Phát huy truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

Nhiệm kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp với nhiều thành tựu phật sự quan trọng được ghi nhận, đánh dấu một chặng đường phát triển trên nhiều lĩnh vực của Phật giáo Việt Nam. 
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

Trước thềm Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại thủ đô Hà Nội, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về những thành tựu trên các mặt hoạt động phật sự đạt được nhiệm kỳ qua.

* PHÓNG VIÊN: Xin Hòa thượng cho biết khái quát về những thành tựu phật sự nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là gì?

- Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN: Có thể nói, nhiệm kỳ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong 5 năm qua đã thực hiện thành công nhiều chương trình hoạt động phật sự. Cụ thể là đã hoàn tất công tác thành lập hội Phật giáo tại 63/63 tỉnh, thành; tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm mang tính khoa học và chuyên ngành về tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, hướng dẫn phật tử, văn hóa, từ thiện xã hội, các công trình nghiên cứu Phật học cho đến quan hệ quốc tế. GHPGVN còn ký kết hợp tác với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) trong việc phóng sinh các giống cá bảo vệ nguồn thủy sản; ký kết hợp tác với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; hoàn thành nhiều công trình lớn tại các tỉnh, thành hướng đến chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII… Các hoạt động phật sự trên đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển ổn định, bền vững GHPGVN.

Các hoạt động xã hội, từ thiện cũng khá nổi bật, mang lại ý nghĩa xã hội sâu sắc, thu hút được nhiều tăng ni, phật tử và các giới đồng bào trong xã hội tích cực tham gia. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Giáo hội đã vận động được hơn 6.345 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Nguồn lực vật chất to lớn trên đã được chuyển đến cho nhiều địa phương trong cả nước, thiết thực cứu giúp người dân thoát khỏi nghèo khó, khắc phục thiệt hại do bão lũ, thiên tai gây ra trong những năm qua…

* Vai trò của GHPGVN trong những năm qua được khẳng định qua những đóng góp nào, nhất là đối với việc góp phần vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng chính quyền vững mạnh, thưa Hòa thượng?

- Với trách nhiệm và bổn phận của công dân với đất nước, Trung ương Giáo hội và Giáo hội Phật giáo các cấp đã vận động tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; đồng thời giới thiệu nhiều tăng ni, phật tử tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các đại diện thành viên của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương đều tham gia vào Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Ngoài ra, còn có nhiều tăng ni, phật tử tham gia các cấp Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Khuyến học… Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình người tốt việc tốt, tấm lòng vàng giàu lòng nhân ái… được Nhà nước và chính quyền các cấp tặng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen và GHPGVN tặng bằng tuyên dương công đức. Tất cả những cống hiến trên khẳng định một tinh thần của tăng ni, phật tử GHPGVN luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đã và đang tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng toàn dân hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, giàu đẹp và tiến bộ.

* Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được xác định chủ đề và mục tiêu hướng đến là gì, thưa Hòa thượng?

- Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện quyết tâm nhìn nhận một cách nghiêm túc, khách quan và trung thực về những mặt tồn đọng, thực trạng hạn chế để hoàn thiện các mặt công tác Phật sự cho cả nhiệm kỳ. Chính vì vậy, chủ đề Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được đặt ra là: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”. Đây là chủ đề có tầm chiến lược phát triển bền vững của GHPGVN trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng. Để cụ thể hóa chủ đề trên, đại hội sẽ thảo luận, quyết định mục tiêu hướng đến của nhiệm kỳ VIII với 9 nội dung trọng tâm. Trong đó tập trung vào phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh, trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng của Đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử, định hướng tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội; nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương thức giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng ni của GHPGVN; giữ vững và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam gắn giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới, kết nối chặt chẽ với các hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài…

* Hòa thượng có cảm nghĩ, kỳ vọng gì ở Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII?

- Tôi hoàn toàn tin tưởng vào nhiệm kỳ mới, với sức mạnh đồng tâm hiệp lực phục vụ đạo pháp và dân tộc của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, cũng như các cơ quan, ban ngành hữu trách các cấp và nhân dân cả nước, nhất định sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân loại của GHPGVN sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đạt được những thành quả to lớn, sâu sắc, bền vững và tốt đẹp hơn nữa.

* Trân trọng cảm ơn Hòa thượng.

Tin cùng chuyên mục