Ổn định vĩ mô, tạo sức bật mới

Năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 6,21% so với năm 2015, không đạt được mục tiêu đề ra là 6,7%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi và có nhiều khó khăn, mức tăng trưởng trên 6% được ghi nhận là một thành công.
Ổn định vĩ mô, tạo sức bật mới

Năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 6,21% so với năm 2015, không đạt được mục tiêu đề ra là 6,7%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi và có nhiều khó khăn, mức tăng trưởng trên 6% được ghi nhận là một thành công.

Năm 2017 được dự báo là sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức tác động tới nền kinh tế nước ta. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra. Bên cạnh đó, cần tạo chuyển biến rõ trong thực hiện 3 đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; khuyến khích khởi nghiệp, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh...

Những điểm sáng trong khó khăn

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn dự báo; giá dầu thô và giá nhiều hàng hóa cơ bản ở mức thấp; tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu diễn biến bất thường đã tác động xấu đến phát triển kinh tế nước ta.

Ngành dệt năm nay xuất khẩu đạt giá trị cao và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Cao Thăng

Với mục tiêu xây dựng “Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, trong sạch và liêm chính”, ngay từ đầu năm 2016 Chính phủ đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; chỉ đạo sát sao và xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp mới phát sinh, như: bão lũ, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển... Đáng chú ý là Chính phủ đã tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, quản lý điều hành bằng luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ kinh tế. Hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh tế; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm thực thi; tiến tới xóa bỏ “cơ chế xin - cho”, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách và trong hành động...

Với những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt này, kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (CPI tăng 4,74%), tăng trưởng GDP ước tăng 6,21%. Dù kinh tế khó khăn, nhưng năm 2016 dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục với lượng vốn thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn.

Theo cơ quan thống kê, mức tăng trưởng GDP năm 2016 thấp hơn năm 2011 (6,24%) và năm 2015 (6,68%), song cao hơn các năm 2012 (5,25%), năm 2013 (5,42%) và 2014 (5,98%). Một điểm cần ghi nhận là mức tăng trưởng 6,21% của kinh tế Việt Nam trong năm 2016 vẫn cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển ở châu Á (5,5%) và khu vực Đông Nam Á (4,5%), trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn). Điều này cho thấy mức tăng trưởng kinh tế năm 2016 tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7%, song vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao và ổn định. “Nếu không có những yếu tố bất khả kháng thì tăng trưởng GDP có thể đã vượt so với kế hoạch đề ra” - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh

Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, như nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát…, dự báo năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức tác động tới nền kinh tế nước ta. Những bất ổn về chính trị, xung đột khu vực, tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng và sẽ có những diễn biến khó lường; sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, những diễn biến mới đây và xu hướng quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước theo chiều hướng bảo hộ sẽ ảnh hưởng nhiều mặt tới sự phát triển kinh tế đất nước. Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc, cơ sở hạ tầng yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của nền kinh tế nước ta.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng  trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, là những định hướng lớn của Chính phủ trong năm 2017. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP, tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%... Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, trong năm 2017 Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh; có các chính sách giải pháp đột phá cho phát triển. Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN-4.

Liên tục trong giai đoạn 2014-2016, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2017, một bản Nghị quyết 19 mới sẽ được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết 19 năm 2017 đưa ra khoảng 250 nhóm giải pháp, nhiệm vụ với tinh thần “càng cụ thể, càng tốt”. Các bộ, ngành cùng địa phương phải cùng nhau vào cuộc quyết liệt thực hiện nghị quyết này để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 “Nếu không tái cơ cấu quyết liệt, không nâng cao được năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, chúng ta sẽ tụt hậu, sẽ không giải quyết được các thách thức về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, thu hẹp được khoảng cách phát triển; không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chính phủ xác định 2017 là năm tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”

Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục