Phải rõ chế tài để xử lý gian lận thi cử

Ngày 22-4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Là một dự thảo quan trọng và đã cận kề thời điểm Quốc hội thông qua, song dự luật nhưng vẫn còn quá nhiều ý kiến phản biện.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phải luật hóa tiêu chuẩn cán bộ giáo dục, giáo viên

Hàng loạt vấn đề nóng của ngành giáo dục thời gian qua như gian lận thi cử, bạo lực học đường, khó khăn của giáo viên… được các đại biểu dẫn ra để góp ý với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội (hơn 20 năm làm giáo dục tư thục, tham gia thành lập trường dân lập đầu tiên của Việt Nam) đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung mà dư luận đang rất quan tâm: giáo dục phải được tự chủ về nhân sự và tài chính. Theo đó, ngành giáo dục phải được tự chủ tuyển dụng giáo viên, không qua ngành nội vụ như hiện nay, tương tự như công an, quân đội được tự chủ tuyển dụng. Ngành giáo dục cũng phải được tự chủ về tài chính, nghĩa là ngân sách đầu tư thẳng cho giáo dục, không phụ thuộc Bộ Tài chính.

GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, sửa luật nhưng những gì tinh túy của nền giáo dục thì phải giữ. “Dự thảo này tinh thần học thuật không có. Luật cũng phải thúc đẩy được tinh thần tự do học thuật. Giáo dục là để đất nước phát triển, nguyên lý giáo dục phải rõ ràng. Vì thế, về triết lý giáo dục, đồng tình với phương án 2, tức phải gom vào một điều và phải rõ, không để rải rác trong luật”, ông Nguyễn Đăng Dung nêu ý kiến.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, giáo dục đang được cả xã hội quan tâm, nên các vấn đề trong luật phải rõ ràng, ví dụ như tiêu chuẩn của cán bộ quản lý giáo dục và quyền hạn trách nhiệm của họ; tiêu chuẩn giáo viên… “Thực tế gian lận thi cử vừa qua rất đau lòng, cho thấy luật phải ghi rõ cán bộ quản lý giáo dục quyền được làm gì, trách nhiệm đến đâu, tiêu chuẩn tiêu chí nào để làm cán bộ quản lý giáo dục”, TS Nguyễn Viết Chức nói và cho rằng, bộ máy cái của ngành giáo dục phải là những người có phẩm chất, có trình độ. Không thể chấp nhận hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục lại trực tiếp tham gia vào vụ gian lận thi cử như ở Hòa Bình, Sơn La vừa qua. Muốn thế, luật phải định rõ tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, quyền hạn và trách nhiệm của họ. Tương tự, tiêu chuẩn giáo viên cũng phải rõ, kể cả tiêu chuẩn về ngọai ngữ, đó chính là cơ sở bảo vệ nhà giáo. Không để như hiện nay, cứ đề ra thi công chức rồi đánh trượt giáo viên. Giáo viên hiện nay đi dạy nhưng cứ nơm nớp vì không được bảo vệ. Luật phải bảo vệ được giáo viên, muốn thế tiêu chuẩn giáo viên phải rõ ràng, không để giáo viên phải “chạy” các loại chứng chỉ, văn bằng, rồi khi thi thố họ lại phải kêu cứu. Tiêu chuẩn nhà giáo có thể khắt khe nhưng sẽ bảo vệ được họ.

Chế tài xử lý gian lận phải rõ

Theo PGS-TS Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), luật chưa đề cập được gì đến việc ngăn chặn gian lận thi cử trong thời đại 4.0, mà gian lận thi cử trong năm 2018 là một thực tế nhức nhối. Nếu không có chế tài để xử lý vấn đề này thì tình trạng không thể giải quyết được. Ví dụ gian lận vừa qua dân rất bức xúc, nhưng khi viện dẫn ra luật thì khó xử lý, nhiều cán bộ, thí sinh vẫn đang nhởn nhơ. Cần có chế tài trong việc này, xử nghiêm những trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn để nâng điểm, nâng hạnh kiểm vì tới đây xu hướng là việc xét tuyển ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, luật cũng chưa làm rõ mối quan hệ gia đình - nhà trường, trong khi để nâng cao chất lượng giáo dục, đây là mối quan hệ rất cần được đề cao, bởi gia đình - nhà trường phải phối hợp để giáo dục, dạy dỗ học sinh.

Cùng quan điểm, GS Trần Ngọc Đường cho rằng, Luật Giáo dục là “luật mẹ”, nên phải bao quát đủ các vấn đề. Luật phải điều chỉnh được những vấn đề mà dư luận hiện đang bức xúc như bạo lực học đường, thực phẩm trong nhà trường, gian lận thi cử... Đặc biệt, phải làm rõ vai trò chủ thể của gia đình trong các hoạt động giáo dục. Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, băn khoăn khi thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa (SGK), rất dễ lộn xộn, lúng túng trong lựa chọn bộ sách nào để học. Ông đề nghị giáo dục cần phải thực hiện bằng được giảm tải, không để nặng về kiến thức hàn lâm như hiện nay. Bên cạnh đó, luật cũng cần phải đề cập sâu sắc đến vấn đề chống bạo lực học đường, bảo vệ được thân thể, danh dự, nhân phẩm của thầy cô, học sinh.

Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm là vô cùng bất cập, lỗi thời. Trẻ em bây giờ phát triển tốt hơn trước đây cả về thể chất, trí tuệ, do đó nên rút còn 11 năm, lợi rất nhiều. Ngành giáo dục hiện nay đang “chăm chăm lo viết SGK”, trong khi quan trọng nhất phải là vấn đề giáo viên, sách hay đến mấy mà giáo viên không đáp ứng yêu cầu cũng không có hiệu quả. Luật cần viết rõ hơn về phân luồng, hướng nghiệp, nội dung này trong dự thảo luật đang rất chung chung. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần hướng nghiệp rõ vấn đề này, hướng nghiệp nhưng không phải là bắt buộc, hướng làm sao để người dân không ồ ạt đổ đi thi đại học như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục