“Peak - Những ảo tưởng về thiên tài”: Một cách nhìn khác về thiên tài

Thông điệp mà hai tác giả Anders Ericson và Robert Pool gửi đến độc giả thông qua cuốn sách Peak - Những ảo tưởng về thiên tài (Alpha Books và NXB Lao động - Xã hội) chính là: Thiên tài không phải là năng khiếu thiên bẩm, mà là thứ mà mỗi người đều có thể có được thông qua luyện tập có chủ ý.

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao một người nghệ sĩ chơi đàn violon, một người múa ballet lại biểu diễn xuất sắc như thế chưa? Và đã bao giờ bạn thắc mắc do đâu mà một số người lại có thể giỏi một cách kỳ diệu đến vậy trong công việc của họ?

Ở bất cứ lĩnh vực nào, từ các môn thể thao, trình diễn âm nhạc, khoa học, y khoa cho đến kinh doanh, dường như luôn có các nhân vật xuất chúng khiến chúng ta phải kinh ngạc vì những gì họ có thể thực hiện. Khi đối mặt với một người đặc biệt như vậy, một cách tự nhiên, chúng ta có xu hướng kết luận rằng họ được sinh ra với năng lực trời phú. Vậy liệu đó có phải sự thật?

“Peak - Những ảo tưởng về thiên tài”: Một cách nhìn khác về thiên tài ảnh 1 Cuốn sách "Peak - Những ảo tưởng về thiên tài" chứng minh cho độc giả một điều: Thiên tài không phải là năng khiếu bẩm sinh, mà có thể đạt được thông qua luyện tập có chủ ý. 
Trong suốt 30 năm, hai học giả nổi tiếng Anders Ericson và Robert Pool đã nghiên cứu về hàng loạt những người nổi tiếng trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực, về những gì họ làm và cách họ làm, tâm lý học, sinh lý học, thần kinh học của những cá nhân phi thường này.
Và điểm chung mà các tác giả rút ra được, đó là: các cá nhân này đều có một năng khiếu đặc biệt, nhưng quan trọng hơn đó là quá trình luyện tập vô cùng nghiêm túc, chỉn chu, có chủ ý để bồi đắp những năng khiếu này. Hơn thế nữa, khi áp dụng phương pháp luyện tập này cho nhiều cá nhân có khả năng ở mức trung bình khá trở lên, thì điều kỳ diệu đã xảy ra: những cá nhân này cũng sở hữu được những kỹ năng tuyệt vời gần như những con người phi thường nói trên.
Thiên tài âm nhạc Wolfgang A. Mozart hồi niên thiếu không chỉ nức danh bởi khả năng chơi violin và nhiều loại nhạc cụ khác, mà còn nổi tiếng bởi vì có một “thính giác hoàn hảo”. Khi nghe thấy một nốt nhạc được chơi trên một nhạc cụ bất kỳ, Mozart lập tức có thể xác định được đó là nốt nào. Ví dụ, La thăng trong quãng tám thứ hai ở trên nốt Đô, hoặc Mi giáng ở dưới nốt Đô…
Không chỉ với nhạc cụ, cậu còn có thể nhận ra nốt nhạc được tạo ra từ bất cứ thứ gì: tiếng chuông đồng hồ, tiếng hắt hơi… Mozart đã được ca ngợi là thần đồng trẻ tuổi sở hữu năng khiếu trời phú cực kỳ hiếm hoi, chỉ khoảng 1/10.000 người mới có.
Rất nhiều người đã tin vào điều này cho đến năm 2014, Tạp chí Tâm lý học của âm nhạc đã công bố một thí nghiệm được thực hiện tại Trường âm nhạc Ichionkai ở Tokyo. Trong thí nghiệm này, nhà tâm lý học người Nhật Bản Ayako Sakakibara đã chọn 24 trẻ từ 2-6 tuổi học về các hợp âm khác nhau trên đàn piano.
Kết quả, sau khóa đào tạo kéo dài trong 10-18 tháng tùy theo từng trẻ, tất cả trẻ em trong chương trình đào tạo thí nghiệm đã phát triển được thính giác hoàn hảo và có thể xác định được từng nốt chơi trên đàn piano tương tự như Mozart!
Lần lại thời thơ ấu của Mozart, chính bản thân ông cũng đã được cha mình đào tạo, rèn luyện một cách quyết liệt từ năm lên 4 tuổi. Và các nhà khoa học cho rằng, nếu Mozart lớn lên trong một gia đình khác - hoặc không được rèn luyện một cách đúng đắn về khả năng chơi nhạc, nghe nhạc…, chắc chắn ông sẽ không bao giờ phát triển được những khả năng được nhân loại ngưỡng mộ như vậy.    
“Peak - Những ảo tưởng về thiên tài”: Một cách nhìn khác về thiên tài ảnh 2 Hai học giả nổi tiếng, đồng tác giả của "Peak - Những ảo tưởng về thiên tài" (từ trái qua: Anders Ericson và Robert Pool)
Điều tuyệt vời tiếp theo trong cuốn sách là các tác giả sẽ dẫn lối độc giả tìm hiểu các phương pháp luyện tập chủ ý là gì, tại sao nó hiệu quả như vậy, và các chuyên gia áp dụng nó để có được những khả năng vượt trội như thế nào. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ phải xem xét nhiều loại hình tập luyện khác nhau, từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, và thảo luận về điểm khác biệt giữa chúng. Bởi vì một trong những khác biệt giữa các loại hình tập luyện tập là mức độ mà chúng thích nghi với não bộ và cơ thể.
Phần cuối cuốn sách, tác giả sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể về việc áp dụng tập luyện có chủ ý trong các tổ chức chuyên nghiệp để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, về cách các cá nhân có thể áp dụng tập luyện có chủ ý để làm tốt hơn trong các lĩnh việc mà họ quan tâm, và thậm chí về cách trường học có thể đưa tập luyện có chủ ý vào các bài giảng.
Nói chung, dù các nguyên tắc về tập luyện có chủ ý được phát hiện bằng cách nghiên cứu những người xuất chúng, nhưng bản thân các nguyên tắc này có thể được áp dụng cho bất cứ ai muốn cải thiện ở bất cứ mặt nào của bản thân, dù chỉ một chút.
Vì tập luyện có chủ ý được phát triển đặc biệt để giúp chúng ta trở thành những người giỏi nhất trong công việc của mình, chứ không chỉ đơn thuần là “giỏi vừa đủ”, nên nó là phương pháp học tập mạnh mẽ nhất từng được nghiên cứu và phát hiện.

Tin cùng chuyên mục