Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh

Sáng 25-6, Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã diễn ra tại Hưng Yên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Tới dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo nhiều ban, bộ ngành Trung ương và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Ảnh: TTXVN

Liên kết vùng chưa hiệu quả

Theo đánh giá của Chính phủ, tiềm năng, lợi thế vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ đang có hơn hẳn những vùng kinh tế khác, nhất là kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. 

Thời gian qua, vùng kinh tế có dân số hơn 16 triệu người này đã triển khai nhiều công trình, dự án quan trọng có tính chất liên vùng. Tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 9,86%. Đặc biệt, đây là vùng duy nhất trong 4 vùng KTTĐ trên cả nước có 100% các tỉnh, thành phố trong vùng có điều tiết về ngân sách trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, chỉ còn 2% theo chuẩn đa chiều. Vùng KTTĐ Bắc bộ đang có rất nhiều thuận lợi với cả 3 yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Vị trí lợi thế là cửa ngõ ra biển ở khu vực phía Bắc, có nhiều cảng container đã và đang được đầu tư và tiếp tục mở rộng (cảng Đình Vũ, Cái Lân, cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện…) đã góp phần phát triển dịch vụ logistics và tăng khả năng cạnh tranh loại hình này với vùng KTTĐ phía Nam. 

Tuy nhiên, tại hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc, nếu sớm giải quyết, tháo gỡ thì vùng sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Điển hình là môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa đồng đều, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các địa phương trong vùng có sự chênh lệch lớn (Quảng Ninh thứ 1, Hà Nội thứ 9, Vĩnh Phúc thứ 13, Bắc Ninh thứ 15, Hải Phòng thứ 16, Hải Dương thứ 55, Hưng Yên thứ 58). Các dự án công nghiệp tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Cấu trúc không gian phát triển vùng KTTĐ Bắc bộ còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng...

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ Bắc bộ, đề xuất các giải pháp trọng tâm cho vùng như ưu tiên phát triển, hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương. Cùng đó, đề xuất Thủ tướng giao một Phó Thủ tướng làm chủ tịch vùng để có nhiều quyết định hiệu quả hơn.

Cần phương thức quản lý linh hoạt, sáng tạo

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính và cần có phương thức quản lý mới để vùng phát triển. Theo Thủ tướng, phương thức quản lý mới với sự linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả hơn trong hệ thống tổ chức quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh cả về thời gian và không gian vùng lãnh thổ.

Về định hướng phát triển vùng KTTĐ Bắc bộ thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, vùng phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng vùng KTTĐ Nam bộ là 2 đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước. Muốn thế, cần có thể chế liên kết vùng, cơ chế phối hợp vùng; liên kết trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ rõ nét hơn. “Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần là phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường”, Thủ tướng nêu rõ. Là vùng có dân trí cao, vùng KTTĐ Bắc bộ cần phát huy giá trị văn hóa, con người, coi đây là thế mạnh, tiềm năng cần khơi dậy. Cùng với đó, làm rõ hơn mô hình tăng trưởng, đó là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, làm tốt hơn dịch vụ logistics. 

Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục