trung đã có những kết quả ấn tượng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu hút sự đầu tư của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp CNTT của Việt Nam. Trong đó tiêu biểu là CVPM Quang Trung. Số liệu của Bộ TT-TT cho thấy, CVPM Quang Trung hiện đã có 160 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT và các doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 2.600 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 của các doanh nghiệp CNTT hoạt động tại CVPM Quang Trung ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2014; trong đó thị trường xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt gần 350 triệu USD, tăng 38,7% so với năm 2017.

Với thành công của CVPM Quang Trung, ngày 3-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 333/QĐ-TTg thí điểm thành lập “Chuỗi CVPM Quang Trung”, trong đó kết nạp Khu CVPM Đại học Quốc gia TPHCM tham gia vào Chuỗi CVPM Quang Trung. Từ sau khi trở thành thành viên của Chuỗi CVPM Quang Trung, Khu CVPM Đại học Quốc gia TPHCM đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành nơi ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho thành phố. 

Bên cạnh thành công của khu CVPM Quang Trung, Khu CVPM Đà Nẵng cũng gặt hái những thành công khá ấn tượng thời gian qua. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu CVPM Đà Nẵng là 1.800 tỷ đồng năm 2018, với 75 doanh nghiệp đang hoạt động và hiện nay không còn không gian để thu hút thêm doanh nghiệp. Khu CNTT tập trung Cầu Giấy hiện là nơi quy tụ các doanh nghiệp CNTT tiêu biểu của cả nước (FPT, CMC, Misa…). Các doanh nghiệp tại đây cung cấp đa dạng các sản phẩm CNTT cho cả nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Riêng CVPM Hà Nội lại được triển khai đầu tư rất chậm, hiện nay chưa thể đi vào hoạt động mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ năm 2016 và có diện tích lớn hơn 40ha.

Chính sách thiếu đồng bộ

Báo cáo của Vụ CNTT (Bộ TT-TT) đã chỉ ra những vấn đề lớn trong thực thi chính sách phát triển khu CNTT tập trung. Đó là quy hoạch chưa phát huy được vai trò định hướng và huy động nguồn lực đầu tư phát triển; các chính sách pháp luật thiếu đồng bộ; thiếu nguồn lực đầu tư phát triển khu CNTT tập trung; sự phát triển nhanh của thực tiễn so với chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến mô hình và tiêu chí khu CNTT tập trung… Đại diện của CVPM Quang Trung và CVPM Đà Nẵng đều mong muốn khu CNTT tập trung được coi là khu công nghệ cao để được hưởng các ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… 

Liên quan đến thu hút đầu tư khu CNTT tập trung, đại diện khu CVPM Quang Trung cho biết, hiện nay không có sự khác biệt ưu đãi về chính sách giữa doanh nghiệp CNTT hoạt động trong khu và ngoài khu. Sự ưu đãi chính là sự hỗ trợ của CVPM Quang Trung dành cho doanh nghiệp trong khu. Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tự do sáng tạo, tạo môi trường cho các hoạt động thử nghiệm công nghệ. Cơ chế này phải nhanh, thật sự thông thoáng để giúp doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm mẫu. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp muốn thử nghiệm thiết bị bay thì không biết xin phép cơ quan nào. Do đó, Chính phủ nên giao hẳn những thẩm quyền cấp phép này cho một cơ quan, đơn vị cụ thể, để các doanh nghiệp không phải đi đến quá nhiều bộ, ngành.

Thứ trưởng Phan Tâm thừa nhận, sau 5 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được thì Nghị định 154 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của giới doanh nghiệp. Do đó, Nghị định 154 sửa đổi cần phải có những cơ chế chính sách hấp dẫn hơn. Bộ TT-TT sẽ cố gắng để Nghị định 154 sửa đổi được đưa vào chương trình công tác của Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Nghị định 154 để cập nhật tình hình thực tế mới, phù hợp với những chính sách mới ban hành như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai… Song song với đó, Bộ TT-TT sẽ làm việc với từng bộ, ngành để phối hợp hướng dẫn triển khai một cách đồng bộ các chính sách với khu CNTT tập trung. Đồng thời, Bộ TT-TT sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy hoạch tổng thể triển khai khu CNTT tập trung trên cả nước; xây dựng chiến lược để làm sao thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn ưu tiên đầu tư vào hạ tầng khu CNTT tập trung.

Tin cùng chuyên mục