Phát huy vai trò của cấp ủy trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Tại hội nghị về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” do Quận ủy quận Thủ Đức tổ chức sáng 1-11, nhiều ý kiến nhìn nhận, để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài và phức tạp trong thời gian qua, trách nhiệm lớn thuộc về cấp ủy và chính quyền. 
Quá trình triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) vướng phải nhiều khiếu nại của người dân có đất bị thu hồi
Quá trình triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức) vướng phải nhiều khiếu nại của người dân có đất bị thu hồi

Một trong những giải pháp trọng tâm đặt ra trong thời gian tới là từng chi bộ, đảng viên phải thực sự phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, không để thiếu sót, tiêu cực xảy ra; cầu thị, lắng nghe và giải quyết ngay các nguyện vọng chính đáng của người dân… 

Chính sách bất cập, cán bộ chưa sâu sát

Nêu thực trạng tại quận Thủ Đức, ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, cho biết Thủ Đức đang có nhiều dự án bị chậm tiến độ. Nguyên nhân chậm, theo ông Phước, phần lớn do người dân có đất bị ảnh hưởng trong các dự án chậm giao mặt bằng, liên tục khiếu nại về đơn giá bồi thường đất, vật kiến trúc bị giải tỏa; chính sách tái định cư chưa phù hợp… Qua công tác thụ lý, giải quyết hồ sơ khiếu nại cho thấy, có những nội dung chính quyền làm đúng nhưng khiếu nại của người dân vẫn có lý. Bất cập này xuất phát ở chỗ một số quy định trong luật chưa sát với thực tế.

Dẫn chứng điều này, ông Phước nói: “Luật Đất đai năm 2003 và 2013 quy định, khi Nhà nước thu hồi đất thì bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Với quy định như trên thì nhà, đất của các hộ dân được xem là tài sản có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít người dân khi cầm số tiền bồi thường mua được đất, nhà mới, vì giá thị trường luôn cao hơn. Bị thiệt thòi, lúc này người dân khiếu nại”. Tương tự, chính sách hỗ trợ, đào tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi cũng tồn tại nhiều bất cập. Hiện Nhà nước chỉ hỗ trợ trong một thời gian ngắn, với quy định này, những hộ dân lớn tuổi không đảm bảo được nguồn sinh kế, dẫn đến khiếu nại.  

Một trong những nguyên nhân khác khiến người dân bức xúc, khiếu nại, khiếu kiện nhiều trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư, theo bà Nguyễn Thị Tư, Bí thư Chi bộ khu phố 2 phường Linh Đông, là do cán bộ một số nơi làm việc thiếu khoa học, không trình tự, yếu nghiệp vụ.

“Trong dự án Vành đai 2, nhiều trường hợp người dân khiếu nại đơn giá bồi thường do thấy kết quả các lần đo diện tích đất, nhà bị giải tỏa có sự chênh lệch. Đương nhiên, kết quả đo cuối cùng là kết quả chính xác và có giá trị, tuy nhiên người dân vẫn căn cứ vào kết quả đo cũ để khiếu nại, chính quyền phải mất nhiều thời gian để giải quyết. Nếu cán bộ làm việc khoa học, những khiếu nại kiểu này sẽ không phát sinh”, bà Nguyễn Thị Tư nói. 

Cấp ủy phải phát huy vai trò hạt nhân chính trị

Ông Trần Minh Thơ, Trưởng phòng Bồi thường và hỗ trợ tái định cư (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM), cho biết phần lớn các bức xúc, khiếu nại của người bị thu hồi đất do các nguyên nhân: Chưa nắm rõ kiến thức pháp luật, hiểu vấn đề sai lệch dẫn đến thưa kiện; một số chính sách tái định cư chưa hợp lý; có lúc, có nơi cán bộ làm việc chưa hết trách nhiệm… Để kéo giảm tình trạng này, ông Thơ cho rằng khi tiến hành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các bộ phận, các khâu phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của người đứng đầu; xây dựng nguồn quỹ nhà tái định cư phải trong tư thế sẵn sàng, đảm bảo điều kiện sống cho người dân. 

Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức, cho rằng để kéo giảm khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cần phải làm tốt công tác nắm tình hình trong dân, trong đó phải phát huy vai trò của cấp ủy đảng. Mỗi chi bộ, đảng viên phải thực sự phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

“Nắm tình hình ở đây là phát huy vai trò giám sát, phản biện, tương tác với người dân, người bị thu hồi đất, qua đó kịp thời định hướng, hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, bức xúc ngay khi mới phát sinh”, Đại tá Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Phó Bí thư quận ủy - Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Thanh Minh kiến nghị UBND TPHCM  rà soát lại các quy định theo thẩm quyền và thực hiện việc phân cấp cho quận/huyện để xử lý, nhằm nâng cao tính chủ động ở cơ sở, tránh việc để kéo dài các thủ tục gây bức xúc trong dân.

Tin cùng chuyên mục