Ô nhiễm không khí đang gây nên nhiều bệnh tật

Số người tử vong do ô nhiễm không khí cao gấp 15 lần so với số người thiệt mạng do chiến tranh. Đặc biệt, “phơi nhiễm bụi ở người nghèo cao hơn người không nghèo”. Đây là những số liệu mang tính cảnh báo được các chuyên gia y tế đưa ra tại Hội thảo “Môi trường không khí và các bệnh có liên quan” do Hội Y học TPHCM tổ chức mới đây.

Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong năm 2015 thế giới có khoảng 9 triệu ca tử vong sớm do liên quan đến ô nhiễm không khí, chiếm tới 16% số tử vong toàn cầu và cao gấp 15 lần số người thiệt mạng do chiến tranh gây ra, cao gấp 3 lần tổng số nạn nhân tử vong do đại dịch AIDS cộng với bệnh lao và sốt rét cộng lại.

Trong khi đó, theo kết quả quan trắc tại TPHCM giai đoạn 2010 - 2017 cho thấy, tổng bụi lơ lửng dao động trong khoảng từ 243,8ug/m3 - 810ug/m3, tức cao gấp 2,4 - 8,3 lần quy chuẩn Việt Nam. 

Song đáng chú ý hơn cả, theo Thạc sĩ Vũ Xuân Đán, Trưởng khoa Vệ sinh Lao động - Sức khỏe trường học (Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe lao động - Môi trường, thuộc Sở Y tế TPHCM), sau khi lấy mẫu so sánh nồng độ bụi cá nhân, kết quả cho thấy người nghèo có nguy cơ phơi nhiễm bụi cá nhân cao hơn người không nghèo vì những thói quen sinh hoạt trong gia đình vẫn không thay đổi.

Cụ thể, nồng độ bụi cá nhân bên ngoài nhà của nhóm nghèo hơn 40ug/m3, ở nhóm không nghèo chỉ 28.2ug/m3. Trong đó, bụi gây ra bệnh tật và tử vong là loại bụi mịn có đường kính khí động nhỏ hơn PM2.5. Đối với nhóm nghèo, nguồn phát sinh phơi nhiễm là bụi đất, bụi giao thông, bụi công nghiệp, bụi do hoạt động bên trong nhà và bụi từ đại dương; ở nhóm không nghèo chỉ phải đối mặt với bụi công nghiệp trong nhà, bụi giao thông và bụi đại dương. 

Còn theo một nghiên cứu của BS Trần Bảo Ngọc, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tỷ lệ mắc độc tố bụi tại quần thể người sống trong nhà kiểu nông thôn và nhà trọ cao gấp nhiều lần so với người sống trong căn hộ. Điều đó cho thấy kiểu nhà có ảnh hưởng rất lớn đối với sự xâm nhập của bụi. Vì vậy, nhà trọ và nhà nông thôn (rơi vào nhóm người có thu nhập thấp) cần được chú ý cải thiện chất lượng không khí.

Các chuyên gia y tế của Hội Y học TPHCM nhận định, việc loại bỏ hẳn bụi không khí ở ngoài trời là điều không thể, tuy nhiên vẫn có nhiều biện pháp để hạn chế chúng. Trước hết, phải có luật nghiêm về chất lượng không khí, giảm thiểu ô nhiễm trong nhà hay thay đổi sự phơi nhiễm cá nhân.

Ngoài ra, người dân cần áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa và giảm bớt tác hại của ô nhiễm. Đặc biệt, bệnh nghề nghiệp ở nhóm người lao động vẫn còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng nên cần phải được quan tâm trong khám, giám định và phòng bệnh.

Tin cùng chuyên mục