Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: “Cày” thêm giờ giải quyết việc dân

Nhiều đơn vị cấp cơ sở là phường - xã - thị trấn đã thực hiện các giải pháp, mô hình cải cách hành chính cụ thể, qua đó tạo thêm thuận lợi cho người dân thực hiện một số thủ tục hành chính. Đặc biệt, một số nơi còn xây dựng, thực hiện các giải pháp khác hướng đến mục tiêu: Người dân ở đâu, lúc nào, cũng có thể nộp hồ sơ, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. 

Làm ngoài giờ nhưng lệ phí không tăng

Hơn 18 giờ ngày thứ ba 6-11, đèn trong trụ sở UBND phường 15 quận Bình Thạnh (TPHCM) vẫn sáng. 2 nhân viên bộ phận tư pháp hộ tịch và sao y chứng thực đang tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người dân điền các thông tin giấy tờ.

Ông Lê Văn Minh (ngụ khu phố 6, phường 15) vừa nhận kết quả sao y, nói: “Chưa tới 15 phút, tôi đã nhận lại được hồ sơ. Ban ngày tôi không có thời gian, mà ngày mai là hạn cuối nộp giấy tờ cho cháu ở trường, may nhờ phường này làm thêm giờ nên tôi kịp chứng thực hồ sơ”.

Giải quyết thủ tục hành chính tính bằng… giờ

UBND phường Phú Mỹ (quận 7) cấp giấy đăng ký khai sinh trong thời gian chỉ có 4 giờ làm việc. Phường phân công công chức trực để hướng dẫn thủ tục giải quyết hồ sơ hành chính của phường (qua số điện thoại 37851900); người dân trước khi ghé UBND phường, có thể gọi điện để được hướng dẫn về các giấy tờ cần phải nộp, tránh phải đi lại nhiều lần. Ngay khi nhận hồ sơ đầy đủ, công chức hoàn tất thủ tục, trình Chủ tịch UBND phường ký giấy khai sinh và trả hồ sơ trong thời gian 4 giờ làm việc (quy định là trong ngày làm việc).

Bà Trần Thị Diễm Hà (quận 2) cũng đi chứng thực giấy tờ ở phường 15 quận Bình Thạnh cho biết, bà phải làm việc văn phòng trong suốt giờ hành chính. May mắn, nơi bà làm việc lại gần UBND phường 15 nên sau giờ làm việc bà ghé qua chứng thực giấy tờ làm thủ tục cho con đi du học được. “Họ làm ngoài giờ nhưng lệ phí vẫn không tăng”, bà Hà ngạc nhiên.

Công chức Nguyễn Thị Trung Tính chia sẻ, ngoài thời gian làm thêm giờ theo ca làm việc, cô và một số công chức khác cũng “ở lì” ngoài giờ trong những ca làm việc khác. Các bạn hăng hái đến tận nhà dân trao trả giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), sổ hộ khẩu hoặc thăm hỏi người dân.

“Em chưa có gia đình và ở trọ gần phường nên em có nhiều điều kiện tình nguyện làm thêm. Những nụ cười, cái gật đầu hài lòng của người dân là phần thưởng lớn cho cá nhân em”, Trung Tính bày tỏ.

Tương tự, UBND phường 6 quận 4 hiện cũng giải quyết một số thủ tục hành chính đến 18 giờ, vào ngày thứ hai hàng tuần. Mặc dù phường thông báo chỉ phục vụ đến 18 giờ nhưng rất nhiều ngày, phường vẫn tiếp nhận xử lý hồ sơ của người dân đến gần 19 giờ. Mô hình này đã giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh bất ngờ của người dân trong khai sinh, khai tử.

Cũng ở quận 4, vào các ngày thứ hai, thứ năm, UBND phường 2 mở cửa đến 19 giờ để… chờ người dân. Nhiều công chức thuộc UBND phường 16 của quận này cũng làm ngoài giờ 2 tiếng định kỳ 1 ngày/tuần để chứng thực, thực hiện thủ tục về hộ tịch, địa chính xây dựng, BHYT và làm thông tầm các trưa thứ ba, thứ năm để giải quyết các thủ tục cho người dân. 

Nâng chất phục vụ

Mô hình làm thêm ngoài giờ hành chính được chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi triển khai, như ở phường Bến Thành (quận 1), các phường Linh Xuân, Linh Trung (quận Thủ Đức)… Bà Lê Thị Nghĩa, Chủ tịch UBND phường 2 quận 4, nhận xét ngày càng nhiều người dân đến làm thủ tục ngoài giờ hành chính.

“Thời gian làm ngoài giờ tập trung giải quyết các hồ sơ chứng thực, khai sinh, khai tử nên thời gian trả hồ sơ nhanh. Điều này giúp người dân thấy hài lòng hơn”, bà Nghĩa nhận xét. 

Tại phường Tân Kiểng (quận 7), ngày 20-10-2018, chủ đầu tư chung cư M-One tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất để bầu Ban quản trị. Tuy nhiên, hội nghị không thành công do tỷ lệ các hộ dân tham dự chỉ đạt 25%. Nhằm đảm bảo tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần 2 đúng quy định, UBND phường Tân Kiểng đã cử công chức Tư pháp và công chức Văn phòng - Thống kê  trực tiếp đến chung cư M-One để tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thực hiện việc ủy quyền tham gia Hội nghị nhà chung cư lần 2.

Để có thể tiếp xúc với nhiều người dân, công chức phường đã đến ngoài giờ hành chính, từ 18 giờ đến 19 giờ các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 1-11 cho đến khi chung cư tổ chức được Hội nghị nhà chung cư lần thứ 2. 

Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: “Cày” thêm giờ giải quyết việc dân ảnh 1 Nụ cười của ông Lê Văn Minh khi được UBND phường 15 quận Bình Thạnh giải quyết hồ sơ nhanh chóng ngoài giờ hành chính. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường 15 quận Bình Thạnh, cho biết 17 giờ - 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, cán bộ, công chức phường chia ca làm ngoài giờ hành chính phục vụ người dân. Mỗi một ca làm việc đều có lãnh đạo phường cùng công chức chuyên môn tham gia. Mô hình này nhằm phát huy tinh thần tình nguyện của công chức trẻ, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân.

Cũng theo bà Ngọc, hiện phường có hơn 10 giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. “Chúng tôi rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký sửa chữa nhà từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Phường cũng đang có kế hoạch giảm thời gian xác nhận tình trạng hôn nhân từ 3 ngày xuống 1 ngày”, bà Ngọc thông tin.

Cũng tham gia mô hình “cày” ngoài giờ hành chính, từ 17 giờ đến 19 giờ vào các ngày thứ hai và thứ sáu, UBND phường Linh Xuân tập trung giải quyết các thủ tục khai sinh, kết hôn, khai tử, trích lục bản sao; cấp, đổi, trả thẻ BHYT; hồ sơ lĩnh vực nhà đất như số nhà, xác nhận vị trí và tình trạng nhà đất; hỗ trợ hướng dẫn hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất; hồ sơ chứng thực sao y bản chính, chữ ký.

Ông Trần Duy Long, Chủ tịch UBND phường Linh Xuân, thông tin phường sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, như triển khai hệ thống lấy số thứ tự giao dịch tự động có tích hợp chức năng tra cứu thông tin, thủ tục, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính…

Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền, phường sẽ thực hiện đơn giản hóa thành phần hồ sơ để rút gọn tối đa thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đây là những công việc để “lấy đà” cho việc phường tiến đến tiếp nhận hồ sơ hành chính bất kể người dân của phường đang ở đâu, vào lúc nào.

“Chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân”, ông Long nhấn mạnh, phường sẽ dựa vào thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân để đánh giá chất lượng cán bộ, công chức. Giải pháp này sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức ở phường, đảm bảo phục vụ người dân tốt hơn.

Chính quyền thân thiện

Không những tiếp nhận và trả hồ sơ ngoài giờ hành chính, nhằm xây dựng chính quyền thân thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, UBND phường Tân Thuận Tây (quận 7) còn gửi thư chia buồn với những gia đình có việc tang, gửi thư chúc mừng tới người dân khi kết hôn, sinh con. Phía sau thư chúc mừng gia đình có thêm thành viên mới, phường còn hướng dẫn cụ thể những điều cần biết khi chăm sóc trẻ: làm thẻ BHYT miễn phí tại phường; đưa trẻ đi khám định kỳ, tiêm chủng, uống vitamin tại đâu…

Phường Tân Thuận Tây còn cử cán bộ đến tận nhà dân để trả kết quả đăng ký kết hôn. “Việc gửi thư chúc mừng, thư chia buồn cũng góp phần tạo mối quan hệ gần gũi và gắn kết hơn giữa chính quyền và người dân, góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền, người cán bộ, công chức gần gũi, thân thiện trong phục vụ nhân dân”, ông Tô Đình Nhã, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Tây, chia sẻ.

Trong khi đó, UBND phường 8 quận 8 cũng đang xây dựng chương trình mời người dân góp ý, hiến kế cho phường. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường 8, việc ghi nhận hiến kế của người dân và làm theo người dân góp ý chính là một hình thức cải cách gắn với dân, đến với dân. Hình thức này xuất phát từ một số câu chuyện thực tế đã xảy ra tại địa phương và phường cũng có sự vận dụng sáng tạo để giải quyết bức xúc của người dân.

Cụ thể, nhà của 13 hộ dân sống dọc đường Hưng Phú (đoạn gần cầu Chữ Y) hơn 20 năm qua không có hệ thống thoát nước, nước thải sinh hoạt xả lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do qua nhiều lần nâng đường, đường cao hơn nhà, hệ thống thoát nước bên ngoài bị bít lại. Việc thiết kế hệ thống thoát nước mới gặp khó khăn trong kết nối. Mới đây, quận và phường cùng người dân bàn bạc và thống nhất: đấu nối hệ thống thoát nước vào trường tiểu học gần đó. Chính quyền chịu 70% kinh phí (khoảng 300 triệu đồng) và người dân góp 30% (hơn 8 triệu đồng/hộ). Hiện nay, công trình đã hoàn thành, tình trạng ô nhiễm được khắc phục.

Trên địa bàn phường, còn có dự án chỉnh trang đô thị đoạn bờ Bắc Kênh Đôi với 172 hộ gia đình bị ảnh hưởng, phải di dời giải tỏa. Trong khi chờ dự án triển khai, nhiều tin đồn thất thiệt về giá đền bù lan rộng. Phường 8 đã tổ chức họp dân thường xuyên để công bố đầy đủ thông tin về tiến độ thực hiện dự án, công khai điện thoại của lãnh đạo phường để người dân khi có khúc mắc thì có thể trao đổi trực tiếp để được giải đáp, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời.

“Cải cách không ở đâu xa mà chính từ nguyện vọng, những vấn đề người dân quan tâm. Đặc biệt, những vấn đề tồn tại nhiều năm thì càng cần cải cách, quyết để giải quyết bức xúc cho người dân”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục