Phân luồng học sinh để nâng cao tay nghề

Vấn đề phân luồng học sinh đã đến lúc phải cấp bách thực hiện. Đây là vấn đề xã hội đã rất “sốt ruột” và được các chuyên gia cảnh báo từ lâu, khi tư tưởng bằng cấp ở nước ta vẫn rất nặng nề, dẫn đến hàng loạt sinh viên đại học ra trường thất nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2018-2025”. Đề án thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng đòi hỏi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho các ngành là việc phân luồng sao cho hiệu quả để lao động đã qua đào tạo có thể chuyển đổi nghề và sống được bằng nghề. 
Ít nhất 40% học sinh THCS được đào tạo nghề
Mục đích đặt ra trong đề án nói trên là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong GDPT, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế. 
Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
Phân luồng học sinh để nâng cao tay nghề ảnh 1 Thầy và trò Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (quận 7, TPHCM) trong giờ thực hành. Ảnh: GIA QUẢNG
Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đạt ít nhất 30%.
Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đạt ít nhất 35%. Chính phủ khẳng định sẽ hỗ trợ thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục được lựa chọn thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
Theo các chuyên gia đầu ngành, vấn đề phân luồng học sinh đã đến lúc phải cấp bách thực hiện. Đây là vấn đề xã hội đã rất “sốt ruột” và được các chuyên gia cảnh báo từ lâu, khi tư tưởng bằng cấp ở nước ta vẫn rất nặng nề, dẫn đến hàng loạt sinh viên đại học ra trường thất nghiệp, trong khi thị trường lao động thì luôn thiếu thợ lành nghề. 
Chất lượng lao động phản ánh trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lao động. Thực tế cho thấy, chất lượng lao động ở ta còn thấp do thiếu đào tạo nghề bài bản.
Sự cạnh tranh khốc liệt ở sân chơi kinh tế, ở đó luật chơi không dành cho những ai không chuẩn bị đầy đủ cho mình tâm thế của người trong cuộc và vào cuộc với tất cả phẩm chất cần có, đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương xây dựng hệ thống chính sách, giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng năng suất lao động, nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa hơn.
Đột phá từ giáo dục nghề nghiệp
Nói về hậu quả của việc phân luồng không thành công, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, phân tích: Nước ta có 53,7 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, nhưng 70% số lao động này làm việc trong khu vực phi kết cấu - khu vực chúng ta gọi là không có quan hệ lao động và rất dễ bị rủi ro cho người lao động.
Đáng lo hơn là tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động trẻ từ 15-24 tuổi chiếm 7,5%. Theo ông, đã đến lúc cần tập trung giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ cho người lao động (bao gồm 2 khu vực: lực lượng lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động; lực lượng lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân), để đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Như vậy, phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề là một trong những giải pháp phải ưu tiên hàng đầu, trong đó có phân luồng học sinh phổ thông.
Trước con số khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định, giáo dục nghề nghiệp có thể là một khâu đột phá để tạo ra việc làm ổn định và bền vững. Muốn thế, trước hết cần tập trung quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.
“Vừa qua chúng ta đã giảm được 252 trung tâm nghề các huyện, 35 trường cao đẳng và công lập hoạt động không có hiệu quả. Tới đây sẽ giảm tiếp những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tình trạng tương tự. Cùng với đó là chuyển hẳn sang đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ, theo đặt hàng trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất. 
Rõ ràng, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phải thực hiện song song việc phân luồng học sinh phổ thông hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Chỉ khi các em được định hướng nghề nghiệp cụ thể, có tay nghề, thay vì mải miết lao vào học đại học để có bằng cấp cho “đẹp”, thì mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhân lực thời 4.0.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, năng suất lao động xã hội năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Mặc dù năng suất lao động Việt Nam có cải thiện đáng kể theo hướng tăng dần của từng năm, nhưng tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 7,2% của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia, 55% của Philippines và 93,2% của Lào.

Tin cùng chuyên mục