Ô tô vào cuộc đua giảm giá

Thị trường ô tô bắt đầu bước vào cuộc đua giảm giá khi xe nhập khẩu rộng đường cập cảng, còn sản xuất lắp ráp trong nước cũng ồ ạt tung ra nhiều tên tuổi lẫn dòng sản phẩm mới.
 Ô tô nhập khẩu để tại cảng SPCT Ảnh: THÀNH TRÍ
Ô tô nhập khẩu để tại cảng SPCT Ảnh: THÀNH TRÍ

Hết thời “thổi giá”

Nếu như vào thời điểm này năm 2018, thị trường ô tô đón nhận luồng không khí hết sức ảm đạm của Nghị định 116/2017/NĐ-CP liên quan đến điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu (có hiệu lực ngày 1-1-2018) khiến lượng xe nhập khẩu đột ngột giảm mạnh, người tiêu dùng dài cổ chờ mua. Tình hình có khởi sắc hơn bắt đầu từ quý 2-2018, nhưng số lượng xe nhập khẩu về cảng cũng nhỏ giọt, chủ yếu xuất xứ Thái Lan do Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phía Thái Lan cấp, tạo điều kiện để các hãng đưa những lô hàng đầu tiên về nước. Và ở thời điểm này, chỉ những khách hàng “chịu chơi” mới chấp nhận chi thêm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để sở hữu ngay mỗi chiếc xe mới theo hình thức bán hàng kiểu “bia kèm mồi” do các đại lý xe đặt ra.

Tuy nhiên, thời thế nay đã thay đổi. Từ sau Tết Kỷ Hợi đến nay, do nguồn cung vượt cầu nên hầu hết các hãng ô tô bắt đầu tung ra nhiều hình thức khuyến mại để kích cầu. Đặc biệt, đến thời điểm này các vướng mắc xung quanh Nghị định 116 gần như được giải tỏa nên các hãng sản xuất lắp ráp ô tô trong khu vực ASEAN đều rộng cửa xuất khẩu sang Việt Nam với thuế suất 0%. Trong khi đó, các hãng sản xuất lắp ráp trong nước phần do hàng tồn trước tết, phần lại muốn thanh lý các mẫu lỗi thời, cũng như áp lực bán các sản phẩm mới; đặc biệt có những thương hiệu mới tham gia thị trường càng tạo áp lực, buộc phải dùng nhiều “chiêu” để tranh giành thị phần. Mặc dù thông tin phí trước bạ ô tô bán tải sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại vào đầu tháng 4-2019, nhưng cũng không ngăn được dòng xe này giảm giá. Cụ thể, hiện hãng Mitsubishi đang đồng loạt giảm giá các dòng xe bán tải, gồm: Triton giảm thêm 25 triệu đồng/chiếc, còn mẫu Mitsubishi Outlander (bản 2.4 CVT) cũng giảm hơn 51 triệu đồng/chiếc. Động thái này của Mitsubishi được giới kinh doanh ô tô đánh giá là nhằm cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc như Mazda CX5, Hyundai SantaFe hay Honda CRV... Tương tự, ngay từ đầu năm nay, GM Việt Nam cũng tung ra chương trình khuyến mại hấp dẫn cho nhiều mẫu xe nhập khẩu. Trong tháng 3, tất cả các phiên bản của Trailblazer đều áp dụng mức ưu đãi lên tới 50 triệu đồng. Giá xe Trailblazer dao động ở mức từ 835 triệu đồng đến gần 1,1 tỷ đồng/chiếc cho 3 phiên bản. Thaco Trường Hải cũng gây ấn tượng với loạt ưu đãi rất nhiều mẫu xe như Mazda 2, Mazda 3, Mazda CX-5, Mazda 6 và cả mẫu bán tải BT-50, mức giảm giá bán từ 30 - 35 triệu đồng/chiếc, tùy loại.

Kỳ vọng giấc mơ giá rẻ

Ấn tượng nhất khi bước vào quý 2-2019 là sự góp mặt của một số tên tuổi mới và những dòng ô tô mới. Dự kiến, trong tháng 4 tới, Honda Civic đời 2019 sẽ ra mắt thị trường Việt Nam và trở thành đối thủ nặng ký của các dòng xe tầm trung đang có doanh số bán rất cao trên thị trường như Mazda 3, Hyundai Elantra hay Kia Cerato. Cùng lúc, các dòng xe của VinFast cũng sẽ giao cho khách hàng trong quý 3 và quý 4-2019, trong số này có mẫu xe Fadil giá rẻ để cạnh tranh với Kia Morning, Toyota Wigo, Hyundai i10...

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, cùng với xe sản xuất lắp ráp trong nước và đến từ khu vực nội khối ASEAN, nhiều dòng xe sang nhập từ Đức, Mỹ và Nhật Bản đã về Việt Nam nhiều hơn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, cho thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường xe nhập. “Chính sự đa dạng thị trường xe hơi về mẫu mã và phân khúc sẽ giúp chất lượng xe tốt hơn và giá xe có thể giảm thêm khi phải cạnh tranh toàn diện. Một khi thị trường ô tô đã ổn định hơn về mặt chính sách, cũng như không còn vướng mắc trong việc nhập khẩu, thị trường ô tô tại Việt Nam sẽ có bước đột phá mới”, chuyên gia kinh tế Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM, nhận xét. Cũng theo phân tích của ông Trần Minh Ngọc, với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có tới 90% lượng xe nhập từ các nước ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu 0%, cùng với Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ kích thích sức mua dòng xe sang. Do đó, thị trường sẽ cạnh tranh gay gắt hơn khi nguồn cung của phân khúc xe sang nhập khẩu nguyên chiếc đang được hồi phục mạnh trong năm 2019. Đáng chú ý, sức mua trong năm 2019 kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao do sự thiếu hụt về nguồn cung trong năm 2018, trong khi nhu cầu của thị trường vẫn đang ở mức rất cao. Do vậy, thị trường ô tô trong năm 2019 được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt vì không còn tình trạng thiếu nguồn cung và các đại lý phân phối buộc phải giảm giá để duy trì thị phần.

Với diễn biến thị trường như trên, người tiêu dùng có quyền ấp ủ về giấc mơ sở hữu ô tô giá rẻ trong tương lai. Với ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, hiện một số nhà sản xuất trong nước đã dừng lắp ráp một số mẫu xe để chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. “Những diễn biến thị trường cho thấy, ngành sản xuất ô tô Việt Nam cần tiếp tục có những cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, cùng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường tăng trưởng ổn định, việc tập trung vào phát triển nền công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, chất lượng với ô tô sản xuất trong nước sẽ giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng để xe trong nước đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu”, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nêu quan điểm.

Theo VAMA, doanh số bán hàng của toàn thị trường trong 2 tháng qua đạt 46.653 xe, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Điểm đáng chú ý, tiêu thụ xe nhập khẩu chiếm thị phần ngày càng cao. Trong 2 tháng đầu năm 2019, có 20.169 xe nhập khẩu nguyên chiếc được bán ra (tăng 179% so với cùng kỳ), chiếm 43,2%; xe lắp ráp trong nước đạt 26.484 xe (giảm 15,9%). Các thành viên của VAMA tiêu thụ 93% toàn thị trường (43.242 xe, tăng 14,4%).

Tin cùng chuyên mục